Những ngày tháng Tám, có dịp lên Bắc Kạn, du khách không thể bỏ qua một loại quả đặc sản của vùng sơn cước này: Hồng không hạt. Hồng không hạt Bắc Kạn vừa được Cục Sở hữu trí tuệ ra Quyết định số 1721/QĐ-SHTT Bảo hộ chỉ dẫn địa lý đối với sản phẩm này
Cây hồng không hạt đã gắn bó với vùng đất Bắc Kạn trên 100 năm. Hiện nay, tại một số xã của huyện Chợ Đồn, huyện Ba Bể, huyện Ngân Sơn vẫn còn những cây hồng gần 100 năm tuổi cho năng suất và chất lượng quả tốt.
Hồng không hạt Bắc Kạn gồm hai loại: Hồng không hạt “tháng 8 - 9” và hồng không hạt “tháng 9 - 10”. Đặc điểm của loại quả này là quả không có hạt; vỏ quả màu vàng và đỏ; tai quả to, 4 - 5 tai; quả không cứng và không chát, vị ngọt dịu đến ngọt đậm sau khi ngâm; quả nhiều cát đường và rất giòn. Hồng không hạt Bắc Kạn phân bố xung quanh khu vực hồ Ba Bể, tại những nơi có độ cao dưới 800m so với mặt nước biển.
Hình thái của 2 loại hồng không hạt Bắc Kạn khác nhau do đặc điểm phân bố khác nhau. Hồng không hạt “tháng 8 - 9” thường được trồng ở bờ ruộng, bờ ao hoặc trong vườn nhà - nơi có nguồn nước thuận lợi, chủ động tưới tiêu nên kích thước quả to. Trái lại, hồng không hạt “tháng 9 - 10” được trồng chủ yếu ở vườn đồi - nơi có địa hình dốc, nguồn nước cung cấp ít hơn, quả tích lũy nước ít hơn nên kích thước quả nhỏ hơn.
Cái lợi của hồng không hạt là vừa được giá, thích nghi với đất đồi, dễ trồng, trong khi không mất nhiều chi phí, công chăm bón. Bởi thế nhiều người dân Bắc Kạn thoát nghèo, làm giàu từ loại quả này. Có những gia đình trồng hàng nghìn cây, cho thu nhập 150- 200 triệu đồng mỗi năm.
Sản phẩm hồng không hạt những năm gần đây không chỉ tiêu thụ bó hẹp trong địa phận tỉnh Bắc Kạn mà theo chân lái buôn đi về mọi ngả đường đất nước. Đặc biệt trong những mâm cỗ Trung thu hồng không hạt đã trở thành một loại đặc sản không thể thiếu. Cũng chính bởi thế mạnh của loại quả này, tỉnh Bắc Kạn đang có kế hoạch mở rộng diện tích trồng hồng lên hơn 1.000ha để góp phần tăng thu nhập cho người dân địa phương.