Nón làng Chuông

10:17, 28/10/2009

Ở Việt Nam có nhiều loại nón nổi tiếng như nón Lai Chấu của đồng bào Thái, nón sơn Cao Bằng của đồng bào Tày, nhẹ nhàng thanh thoát nhờ lót bằng lá mỏng là nón của các cô gái Huế , vừa thanh tú, vừa bền của các cô gái Bình Định... Nhưng chắc hẳn, ai cũng biết ở vùng đồng bằng Bắc Bộ có một trung tâm làm nón nổi tiếng cả nước và ngày nay cũng vẫn còn là một làng nón lừng danh, đó là nón làng Chuông (nay thuộc huyện Thanh Oai, Hà nội ).

 

Đã từ bao đời nay, phụ nữ ở làng Chuông đã tự hào truyền cho nhau cái tài khéo léo nổi tiếng khắp vùng, biến những dải lá gồi non xù xì, quăn queo, nhưng cuộn sợi móc, sợi dứa rối mù... thành những chiếc nón phẳng phiu duyên dáng. Người cao niên trong làng không còn nhớ được nghề nón đã bắt đầu từ cách đây bao nhiêu đời, và ai là vị tổ của cái nghề thủ công quý báu này. Nhưng với hoạt động nhộn nhịp và tính chất tinh xảođến điêu luyện của nghề nón làng Chuông, với sự có mặt của nó trong ca dao cổ, có thể phỏng đoán được bề dày lịch sử của nón làng Chuông.

 

Theo các cụ cao tuổi trong làng kể lại thì khoảng gần một thế kỷ trước, làng Chuông chưa biết đến những kiểu nón hình chóp nhọn như hiện nay. Thời ấy, làng Chuông chỉ chuyên làm loại nón vành rộng tròn và phẳng như một cái mâm. Ở vành ngoài cùng có một đường thành nhô cao lên, chạy suốt vòng quanh làm cho cái nón có hình như một cái chiêng lớn. Giữa lòng nón, có đính một cái "khua" hình như một cái đấu, đan bằng giang vừa đủ ôm khít lấy đầu người đội. Những chiếc nón cổ có vành rộng này được làm bằng một thứ lá gồi nhỏ, sắc vàng thường gọi là lá hồ hay lá già. Lá hồ được người ta đi lên tận những cánh rừng Việt Bắc đẵn và đóng bè chuyển về. Khuôn để đựng lên nón thì mua ở chợ Chuông. Còn cái khua đan bằng giang thì đã có bà con làng Lựa ở gần đó chuyên sản xuất rất kheo, lúc nào cũng đủ để bán cho dân làng Chuông đính vào những chiếc nón cổ. Thứ nón cồ này theo các cụ kể, chia làm ba loại : nón Mười, nón Nhỡ và nón Đấu.

 

Nón Mười, còn gọi là nón "ba tầm" là loại nón đẹp. Nó có vành rộng nhất, sườn nón cũng cao nhất so với nón Nhỡ và nón Đấu. Hơn thế nữa, lá để làm nón Mười là những chiếc lá nõn nà được người làng Chuông chọn lựa cẩn thận, bởi đây chính là loại nón hội hè. Ở thôn quê, các cô gái trẻ thường đội nón ba tầm đi chơi hội, tua hoa phơ phất bên mái tóc, quai thao thả trễ tràng trước ngực, càng làm tăng vẻ có duyên của những chiếc váy lĩnh mới và những dải thắt lưng nhiễu màu rực rỡ. Các cụ bà lên chùa xem đám cũng đội nón ba tầm. Đặc biệt nơi đất kinh kỳ, nón ba tầm của làng Chuông rất được ưa chuộng.

 

Người dân làng Chuông đã trổ hết tài năng khéo léo của mình vào những chiếc nón Mười đặc biệt để đáp ứng nhu cầu, sự tinh đời của kẻ chợ. Họ chọn những chiếc lá mỏng, sống nhỏ, màu trắng ngà lợp trên những chiếc khuôn riêng, lại khâu kỹ càng bằng một thứ móc trắng và săn như cước.

