Đến SaPa, du khách không thể bỏ qua những món nướng, đặc sản của vùng đất này.
Ở Sapa, hình như món gì cũng có thể đem ra nướng được. Những món phổ biến như khoai nướng, sắn nướng, ngô nướng, hay mía nướng thì ngay Thái Nguyên cũng có, nhưng phèo nướng, dạ dày nướng... thì có lẽ chỉ gặp ở ở Sapa lần đầu. Và với đặc điểm thời tiết sáng Xuân, trưa Hè, chiều Thu và đêm Đông như ở Sapa thì khách tham quan có thể thưởng thức món nướng quanh năm.
Khoảng sáu giờ, khi nắng đã tắt hẳn, sương mù bắt đầu đặc quánh lại, và những chiếc Minsk chở khách du lịch đi lại thưa thớt hơn, thì ở trung tâm thành phố, các bà, các cô bắt đầu lục tục mở hàng. Người nhiều vốn thì căng bạt, kê bàn ghế gỗ, chăng đèn điện công suất thấp, trông cũng tươm tất lắm. Còn người ít vốn chỉ dựng một chiếc ô đứng (nghe đâu mua rẻ được tận bên Trung Quốc) để che sương, còn "chủ" và khách cùng ngồi trên mấy chiếc ghế nhựa bên chiếc đèn dầu tù mù khen khét. Chỉ cần một chiếc chậu nhôm nhỏ để đựng than, một chiếc quạt nan, một bao than củi và vài củ khoai, sắn hay đẫn mía, bắp ngô lăn lóc là đã đủ để mở một "cửa hàng" bán đồ nướng rồi. Tôi đếm quanh khu vực nhà thờ cổ và vườn hoa phải có đến ba – bốn chục hàng nướng.
Ở Sapa, mía nướng là món có mùi thơm hấp dẫn nhất, cách hàng chục bước chân đã ngửi thấy. Mía vốn đã ngọt, khi được nướng trên lửa các thớ mía se lại, ăn ngọt lịm mà không sắc, nóng hôi hổi nên không có cảm giác đầy. Trứng gà hay trứng vịt lộn nướng thì vị cũng giống như trứng luộc, nhưng nướng nhanh hơn nhiều và ăn thơm hơn. Giá cả thì khá bình dân: ngô, khoai, sắn, mía mỗi thứ 1.000 đồng, trứng gà 1.500 đồng, trứng vịt lộn 2.000 đồng. Phèo, dạ dày và bánh dầy là những thức cao cấp hơn. Dạ dày và phèo, tức là đoạn lòng non của con lợn, được ướp tẩm gia vị rồi nướng trên tấm lưới sắt bắc ngang chậu than hoa, ăn dai dai, giòn giòn và thơm. Bánh dầy được dàn thật mỏng, nướng sơ qua, rắc ruốc lên rồi gập đôi lại nướng tiếp, cho đến khi bên trong dẻo, bên ngoài giòn như cơm cháy vậy. Có thể coi đây là một trong những đặc sản của Sapa.
Những người bán đồ nướng đều rất cởi mở và thật thà, tất cả những người bán hàng nướng đa phần không phải là người Sapa chính gốc – mà đa số là người Kinh đến từ Hà Tây, Vĩnh Phúc và Phú Thọ. Người ở đây lâu nhất đã trên dưới 10 năm, có người chỉ lên vào mùa "cao điểm", từ sau Tết âm lịch đến đầu mùa Thu. Khách du lịch lên Sapa đông lắm nên mặc dù quán nhỏ, nhưng vẫn bán một lãi gấp đôi, kiếm sống dễ hơn nhiều so với ở dưới xuôi.