Non Nước, nơi sản sinh những tác phẩm nghệ thuật từ đá

11:10, 12/09/2010

Từ những vật trang sức tinh tế nhỏ nhắn như nhẫn, vòng tay, chuổi hạt...đến những bức tượng Phật, danh nhân, sư tử, đại bàng... to lớn lừng lững nặng vài tấn, đều được chế tác hết sức tỷ mỹ sống động như thổi hồn vào đá vậy.

 

Nằm ngay trong lòng danh thắng Ngũ Hành Sơn (Làng đá Non Nước nằm quanh chân ngọn Thuỷ Sơn), nên từ lâu làng đá mỹ nghệ Non Nước đã trở thành một điểm tham quan, mua sắm lưu niệm hấp dẫn của du khách mỗi khi đến Đà Nẵng. Nhờ vậy sản phẩm đá mỹ nghệ Non Nước đã theo chân du khách có mặt trên khắp thế giới. Làng đá có từ rất lâu đời, từ thế kỷ 18 do một nghệ nhân người Thanh Hoá tên là Huỳnh Bá Quát khai phá và được truyền từ đời này sang đời khác nên có rất nhiều thợ có kinh nghiệm. Để chế tạo sản phẩm phải đào sâu xuống đất, người có kinh nghiệm có thể nhận biết mạch đá, chất lượng đá, số đá để có cách khai thác và xử lý. Đá nằm dưới lòng đất nên khi đào lên tương đối mềm, dùng đục có thể cắt ra từng miếng. Sau một thời gian ngoài không khí đá dần rắn lại. Người thợ phải tranh thủ lúc đá mới đào lên để đẽo gọt, như vậy đỡ tốn công sức hơn. Ngoài những tài năng, óc thẩm mỹ còn phải đòi hỏi sự kiên trì khi chế tạo ra những hàng mỹ nghệ bằng đá. Để được tận hưởng niềm hạnh phúc khi hoàn thành xong một tác phẩm nghệ thuật, người nghệ nhân phải trải qua nhiều công đoạn, kể cả những công đoạn nhọc nhằn, vất vả. Nhưng với niềm đam mê, gắn bó với nghề, bằng tất cả tâm huyết của mình, người nghệ nhân đã thổi hồn vào những sản phẩm ấy.

 

Từ nguồn nguyên liệu dồi dào là đá cẩm thạch có một không hai ở Ngũ Hành Sơn, những người thợ đá Non Nước ban đầu cũng chỉ sản xuất những mặt hàng phục vụ nhu cầu đời sống hàng ngày như, chày, cối đá, bia mộ... Những người thợ hành nghề xem đây chỉ là nghề phụ, làm lúc nông nhàn, mùa màng rảnh rỗi. Mục đích chính là tăng thêm thu nhập. Đến đầu thế kỷ 19 số hộ làm đá tăng lên khoảng mười gia đình nhưng sản phẩm vẫn không có gì thay đổi.Nhưng càng về sau nghề càng phát triển, kỷ nghệ chế tác càng điêu luyện tinh xảo hơn mới phát triển sang chế tác mỹ nghệ, điêu khắc, tạc tượng...đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường.

 

Sản phẩm của làng đá Non Nước hiện nay hết sức đa dạng phong phú về đề tài, chủng loại kích cỡ, từ những vật dụng hàng ngày như chày, cối, cốc, chén, ấm trà bằng đá...đến những tượng nhân sư, thần Vệ Nữ, danh nhân đất Việt, danh nhân thế giới, Phật Di Lặc, Phật bà Quan Âm, Sư tử, Hổ, Báo, Đại bàng...Có tượng chỉ bằng ngón tay, có tượng to bằng người thật hết sức tinh xảo sinh động. Sản phẩm của làng đá mỹ nghệ Non Nước không chỉ được tiêu thụ rộng rãi trong nước, mà còn xâm nhập vào nhiều thị trường lớn như Mỹ, Úc, Nhật Bản, Châu Âu...nên chất lượng, mẫu mã, độ tinh xảo ngày càng được nâng cao hơn rất nhiều. Các cơ sở sản xuất ở Non Nước không chỉ tổ chức dạy nghề đào tạo thợ tại chổ, mà còn đầu tư cho con em vào học ở các trường đại học như điêu khắc, Mỹ thuật công nghiệp...mời các hoạ sỹ có tên tuổi thiết kế mẫu mã, kiểu dáng đáp ứng nhu cầu thị hiếu của người tiêu dùng.

 

Đến thăm Làng đá mỹ nghệ Non Nước, du khách sẽ không khỏi ngỡ ngàng về sự đa dạng của các loại sản phẩm, từ những pho tượng phật, tượng người, tượng các danh nhân Việt Nam, tượng muông thú cho đến những sản phẩm trang trí gia dụng như gạt tàn thuốc, ống đựng tăm, cối đá, cối giã tiêu; đồ trang sức như vòng tay, nhẫn, dây đeo cổ...Tất cả đều được chạm trổ hoa văn rất tỉ mĩ và rất tinh xảo. Sản phẩm đá mỹ nghệ Non Nước không chỉ được tiêu thụ trong nước mà còn được xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới. Rất nhiều du khách hay những thương nhân đến từ nhiều nước như Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp, Úc, Hà Lan, Mỹ,...rất thích và đã đặt mua những sản phẩm này.

 

Làng đá mỹ nghệ Non Nước, nơi sản sinh ra những tác phẩm nghệ thuật từ đá không những đã tạo công ăn việc làm cho rất nhiều lao động đến từ nhiều nơi khác nhau trên khắp cả nước, góp phần rất lớn trong sự phát triển kinh tế cho từng hộ gia đình địa phương mà còn góp phần vào công tác quảng bá cho du lịch tại địa phương cũng như góp phần đa dạng hoá và làm phong phú thêm cho sản phẩm của du lịch Đà Nẵng.