Ngày hội 'ven trời Tây Bắc'

08:50, 05/05/2009

Tháng ba. Hoa ban nở sáng núi sáng rừng. Hoa gạo đỏ rực. Hoa trẩu trắng tinh. Cả đất trời Lai Châu "ven trời Tây Bắc" rạo rực hương sắc và tưng bừng Ngày hội Văn hóa - Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Tây Bắc lần thứ 11. Ðây là ngày hội đoàn kết của các dân tộc vùng Tây Bắc tổ chức hai năm một lần, nhằm phát huy, tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống, đồng thời là dịp quảng bá tiềm năng du lịch, quảng bá hình ảnh con người Tây Bắc.

Khắc họa nét đa dạng văn hóa vùng Tây Bắc

 

Hơn 600 nghệ nhân, diễn viên, vận động viên của các tỉnh Tây Bắc, cùng hàng trăm học sinh, sinh viên các trường nghệ thuật mang đến ngày hội những điệu múa, lời ca, những lễ hội truyền thống, cùng thi tài trong các môn thể thao và trò chơi dân gian sôi động.

 

 

Nhằm đổi mới cách thức tổ chức các lễ hội, chương trình biểu diễn nghệ thuật của ngày hội đã mang tới cho người xem một bức tranh đậm sắc màu và âm thanh của các dân tộc vùng Tây Bắc. Tiến sĩ Trần Hữu Sơn - Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Lào Cai, tác giả kịch bản của chương trình cho biết: Ở Tây Bắc có gần 30 dân tộc  cùng chung sống, vì thế chương trình biểu diễn nghệ thuật đã làm bật lên tính đa dạng văn hóa đó.

 

Tại các hội trại văn hóa, các tỉnh đã tái hiện các lễ hội văn hóa đặc sắc của một số các dân tộc vùng Tây Bắc như: Lễ hội tắm than của người Dao đỏ (Lào Cai), lễ hội Tết ngô của người Cống (ở xã Nậm Khao, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu); lễ hội Hết chá của dân tộc Thái trắng vùng Mộc Châu (Sơn La); lễ hội rước Bụt tại hang Khụ Dúng (ở Hòa Bình) và lễ hội Kin Pang của người Thái đen (tỉnh Ðiện Biên)... Cách thức tổ chức các hội trại đã được đổi mới, không chỉ là giới thiệu về các thành tựu phát triển kinh tế - xã hội và bản sắc văn hóa của từng tỉnh, mà đã đi sâu giới thiệu bản sắc  của từng dân tộc. Chẳng hạn tỉnh Lào Cai giới thiệu về bản sắc văn hóa dân tộc Dao, tỉnh Lai Châu giới thiệu về nét văn hóa ẩm thực của người Thái ở huyện Phong Thổ...

 

Siết chặt tay, tạo vòng xòe lớn

 

Ðây là một trong những điểm nhấn trong Ngày hội Văn hóa - Thể thao và Du lịch các dân tộc Tây Bắc lần này. Kỷ lục được xác lập tối 27-3, với sự tham gia của hơn 1.332 người, đủ các lứa tuổi thuộc 27 dân tộc vùng Tây Bắc cùng tham gia, siết chặt tay nhau tạo nên năm vòng tròn lớn, kết thành hình một bông hoa ban năm cánh. Tâm của bông hoa chính là ngọn lửa của tinh thần đại đoàn kết của ngày hội. Bà Phùng Thị Ngọc Phượng - Giám đốc Công ty Quảng cáo, Thương mại và Xây dựng Anh Sơn - người có ý tưởng thực hiện kỷ lục ghi-nét này cho biết: "Tôi có may mắn là được đi nhiều vùng ở miền núi Tây Bắc của Tổ quốc, trực tiếp tham dự vào các lễ hội của các bản làng, cũng như nhiều lễ hội lớn của các địa phương, tôi thấy có một hoạt động rất hay của người Thái, đó là vòng xòe. Nhưng không chỉ có người Thái, bây giờ đi lên Tây Bắc, cứ sau mỗi một cuộc vui thì người ta lại tổ chức múa xòe. Nét văn hóa đó có sự giao thoa giữa các dân tộc, nó có sức lan tỏa mạnh và tôi nảy ra ý định tạo một vòng xòe đoàn kết lớn nhất từ trước đến giờ, có nhiều dân tộc nhất. Ngày hội Văn hóa Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Tây Bắc chính là cơ hội quý giá nhất để tổ chức vòng xòe này".

 

Ðối với đồng bào các dân tộc tỉnh Lai Châu, Ngày hội Văn hóa - Thể thao và Du lịch lần thứ 11 thật sự là ngày vui lớn. Các chương trình tập luyện của các diễn viên dù diễn ra lúc nắng gắt hay mưa nặng hạt đều có đông đảo công chúng tới xem. Ðêm khai mạc, Quảng trường nhân dân chật kín người. Có nhiều đồng bào dân tộc đã có mặt từ sáng sớm, đi xem các hội trại, rồi đi chơi chợ văn hóa du lịch - thương mại.

 

Hơn 250 vận động viên của sáu tỉnh Tây Bắc đã cùng nhau tranh tài trong các môn thi đấu thể thao và trò chơi dân gian như: Chạy việt dã, cầu lông, tung còn, đẩy gậy, bắn nỏ, kéo co, tù lu...

 

Nhiều người từ các tỉnh xa nghe tin có ngày hội đã chẳng quản đường xa về chung niềm vui ngày hội. Nhiều nghệ sĩ nhiếp ảnh cũng không muốn bỏ qua cơ hội "chộp" được những khoảnh khắc đắt giá. Tất cả mọi người đến với ngày hội với một niềm vui trong trẻo...

 

Xây dựng thương hiệu du lịch Tây Bắc

 

Lần đầu tiên trong 11 lần tổ chức Ngày hội Văn hóa - Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Tây Bắc, một hội thảo để bàn về các giải pháp để đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của cả khu vực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội được tổ chức. Hội thảo do Tổng cục Du lịch và UBND tỉnh Lai Châu tổ chức, với sự tham gia của lãnh đạo các Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch trong vùng và các doanh nghiệp du lịch. Trong thời gian qua, vùng Tây Bắc đã thu hút một số lượng lớn khách du lịch trong và ngoài nước, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương; tạo nhiều việc làm, góp phần xóa đói, giảm nghèo, củng cố vững chắc quốc phòng - an ninh biên giới. Tuy nhiên, sự phát triển du lịch trên địa bàn vùng Tây Bắc thời gian qua còn nhỏ lẻ, thiếu sự hợp tác liên vùng, hoặc mới chỉ là khởi sự ban đầu, kết quả đạt được chưa tương xứng với tiềm năng. Các đại biểu nhận định: Trong bối cảnh phát triển mới của vùng, cùng với xu thế hội nhập của cả nước và quốc tế, cần định hướng phát triển du lịch của vùng Tây Bắc với những nhìn nhận chính xác, toàn diện hơn về tiềm năng và hiện trạng phát triển, về quan điểm và mục tiêu phát triển, về xác định thị trường và phát triển sản phẩm, về tổ chức không gian và đầu tư phát triển du lịch. Ðặc biệt là chú trọng phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái...

 

Hội thảo đã nhất trí mỗi năm các tỉnh ở khu vực Tây Bắc sẽ tổ chức một hội nghị bàn về các giải pháp phát triển du lịch, từ đó có định hướng phát triển du lịch của vùng Tây Bắc toàn diện hơn, có sự đầu tư thống nhất, đồng thời quảng bá về tiềm năng du lịch ở trong nước và quốc tế.

 

Lai Châu miền đất có núi sông hùng vĩ, cảnh quan xinh đẹp, con người thân thiện, chan hòa, văn hóa các dân tộc phong phú, đậm đà bản sắc dân tộc đã, đang và sẽ mở rộng tấm lòng và vòng tay thân ái chào đón bè bạn...