Làng tạc tượng Sơn Đồng: Tích tụ tinh hoa, tìm đường hội nhập

17:03, 04/05/2009

Nhiều làng nghề thủ công truyền thống lao đao tìm đường phục dựng, ngăn chặn sự suy thoái, mai một, còn làng tạc tượng Sơn Đồng (Hoài Đức) trăn trở tìm hướng ra thị trường quốc tế.

  Sự suy giảm kinh tế hiện nay làm bước đi Sơn Đồng có chậm lại, thu nhập eo hẹp, cuộc sống người thợ khó khăn hơn, nhưng họ vẫn vững vàng niềm tin về sự phát triển của một nghề mang nét đặc trưng văn hóa dân gian Việt Nam.

 

Nghề tạc tượng ở Sơn Đồng có từ hơn 300 năm nay, đã trải qua những bước thăng trầm, có lúc tưởng như không bao giờ phục dựng lại. Nhưng vì sự sinh tồn cuộc sống, có những người đã lầm lũi, âm thầm làm nghề và giữ nghề, để đến lúc có thời cơ thì vụt bật dậy, bừng sáng.

 

Người được cả làng tin yêu là cụ Nguyễn Đức Dậu (1896-1988), làm nghề giỏi được cả người Pháp tôn vinh và tặng "đồng tiền vàng" tại Hội đấu xảo Hà Đông. Ôm ấp tình yêu với nghề, năm 1986 khi cơ chế nền kinh tế có xu hướng mới, cụ đã mở lớp dạy nghề, rồi cùng với cơ sở đào tạo, nghiên cứu là Trường Đại học Mỹ thuật công nghiệp Hà Nội tổ chức dạy bài bản cho người dân trong xã nắm vững kiến thức khoa học và biết cách "thổi hồn" cho sản phẩm. Miệt mài học tập, những người thợ điêu khắc chăm chỉ đã giữ được cái nghề và ngày càng tấn tới. Từ lớp học này những người thợ ở tuổi 40 đã trở thành những ông chủ thành danh như Nguyễn Chí Quang, Nguyễn Viết Thạch, Nguyễn Viết Thắng, Trần Đình Cương, Nguyễn Việt Hồng... Mỗi người có từ một đến ba xưởng chế tác, với 15-30 thợ lành nghề.

 

 Làng Sơn Đồng có hơn 1.700 hộ, 7.800 nhân khẩu thì hơn 300 hộ chuyên làm nghề mộc với hơn 4.000 thợ lành nghề. Doanh thu từ làng nghề chiếm tới 80% tổng nguồn thu của xã. Thu nhập của thợ trong khoảng từ 800 nghìn đồng đến 2 triệu đồng tùy theo tay nghề. Anh Nguyễn Viết Thạch đã được cấp bằng "Tinh hoa Việt Nam", anh Nguyễn Việt Hồng được dân làng tôn vinh là người tạc tượng giỏi nhất làng.

 

Sản phẩm chủ yếu của làng nghề điêu khắc gỗ Sơn Đồng là các tượng Phật, đức Thánh, người anh hùng, các linh vật thờ như ông Ngựa, ông Hạc, hoành phi, cuốn thư, câu đối, ban thờ... tất cả được sơn son thếp vàng, thếp bạc lung linh mang những nét thiêng liêng.

 

Nguyên liệu để tạc tượng là gỗ mít. Theo quan niệm dân gian, đấy là loại gỗ "thiêng" thích hợp cho việc chế tác đồ thờ cúng. Gỗ mít có đặc tính dẻo, mềm, thớ dăm nên có độ bền cao, ít nứt nẻ, dễ gọt, tránh được những sơ suất khi đục đẽo. Từ việc đục tách bỏ một khối gỗ để lấy ra một pho tượng là một quá trình sáng tạo đầy sức hấp dẫn. Tuy trong quá trình chế tác có những nét chung, nhưng mỗi nghệ nhân đều có những bí quyết riêng để mỗi sản phẩm đều ẩn chứa những sắc thái độc đáo của mỗi nghệ nhân. Kỹ thuật sơn son thếp vàng cũng kỳ công như nghệ thuật sơn mài. Khi nước sơn lên bóng thì mới dán vàng, dán bạc, loại vàng, bạc được mua từ làng Kiêu Kỵ (Gia Lâm).

