Về thăm Krông Búk anh hùng

08:59, 09/04/2009

Những ngày này, về thăm Krông Búk (Đắk Lắk), chúng tôi không chỉ bị choáng ngợp trước sự đổi thay mạnh mẽ của vùng đất này mà còn được hoà vào niềm vui chung của bà con các dân tộc nơi đây khi vinh dự đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba do Chủ tịch nước trao tặng và thành lập thị xã Buôn Hồ...  

Trước đây, huyện Krông Búk được hình thành trên cơ sở kế thừa nền tảng sẵn có của huyện Buôn Hồ. Tên gọi Krông Búk được khai sinh vào ngày 3 miền Bắc - Trung - Nam sum họp (30/4/1975) và giờ đây, trước thềm lễ kỷ niệm 34 năm ngày đất nước thống nhất, Buôn Hồ lại xuất hiện trên bản đồ địa chính nhưng ở góc độ “hoành tráng” hơn: thị xã Buôn Hồ.

 

Krông Búk – Buôn Hồ, ngày này năm ấy...

 

Vị “già làng” nhiệt tình giúp chúng tôi đi thăm vùng đất này không ai khác chính là Phó chủ tịch UBND huyện Krông Búk La Thành Văn. Không giấu vẻ tự hào, ông Văn hồi tưởng: “Đắk Lắk là một trong “ngũ hổ” làm nên Tây Nguyên đại ngàn nắng gió, và Krông Búk cũng là một trong năm đơn vị hành chính hình thành sớm nhất tỉnh Đắk Lắk, thăng trầm suốt chiều dài lịch sử với 3 tên gọi: Buôn Hồ (thời kháng chiến chống Pháp), H4 (kháng chiến chống Mỹ) và Krông Búk (khi thống nhất đất nước). Krông Búk, theo tiếng Ê Đê có nghĩa là sông (hoặc suối) tóc. Tên gọi thân thương này đã gắn liền với bà con nơi đây hơn 30 năm. Năm 2008, Krông Búk vinh dự đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba và chỉ ít lâu sau, Nghị định số 07/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ đã quyết định trên cơ sở huyện Krông Búk hiện tại, chia tách thành 2 đơn vị hành chính, gồm thị xã Buôn Hồ và huyện Krông Búk. “Đây sẽ là thời cơ mới, đồng thời cũng là thử thách của chúng tôi trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, góp phần xây dựng đất nước giàu đẹp, văn minh...”, ông Văn tâm sự.

 

Theo ông Văn, trời phú cho Krông Búk nhiều điều kiện thuận lợi để khai thác, phát triển các loại cây công nghiệp và cây lương thực. Krông Búk hiện là một trong những địa phương có diện tích càphê lớn nhất tỉnh. Cộng với những con người chịu thương chịu khó, chung sống chan hoà với truyền thống đa văn hoá, nhiều dân tộc (Ê Đê, Kinh, Thái, Tày Nùng, Gia Rai, Kinh...), mảnh đất này đang được nhiều người ví là “thiên thời, địa lợi, nhân hoà”.

 

Đi lên bền vững...

 

Từ giã vị Phó chủ tịch UBND huyện, chúng tôi rong ruổi trên những góc phố, con đường ngoằn ngoèo đặc thù của cao nguyên xanh, trong gió đâu đây thoang thoảng hương thơm đồng nội từ những nương càphê hoa nở trắng trời...

 

Bên khuôn viên Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, chúng tôi bắt gặp rất nhiều “nhà kinh tế chân đất” người ê Đê, Kinh, Thái, Tày, Nùng, Gia Rai... đang làm thủ tục tiếp nhận khoản hỗ trợ của Chính phủ để mở rộng sản xuất. Amí Vân cười khúc khích khi nói về kế hoạch phát triển kinh tế gia đình của mình: “Mua thêm cái giống chăn nuôi, cái cây tốt tốt... để có thêm cái tiền nuôi cái bụng mà thôi”. Chúng tôi đùa vui: “Sao không để tiền mua cái xe, cái áo đi chơi phố thích hơn không?” thì sơn nữ ê Đê tròn mắt: “Không có đâu! Lấy cái tiền nuôi cái rẫy, cái rẫy nuôi cái bụng”. Đồng quan điểm với Amí Vân, Y Liêm Niê đứng kề bên cũng hồ hởi: “Cán bộ bảo mua cái giống, cái phân để trồng cái cây cho hoa, cho hạt, nuôi con bò, con dê cho sữa, cho thịt tốt, mai này có tiền nhiều mua rượu thịt đãi bạn bè vui hơn...”. Vậy đó! Yêu biết bao những tâm hồn thật thà, sáng trong của con người Tây Nguyên. Rõ ràng, trong ánh mắt, lời nói của họ đang ẩn chứa khát khao làm giàu chính đáng trên quê hương đại ngàn xanh của mình...

 

Phố núi cao, phố núi đầy sương...

 

Từ giã phố núi đại ngàn, xanh lá xanh rừng, trắng trời bông càphê nở rộ và đỏ thắm đất bazan màu mỡ, chúng tôi trở về thành phố trong sắc nắng cam hồng rực ánh bình minh và mang theo bên mình nỗi niềm riêng đầy màu sắc về vùng đất đang đầy sức vươn trong thời đại mới.

 

Cảm giác ngất ngây nhung nhớ về đất và người vùng cao lộng gió đại ngàn sao khó bề diễn tả, thôi thì xin mượn khúc tự tình của người trong cuộc - Chánh văn phòng UBND tỉnh Đắk Lắk Phan Hồng, nguyên Chủ tịch UBND huyện Krông Búk để thay lời kết: “Ở đây buổi sáng mùa xuân; buổi trưa mùa hạ; chiều thu vàng bay; khuya về chút giá mùa đông. ở đây ta đếm thời gian; Để nghe dòng tóc đôi bờ điệp khúc bazan...”.