Một hình ảnh quen thuộc đối với người dân T.P Thái Nguyên vào mùa đông giá lạnh là chảo hạt dẻ thơm phức, nóng hổi- hạt dẻ Trùng Khánh trên những vỉa hè đường Hoàng Văn Thụ. Những hạt dẻ to tròn vượt qua cả chặng đường dài để góp phần làm cho nét ẩm thực Thái Nguyên thêm phần phong phú
Hạt dẻ Trùng Khánh nổi tiếng đã đi vào sách giáo khoa môn Văn của học sinh cấp I (nay là cấp tiểu học) vào những năm 60 của thế kỷ trước nhưng không phải ai có duyên được thưởng thức món ẩm thực chính hiệu độc đáo này. Hạt dẻ Trùng Khánh là thứ đặc sản đất trời ban tặng riêng cho non nước Cao Bằng,
Thông thường thì hạt dẻ Trùng Khánh mang hình tròn đều. Nhưng thỉnh thoảng cũng có hạt méo mó, dị dạng. Hạt nhỏ nhất cũng bằng ngón chân cái. Khi mua nên chọn quả màu nâu đều, hạt to tròn, đó là quả được thu hái đúng độ chín. Vỏ hạt dẻ Trùng Khánh rất cứng nên muốn nó chín phải luộc kỹ. Có người còn cẩn thận khía sẵn vài đường trên vỏ hạt để khi chín dễ bóc. Sau khi luộc chín, nếu đem hạt dẻ rang lại một lượt đến khi dậy mùi thơm thì thật hấp dẫn. Người Trùng Khánh thường hay ninh hạt dẻ với chân giò lợn làm để đãi khách. Món này có hương vị rất đặc biệt mà không phải ai cũng có dịp được thưởng thức.
Hạt dẻ có nhiều chất dinh dưỡng và chất béo nên bảo quản rất khó. Hiện toàn huyện Trùng Khánh đã có hơn 400ha cây dẻ, chủ yếu tập trung ở các xã Đình Minh, Phong Châu, Cảnh Tiên, Đình Phong... sản lượng hằng năm đạt trên 100 tấn.
Với giá bán từ 20.000 đến 30.000 đồng/kg, cây dẻ đem lại nguồn thu đáng kể cho đồng bào vùng cao. Nhu cầu về hạt dẻ Trùng Khánh rất lớn, gần như cung không đủ cầu. Bản Khưa Khảo là một trong những vùng trồng dẻ nhiều nhất ở Trùng Khánh. Cả bản có 49 hộ thì quá nửa số hộ có vườn dẻ, trong đó có 10 hộ trồng từ 100 cây trở lên.
Cây dẻ là cây xứ lạnh, chịu được và phát triển tốt ở Trùng Khánh, Cao Bằng vì nơi này có khí hậu quanh năm mát mẻ, khô ráo. Có dịp tới đây bạn sẽ được đi dưới những tán cây dẻ mát lành, thoang thoảng hương, chúng như những bàn tay gió vuốt nhẹ lên mặt, lên tóc bạn. Buổi sáng trong rừng dẻ mới thanh sạch làm sao! Bà con người Nùng, người Tày, người Dao chăm chút cho vườn dẻ, cho rừng dẻ của mình với một tình yêu đặc biệt, cứ như họ đang chăm những đứa con, hay những cây ăn quả trong vườn nhà.
Vào tháng 10 hằng năm, cây dẻ cho quả, cho hạt. Đó là mùa thu hoạch, mùa vui ở Trùng Khánh. Khắp chợ người ta bày những bao hạt dẻ với hạt no tròn nâu sẫm, trong không khí cũng thoảng mùi thơm đặc biệt của nó ngay khi chưa được rang hay nướng lên.