 

Nón Nhỡ ( được gọi là nón Ngang ) là loại nón nhỏ hơn và giản dị hơn nón Mười, thường đội đi làm đồng. Nón Đấu là loại nón bé nhất và sườn thành cũng thấp nhất.

 

Nón làng Chuông cần 16 đến 20 vòng tròn, vót vòng đòi hỏi sự khéo léo, cần mẫn để sao cho chiếc vòng chuốt phải đều và nhẵn, đặc biệt chỗ nối là một nghệ thuật để người ta thấy như một đường liền. Để có được cái khuôn đẹp cũng là một nghệ thuật "Đẹp nón nhờ người thắt, đẹp mặt nhờ khuôn", bởi vậy, những chiếc khuôn nón do dân làng Lựa làm ra có một tầm quan trọng to lớn đối với vẻ đẹp của chiếc nón làng Chuông. Nhưng, khuôn đẹp mà tay người xếp lá, thắt móc lại vụng thì khuôn đẹp cũng bằng không. Do đó, sự hợp tác gắn bó giữa những bàn tay khéo léo của hai làng thủ công này cứ tiếp diễn từ thế hệ này sang thế hệ khác một cách rất hoà hợp. Khuôn tốt giúp cho thợ thủ công làng Chuông vốn đá khéo xếp lá có thể lợp nên những mái phẳng phiu, mượt mà. Tiếp đó, là việc khâu chặt lá vào vòng tròn vành, khâu nón bao giờ cũng bắt đầu từ đỉnh nón trở xuống, những vết khâu phải đều tăm tắp, khi gần hết sợi phải nối tiếp bằng sợi khác. Cái tài của người làng Chuông là các mối nối sợi đã được dấu rất kín một cách khéo léo, khiến khi nhìn vào chiếc nón chỉ thấy tăm tắp những mắt sợi mịn màng tưởng như chiếc nón đã được khâu bằng một sợi dài. Chiếc nón khâu xong ở vòng ngoài cùng bao giờ cũng có một vòng cạp, cạp ở phía trong để giữ độ bền chiếc nón.

 

Đối với những chiếc nón làng Chuông được thửa đặc biệt, lòng nón ở trên đỉnh còn được đính gương sôi, và toàn bộ phía trong chiếc nón được bọc bằng một lượt giấy bóng kính rất mỏng và mịn khâu sát vào nón. Trong lúc khâu nón, các cô gái làng Chuông thường tìm cách làm cho chiếc nón của mình có thêm những màu sắc vui mắt.

 

Đơn giản nhất là đem dán vào trong lòng nón những miếng "hoa nón" nhiều màu sắc. Tinh tế hơn là họ dùng chỉ màu để "lồng nhôi". Lồng nhôi tức là lấy chỉ hồng khâu giăng mắc ở hai diểm đối diện nhau trong lòng nón, phía gần cạp, để từ đó có thể buộc cái dải lụa vào làm quai nón, lồng nhôi vừa có ý nghĩa thực dụng lại vừa có ý nghĩa thẩm mỹ kín đáo. Công phu nhất, có nghệ thuật nhất và có nhiều ẩn ý nhất là sự trang trí giữa lòng những chiếc nón bài thơ. Giữa hai lớp lá mỏng, người làng Chuông gài những hình trổ của dân gian, hình ảnh của quê hương đất nước, và đôi khi mấy câu thơ... Tất cả những lời thơ, những hình ảnh đầy thi tứ ấy được gửi gắm một cách khéo léo và tinh tế vào chiếc nón bài thơ, mà chỉ khi nào soi lên trong ánh sáng thì mới mới có thể cảm nhận, hiểu và gắn bó với nó. Có lẽ vì thế mà chiếc nón bài thơ thường được làm quà tặng, vật kỷ niệm cho nhau. Nó chính là tâm hồn, là tình cảm của người gửi và gợi sự lưu luyến, xao xuyến trong lòng người nhận.

 

Trải qua bao năm tháng, nghề làm nón ở làng Chuông đã trở thành một nghề thủ công mỹ nghệ cổ truyền. Cùng với các vùng làm nón khác, nó đã góp phần vào việc giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc.