Nhắc đến món bánh dày, nhiều người nhớ đến địa danh Quán Gánh (Thường Tín, Hà Nội), nổi tiếng là làng có nghề làm bánh dày truyền thống ven Quốc lộ 1 qua địa phận làng Quán Gánh, nhà nào cũng bày đều tăm tắp những gói bánh dày được gói bằng lá chuối xanh rờn.
Khách qua đường lỡ bữa thường dừng chân ăn chiếc bánh, uống chén trà hoặc mua vài gói bánh về làm quà cho người thân. Ăn bánh một lần rồi nhớ mãi hương vị để lần sau có dịp đi qua nhất định lại ghé vào làng.
Chiếc bánh dày làng Quán Gánh có vị dẻo thơm của xôi nếp, màu xanh non của lá chuối, độ thơm ngậy của đậu, thịt được pha trộn cùng với những hương liệu khác mà chỉ có người Quán Gánh mới làm nên được hương vị đặc trưng đó. Chiếc bánh dày ngon hay không, phần quyết định đầu tiên chính là ở khâu chọn gạo, đồ xôi. Gạo làm bánh phải là loại nếp trắng, dẻo thơm lấy từ vùng Hải Hậu (
Dừng chân thưởng thức chiếc bánh dày thơm ngon, khách qua đường còn bị hấp dẫn bởi câu chuyện kể lưu truyền về nguồn gốc nghề làm bánh dày ở làng Quán Gánh. Chuyện xưa kể rằng, có người hành khất đi ngang qua làng Quán Gánh xin nghỉ trọ. Mặc dù ăn mặc rách rưới, bẩn thỉu nhưng người hành khất vẫn được những người dân làng Quán Gánh đối đãi tử tế. Cảm động trước tấm lòng đôn hậu ấy, người hành khất đã truyền dạy cho dân làng cách làm một thứ bánh bằng gạo nếp, món bánh dày. Câu chuyện xưa như phảng phất đâu đây trong hương nếp thơm dẻo làm thực khách còn lưu luyến mãi, nếu không có dịp đi qua làng Quán Gánh bạn có thể tìm những gánh hàng dày của các bà, các chị làng Quán Gánh đi bán dạo trên phố ăn cũng thấy… đỡ thèm.