Theo các nghệ nhân, để có được những sản phẩm độc đáo tinh khôi, phải kể đến phẩm hạnh của người thợ, mà nét tiêu biểu là cái "tâm", trong đó nổi bật là tâm đức, tâm hồn và tâm linh. Tạo tác ra những bức tượng Phật, tượng Thánh, ông Hạc, ông Ngựa, cuốn thư, hoành phi câu đối, trang trí trên đó long, ly, quy, phượng... thợ điêu khắc Sơn Đồng phải hiểu cội nguồn sâu xa của từng sản phẩm, phẩm chất linh hồn của vị Phật, vị Thánh để dân tôn thờ. Họ còn phải học hỏi tâm đức từ các vị để nâng cao tâm hồn, có ý thức tâm linh để nâng cao tay nghề, nâng cao giá trị sản phẩm.

 

 Trong quá trình phát triển, nhiều cơ sở vẫn còn duy trì công nghệ chế tác từ A đến Z của một sản phẩm. Nhưng trong hướng hội nhập, các ông chủ doanh nghiệp đang chuyển dần sang công nghệ chuyên môn hóa, chuyên sâu từng công đoạn, đó là sự phát triển tất yếu của công nghệ hiện đại, song lại rất phù hợp với triết lý truyền thống "trăm hay không bằng tay quen". Cách mới này nhằm bảo đảm cho sản phẩm tinh tế, trau chuốt hơn và có thể rút ngắn thời gian gia công. Sơn Đồng đã có những cơ sở chuyên môn hóa như xưởng của bà Lộc chuyên làm phần mộc, xưởng của anh Hạ chuyên hoàn thiện tượng, một công đoạn tỉ mỉ, trau chuốt, có bàn tay điêu luyện, tài hoa mới dán được những tờ bạc, vàng mỏng hơn giấy cuộn thuốc lá lên gỗ, tạo nên vẻ lung linh, thiêng liêng. Từ nhu cầu về sơn, anh Nguyễn Chí Quang đã mở xưởng pha chế sơn tượng theo công thức phù hợp, tạo ra sản phẩm sơn ta chất lượng tốt giá phải chăng, lại đỡ thời gian đi giao dịch cho nhiều người. Xưởng của anh Thạch ngoài chế tác còn nghiên cứu chế tạo ra các mẫu mã mới mà giá trị thương mại gấp 3-4 lần sản xuất theo mẫu cũ. Đó là những giá trị làm nên sự có mặt của sản phẩm Sơn Đồng ở thị trường Thái Lan, châu Âu, Mỹ.

 

Công việc ngày một thăng hoa tạo ra nhu cầu, bước phát triển mới. Những năm 1998-2002 Sơn Đồng đã tổ chức đào tạo lớp thợ trẻ (40 người, thời gian 18 tháng) chi phí mỗi học viên khoảng 10 triệu đồng, một số tiền không nhỏ, trong khi yêu cầu đào tạo nghề phải thường xuyên mới đáp ứng được thị trường và tiếp thu tinh hoa của nghệ nhân. Việc đào tạo thợ trẻ đang cần cả những kiến thức mới như công nghệ thông tin, ngoại ngữ, tiếp thị, quảng cáo, quản trị kinh doanh. Cả làng mới có anh Nguyễn Bình Hiệp, 28 tuổi, kỹ sư tin học, biết tiếng Anh. Chính nhờ lợi thế này mà anh đã nhận được lô hàng gồm đồ thờ, ô xa, hoành phi, câu đối do đại sứ quán Việt Nam tại Hoa Kỳ đặt để giới thiệu với bạn hàng nhân dịp Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết thăm Mỹ. Sơn Đồng đã tổ chức mở lớp học chữ Hán vì phần lớn các chữ trên sản phẩm ghi bằng Hán tự, mà thể hiện sai nét chữ của tác phẩm linh thiêng là điều cấm kỵ. Lớp học chữ Hán cứ mỗi ngày đông thêm, nay đã tới 70 người học. Ngoài ra người thợ còn phải trau dồi kiến thức văn hóa Phật giáo và tâm linh để sáng tác mỗi pho tượng có hồn và sắc thái riêng của các đấng bậc.

 

Để có một thương hiệu mạnh của một làng nghề, Sơn Đồng còn không ít khó khăn. Nhưng thuận lợi là đầu năm 2008 UBND tỉnh Hà Tây cũ đã phê duyệt dự án quy hoạch phát triển làng nghề truyền thống Sơn Đồng kết hợp du lịch đến năm 2010, định hướng đến năm 2020. Theo hướng đó, đây sẽ là làng nghề giàu có và hiện đại, nhưng không gian lại hài hòa với nét đẹp truyền thống chất chứa trong từng dáng tượng, nét son trên những câu đối, hoành phi.