Tôi sinh ra và lớn lên ở Thái Nguyên nhưng xuất thân lại từ vùng đất đồng trắng nước trong Nam Định. Mỗi khi có dịp về quê, thể nào anh em chúng tôi cũng dành thời gian vào chùa Cổ Lễ - ngôi chùa có phong cách kiến trúc độc đáo, phong cảnh hữu tình…
Từ Hà Nội đi về hướng Phủ Lý chừng 110km là đến chùa Cổ Lễ. Chùa Cổ Lễ, thị trấn Cổ Lễ (Trực Ninh, Nam Định) thờ Phật và thiền sư Nguyễn Minh Không là một quần thể gồm nhiều công trình kiến trúc, trải rộng theo hướng Đông – Tây, gồm cổng chùa, tháp Cửu Phẩm Liên Hoa, cầu cuốn Tam quan, nhà Hội quán, đền Thánh, đền Mẫu, hai cầu núi, chùa chính (chính cung), nhà Tổ, nhà khách, pháp đường, kho bếp, vườn tháp…
Tiêu biểu cho quần thể kiến trúc này là tháp Cửu Phẩm Liên Hoa, xây dựng năm 1927, cao 32m là điểm nhấn trong tổng thể kiến trúc chùa Cổ Lễ và là biểu tượng văn hoá độc đáo. Tháp Cửu Phẩm Liên Hoa gồm 9 tầng hoa sen liên kết mà thành, mang ý nghĩa chín tầng trời phật (cửu trùng) – một đặc thù tín ngưỡng của đạo Phật Thích Ca. Chùa Cổ Lễ còn là một di tích lịch sử – cách mạng. Vào cuối năm 1946, hưởng ứng Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các nhà tu hành ở chùa Cổ Lễ đã tạm rời cửa thiền ra chiến trường tham gia đánh giặc, cứu nước. Một buổi sớm tháng 2/1947, trời trong và nắng đẹp, hàng nghìn người đến chứng kiến buổi lễ thiêng liêng và cảm động của đoàn 27 nhà sư, trong đó có 2 ni sư cởi áo cà sa ra trận. Lễ cởi áo cà sa, mặc áo lính ra trận đã biến thành cuộc tuần hành tiến ra phố Cổ Lễ rồi toả về các làng quê trong khí thế cứu nước hào hùng.
Tiếp bước truyền thống, năm 1979, một lần nữa các nhà sư chùa Cổ Lễ lại cởi áo tu hành gia nhập quân đội, bảo vệ vùng biên ải Tổ quốc. Những năm 50, chùa Cổ Lễ trở thành nơi hoạt động cách mạng, nơi nuôi giấu cán bộ, là trụ sở Hội Phật giáo cứu quốc của tỉnh và của huyện trong nhiều năm. Hoà thượng Phạm Thế Long trụ trì chùa Cổ Lễ lúc bấy giờ rất nhiệt tình tham gia các công tác kháng chiến, kiến quốc. Ông đã đảm đương nhiều trọng trách trong Giáo hội và đã từng giữ chức Phó Chủ tịch Quốc hội khoá VII nước Cộng hoà XHCN Việt Nam.
Chùa Cổ Lễ được xếp hạng là "Di tích lịch sử văn hóa" là "Danh lam thắng cảnh quốc gia". Du khách đến tham quan chùa quanh năm nhưng nhộn nhịp nhất là vào dịp khánh hội (lễ tưởng niệm người xây dựng chùa) từ 13 đến 16 tháng 9 âm lịch hàng năm. Trong những ngày này du khách sẽ được xem những nghi thức văn hóa cổ truyền giàu tính nhân văn như lễ rước Phật, đấu vật, đánh cờ người..., đặc biệt là được xem cuộc thi bơi chải truyền thống trên dòng sông uốn lượn quanh chùa.
Đến với chùa Cổ Lễ, du khách không chỉ được ngắm cảnh chùa cổ kính mà còn được thưởng thức nhiều đặc sản quê hương như bánh gai Nam Định, nem Giao Thủy, bánh trứng Hải Hậu...