Đền thuộc xã Tân Thành, huyện Hữu Lũng, thờ bà chúa Thượng Ngàn - một trong ba vị Mẫu vẫn được thờ phụng trong tín ngưỡng thờ Mẫu ở Việt Nam. Lễ hội đền Bắc Lê được tổ chức trong vòng 3 ngày từ ngày 18 đến ngày 20 tháng 9 âm lịch hàng năm.
Đền Bắc Lệ đã tồn tại và có từ rất lâu đời. Trải qua bao tháng năm, mưa nắng, ngôi đền đã được trùng tu, tôn tạo nhiều lần nhưng vẫn giữ được nét đẹp của kiến trúc xưa và những di vật cổ có giá trị như: 19 bức tượng lớn nhỏ làm từ gỗ mít, những bức hoành phi, câu đối qua các đời được chạm trổ tinh tế.
Đền chính có cấu trúc hình chữ Đinh gồm tiền tế và hậu cung. Nhà tiền tế phần nóc mái có tượng long chầu lưỡng nghi - tượng trưng cho trời đất, âm và dương - âm dương hài hoà, vạn vật sinh sôi.
Nhưng nét độc đáo nhất và cũng là nét văn hóa truyền thống của lễ hội đền Bắc Lệ - Lạng Sơn là ngoài việc được thăm quan cảnh vật nơi đây, được cầu nguyện…thì du khách hành hương còn được nghe chầu văn và xem lên đồng hầu bóng với những lời ca, điệu múa, tiếng đàn đầy thanh âm và màu sắc.
Lễ hội đền Bắc Lệ gồm có các phần lễ chính như lễ tắm ngai, lễ chính tiệc, lễ rước. Lễ tắm ngai diễn ra trước lễ rước. Trong đó, người dân lấy nước suối đền Bắc Lệ về lau tượng Mẫu đệ nhất Thượng ngàn và ngai đức vua cha Ngọc Hoàng. Lễ chính tiệc bao giờ cũng có cỗ tam sinh làm vật hiến tế (lợn, gà, cá), ngoài ra còn có nhiều đồ lễ khác như voi, ngựa, thuyền, mũ, hình nhân,... bằng giấy. Cỗ tam sinh cho ban Công đồng, ban Ngũ vị tôn ông, cỗ chay (có khi cả mặn) ban cho Mẫu,... Sau đó, lễ rước Mẫu đi xem hội trong tiếng chiêng, trống rộn ràng. Đoàn rước đến đền Đèo Kẻng (một di tích liên quan đến đền Bắc Lệ) làm lễ đại tế. Tế xong người dân quay về đền Bắc Lệ làm lễ đại tế.
Trong ý thức của người dân địa phương, lễ hội đền Bắc Lệ là cái tết lớn trong năm. Trước đây, trong 3 ngày diễn ra lễ hội, nhà đền tổ chức ăn uống tại đền. Đến nay, người dân chỉ tổ chức vào buổi chiều ngày 20, mọi người cùng tập trung dùng đại tiệc với quan niệm "một miếng lộc thánh bằng một gánh lộc trần". Qua hàng trăm năm, đền Bắc Lệ trở thành điểm sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của nhân dân địa phương, điểm đến của người dân Việt Nam trên mọi miền Tổ quốc với niềm tin chân thành, trong sáng vào Tiên Thánh, vào Mẫu - người Mẹ linh thiêng của dân tộc.