Cốm làng Vòng

09:48, 18/11/2009

Thu về, người dân làng Vòng, phường Dịch Vọng, Q.Cầu Giấy  lại lục tục kéo ra đồng gặt lúa non về làm cốm. Cốm là món ăn đặc sản không chỉ của dân gian mà xưa kia còn dùng để tiến vua và mỗi năm cũng chỉ có vào dịp thu về

 

Để làm ra hạt cốm, từ những bông lúa nếp cái hoa vàng còn thoang thoảng mùi sữa, người ta sẽ tuốt lấy hạt, sau đó rang lên vừa đến độ chín, rồi cho vào cối giã. Cứ giã xong một lượng lại sảy, giã phải nhanh chày, nếu không sữa của hạt thóc nếp sẽ bết lại.

 

Người ta thường giã đủ bảy lần cốm mới sạch, mới xanh và mặt cốm mới bóng đẹp. Khi giã, cần bóc hết trấu rồi cho nước lá mạ vào hồ để tạo nên loại cốm màu xanh đặc trưng, mà ta vẫn gọi là xanh màu cốm.

 

Người làng Vòng có những phương pháp bí truyền làm cốm mà không nơi nào có. Họ chỉ truyền cho con cháu từ đời này sang đời khác chứ không để lộ ra ngoài.

 

Khi ăn cốm bạn phải nhai thật kỹ mới có thể lấy được hết cái vị thơm ngon của cốm. Nhà văn Vũ Bằng viết: “Ta vừa nhai nhỏ nhẹ, vừa ngẫm nghĩ đến tính chất thơm của cốm thoang thoảng mùi lúa đòng đòng. Tinh chất ngọt của cốm phiêu phiêu như khí trời trong sạch ta sẽ thấy rằng, ăn một miếng cốm vào miệng là ta nuốt cả hương thơm của cánh đồng quê của ông cha vào lòng.

 

Mỗi mẻ cốm được làm xong có nhiều loại với chất lượng và phẩm cấp khác nhau, chỉ có người sành cốm mới biết được: cốm lá me, cốm rót, cốm mộc và cốm non thông thường.

 

Sản phẩm từ cốm cũng rất phong phú, ngoài cốm tươi, còn có cốm khô, bánh cốm, chè cốm, xôi cốm mà nổi tiếng gần xa phải kể tới bánh cốm dốc Hàng Than (Hà Nội).

 

Cốm thường được nhâm nhi, thưởng thức cùng các đặc sản của mùa thu như chè Thái, hồng, chuối tiêu trứng cuốc…