Chùa Hà có tên tự là Thánh Đức, nay thuộc phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Thành phố Hà Nội.
Tương truyền chùa được xây dựng từ rất lâu đời, tường xây bằng gạch vồ, lợp lá gồi, xưa có tên là chùa Vồi. Đến đời vua Hy Tông có hai người quê làng Thổ Hà (Bắc Giang) sang trở chùa để bán các đồ gốm sứ ở chợ trong, ngoài thành Thăng Long. Do buôn bán phát đạt, hai gia đình này tình nguyện công đức số tiền lớn cùng nhân dân trong xóm xây dựng lại chùa bằng gạch ngói vào năm Chính Hòa (1680). Từ đó hai làng Thổ Hà và Dịch Vọng Trung kết nghĩa, đặt tên xóm có ngôi chùa là Bối Hà và chùa có tên nôm là chùa Hà (đến ngày kỵ hàng tháng, hàng năm ở Thổ Hà, nhân dan xóm Bối Hà cử đoàn đại biểu sang lễ, và ngược lại).
Chùa Hà được xây dựng trên vùng đất có bề dày lịch sử lâu đời. Chùa thờ Phật, thờ Tổ, thờ Mẫu theo tín ngưỡng dân gian. Trong Thượng điện của chùa hiện còn lưu giữ một lư hương bằng đồng cao 35 cm, đưòng kính miệng 25 cm, còn khắc 3 chữ Hán "Thánh Đức tự". Theo các cụ cao tuổi trong làng cho biết thì tên chữ của chùa có từ đời Lê Thánh Tông (1460 - 1497). Tương truyền, Nghi Dân Thái tử có tội với triều đình, không được nối ngôi, kết bè đảng, đêm bắc thang vào thành Thăng Long đốt cháy cung điện. Vua Lê Thánh Tông còn nhỏ, phải chạy về chùa Thôn Hậu (xã Dịch Vọng), tên chữ là chùa Thánh Chúa (cách chùa Thánh Đức khoảng 1000m). Khi ấy, ua Lê Thánh Tông cũng lui tới thăm chùa Thánh Đức. Chùa Thánh Chúa và chùa Thành Đức có tên như vậy do nguồn gốc câu chuyện trên.
Hiện nay, trước cửa chùa còn dòng chữ Hán đắp nổi trên cột trụ: "Lê Triều Chính Hòa tạo dựng" ("Chùa dựng năm Chính Hòa Lê Huy Tông"). Có lẽ, đây là lần xây dựng mới từ chùa Vồi nhỏ bé bằng gạch vồ và lợp lá gồi. Trải qua thời gian, thiên nhiên và chinh chiến, chùa Hà cũng có nhiều biến đổi. Cuối đời Lê loạn lạc, chùa bị mất chuông, đến năm Cảnh Thịnh thứ bảy (1799) thời Tây Sơn, nhân dân mới đúc lại chuông. Chuông cao 1m30, chu vi miệng 1m50, quai hình rồng có vây chia làm 4 múi khắc hình long, ly, quy, phượng. Phía trên khắc bốn chữ lớn: "Thánh đức tự chung".
Chùa Hà đã trải qua nhiều lần trùng tu, xây dựng. Diện mạo kiến trúc của chùa hiện nay là sản phẩm của những lần trùng tu sửa chữa vào thời Nguyễn và những năm gần đây. Hiện nay, Chùa Hà được nâng cấp, xây dựng lại rất khang trang, bề thế (Phường Dịch Vọng và ban quản lý di tích chùa triển khai xây dựng lại chùa và đình Hà từ năm1995 - 2003; tam quan được giữ nguyên vẹn). Các công trình kiến trúc của chùa được quy hoạch tập trung trng một khoảng không gian rộng thoáng gồm: cổng tam quan, vườn cây xanh, hồ nước hình bán nguyệt, chùa chính kết cấu kiểu chữ "Đinh" có Tiền đường và Thượng điện, nhà thờ Mẫu, nhà thờ Tổ. Tại chùa hiện còn lưu giữ bộ sưu tập di vật văn hóa có giá trị nghệ thuật thuộc thế kỷ XVII, XIX như: quả chuông đồng niên hiệu Cảnh Thịnh 7 (1799); bộ tượng tròn 28 pho, trong đó có 21 pho tượng Phật và 6 pho tượng Mẫu, 1 pho tượng Tổ...; 18 tấm bia đá niên đại triều Nguyễn ghi việc tu sửa và gửi hậu tại chùa; cùng nhiều đồ tờ tự khác như bát hương sứ men lam, cây đèn, lọ hoa, hoành phi, câu đối...
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Chùa Hà và địa bàn Dịch Vọng là một trong những cơ sở họp và liên lạc bí mật của xử ủy Bắc Kỳ 1941 - 1945. Từ năm 1944, Thành ủy Hà Nội xây dựng cơ sở cách mạng trong thôn Trung và thôn Tiến; các đồng chí lãnh đạo Thành ủy thường qua lại đây gặp gỡ, hội ý công tác. Khoảng tháng 6-1945, Thành ủy đã tổ chức lớp huấn luyện chính trị, quân sự cho cán bộ lãnh đạo Tự vệ và Thanh niên xung phong bí mật toàn thành ở cửa Chùa Hà dưới danh nghĩa Hướng đạo sinh đi cắm trại. Tối ngày 15-8-1945, theo chỉ thị của Xứ ủy, Thành ủy Hà Nội triệu tập một cuộc hội nghị bất thường của các cán bộ và đội trưởng các đội công nhân xung phong và thanh niên xung phong ở Chùa Hà do đồng chí Nguyễn Quyết, bí thư thành ủy chủ trì (xã Dịch Vọng, huyện Từ Liêm, nay là phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy), để kiểm điểm lực lượng của ta trong thành phố và bàn những công việc cấp bách cần làm nhằm chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa. Năm 1995, Chùa Hà đã được Nhà nước công nhận là di tích lịch sử - văn hóa quốc gia.
Cảnh trước cửa chùa ngày 1 âm lịch. Ảnh: Internet
Bia chùa Hà. Ảnh: Internet
Chuông đồng. Ảnh: Internet
18 tấm bia thời Nguyễn. Ảnh: Internet
Khách đến lễ bên trong chùa. Ảnh: Internet
Phương đình và Điện Mẫu. Ảnh: Internet
Bên trong Điện Mẫu. Ảnh: Internet