Nhà sàn Bác Hồ - hình ảnh Việt Bắc giữa Thủ đô Hà Nội

09:16, 19/05/2011

Đơn sơ và giản dị, nhà sàn Bác Hồ trong Phủ Chủ tịch đã trở thành một biểu tượng của phong cách và đạo đức Hồ Chí Minh, để lại ấn tượng sâu sắc trong hàng chục triệu trái tim đã từng đến thăm nơi này.  

 

Ngày 1-1-1955, Bác Hồ cùng các cán bộ lãnh đạo từ chiến khu Việt Bắc trở về Hà Nội. Từ những ngày đầu trở về, Bộ Chính trị đã bố trí khu làm việc và sinh hoạt của Bác ở Phủ Chủ tịch. Nhưng Bác đã từ chối và đến sống tại một ngôi nhà nhỏ gần đó. Đây vốn là nơi ở của người thợ điện phục vụ cho toàn quyền Pháp ở Đông Dương. Ngôi nhà nằm ở hướng Tây, rất nóng, ảnh hưởng không tốt đến sức khoẻ của Bác nên mọi người rất lo lắng.

 

Tháng 3 năm 1958, Bác đi Thái Nguyên và đến thăm hợp tác xã nông nghiệp xóm Cầu Thành, xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ, là hợp tác xã đầu tiên của tỉnh. Sau đó Bác đến thăm trạm bơm Lữ Yên, xã Yên Thịnh, huyện Phú Bình.

 

Trên đường trở về Hà Nội, Bác rất mừng trước những thay đổi của đời sống đồng bào các dân tộc. Khi nói chuyện về lối sống nhà sàn của đồng bào Việt Bắc, Người nói với anh em cán bộ cùng đi: Vừa rồi các đồng chí Trung ương có đề nghị xây nhà mới cho Bác ở và làm việc, nếu được, thì Bác nghĩ là làm một căn nhà sàn nhỏ ở bên kia bờ ao theo kiểu nhà sàn của đồng bào.

 

Vào cuối tháng đó, Bộ Chính trị đã quyết định triển khai xây dựng ngôi nhà mới cho Bác và giao nhiệm vụ cho Cục thiết kế kiến trúc thuộc Bộ Giao thông thủy lợi và Tổng cục Hậu cần QĐNDVN tiến hành  thiết kế và thi công. Người được vinh dự thiết kế ngôi nhà sàn là kiến trúc sư Nguyễn Văn Ninh, lúc đó, là Cục phó Cục Thiết kế kiến trúc thuộc Bộ Giao thông Thủy lợi.

 

Trước khi hình thành ý tưởng thiết kế kiến trúc  Nguyễn Văn Ninh được các đồng chí thuộc Văn phòng Phủ Chủ tịch bố trí cho đến thăm nơi ở và làm việc của Bác, đó là ngôi nhà Bác ở đầu tiên khi về Phủ Chủ tịch. Tuy nhiên ông vẫn băn khoăn… chính lúc đó Bác đã cho mời kiến trúc sư đến để trao đổi, gợi ý và phác thảo những nét chính của ngôi nhà mới. Bác gợi ý cho kiến trúc sư là tận dụng vách ngăn hai phòng làm giá sách cho gọn, tiện mà đỡ tốn diện tích không gian trong phòng. Hành lang xung quanh ở tầng hai, làm rộng để có thể ngồi đọc sách và ai cần qua lại đều tiện lợi. Cầu thang, lúc đầu kiến trúc sư thiết kế hẹp chỉ vừa đủ với một người lên xuống, nhưng Bác đã đề nghị làm rộng thêm. Bác nói, để khi có khách quý là nguyên thủ quốc gia đến thăm Bác, hai người cùng bước lên một lúc.

 

Sau khi bác góp ý, bản thiết kế được hoàn thành, ngày 15 tháng 4 năm 1958 ngôi nhà sàn được bắt đầu thi công, phụ trách thi công là đội 5, thuộc Đội kiến thiết cơ bản của Tổng cục Hậu cần, gồm 30 người do đồng chí Nguyễn Kim Toàn làm Đội trưởng.

 

    Nhà sàn đầu tiên Bác Hồ từng ở, xóm Vai Cày, Đại Từ, Thái Nguyên

 

Sau khoảng một tháng, ngày 17 tháng 5 năm 1958, ngôi nhà sàn của Bác được khánh thành. Ngôi nhà sàn, nơi ở và làm việc của Bác Hồ gắn liền với những sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước, cùng với những đóng góp lớn lao của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với cách mạng Việt Nam.

 

Trong ngôi nhà sàn Bác đã sống và làm việc trong 11 năm cuối đời, chỉ có những vật dụng rất đơn sơ: một chiếc bàn, giá sách, tủ quần áo, giường gỗ cá nhân, tấm chăn đơn, chiếc chiếu cói, cây quạt cọ, chai nước lọc. Điều này đã được nhà thơ Tố Hữu khắc hoạ trong trường ca "Theo chân Bác":

 

Nhà gác đơn sơ một góc vườn

 

Gỗ thường mộc mạc chẳng mùi sơn

 

Giường mây chiếu cói, đơn chăn gối

 

Tủ nhỏ, vừa treo mấy áo sờn...

 

Hơn nửa thế kỷ trôi qua, nhà sàn Bác Hồ đã trở thành một di sản văn hoá quí giá, biểu trưng sinh động cho phong cách sống của một con người vĩ đại: thanh tao, khiêm tốn, yêu lao động, không ham danh lợi, đạt đến độ mẫu mực, cảm hoá được tình cảm của con người.