Hằng năm, cứ đến ngày 27.3 âm lịch, có những gia đình người Mông, Dao, Tày, Nùng đến chợ Khau Vai (Mèo Vạc, Hà Giang) để vợ tìm lại người yêu cũ, chồng ngồi trò chuyện với bạn tình xưa, những đứa con tìm cho mình tình yêu mới… Đến nơi đây, mọi sự ghen tuông thường tình không hiện hữu, nó theo gió bay lên những đỉnh núi tai mèo cheo leo.
Mỗi người đi một ngả, lại trở về trên con đường mòn quen thuộc nhưng năm nào họ cũng đến chợ. Đến Chợ tình Khau Vai đã trở thành nỗi khát khao luôn thường trực trong tâm trí của những chàng trai, cô gái trên khắp dải Cao nguyên đá và mỗi khi gần đến thời điểm họp chợ nó lại bừng lên mãnh liệt.
Chợ Khau Vai (Khau Vai theo tiếng Tày, Nùng có nghĩa là đèo gai) còn gọi là chợ Phong Lưu, có từ gần 100 năm nay. Sự tích chợ tình bắt nguồn từ truyền thuyết về chàng Ba, cô Út. Chàng Ba người dân tộc Nùng, nhà ở Khau Vai, khôi ngô tuấn tú, hát hay, thổi sáo giỏi nhưng nhà nghèo. Cô Út xinh đẹp là con một tộc trưởng người Giáy. Hai người yêu nhau nhưng gia đình cô Út không đồng ý vì chàng nghèo và khác dân tộc. Chàng và nàng trốn nhà đưa nhau lên hang núi Khau Vai sống. Gia đình, họ tộc cô gái vác súng kíp, cung nỏ sang nhà trai chửi mắng chàng Út phá lệ đưa cô gái ra rừng. Gia đình chàng trai cũng mang gậy gộc, súng, dao ra chửi bới nhà gái. Từ hang núi nhìn xuống cảnh máu chảy, đâm chém nhau giữa hai họ, chàng trai và cô gái chia tay nhau về làng, thề kiếp sau sẽ thành vợ thành chồng. Ngày họ chia tay là ngày 27.3, người dân trong vùng lấy ngày đó làm ngày họp chợ.