Đối với người Khmer, thốt nốt không phải là một loài thực vật thuần túy mà là một loại cây đặc biệt, có tính biểu trưng rất cao. Cây thốt nốt luôn hiện hữu và là một phần không thể tách rời trong đời sống của người Khmer.
Thốt nốt là loại cây có nguồn gốc từ Châu Phi, thân gỗ, cao, vững chãi, dễ trồng và sống rất lâu. Hiện nay, thốt nốt còn nhiều nhất ở vùng Bảy Núi (Thất Sơn), thuộc hai huyện Tịnh Biên và Tri Tôn - tỉnh An Giang. Và nếu đi khắp ĐBSCL - nhất là những tỉnh dọc biên giới Tây Nam như Long An, Ðồng Tháp, An Giang, Kiên Giang - nơi nào có người Khmer sinh sống thì nơi đó sẽ có cây thốt nốt và ngược lại. Có thể nói, sự tồn tại ấy dường như mang tính tất yếu, đó là một sự gắn bó đặc biệt với những nét tương đồng đặc biệt. Bởi khi xét ở nhiều phương diện, cây thốt nốt không những tượng trưng cho tâm hồn, tính cách của người Khmer, mà nó còn tượng trưng cho văn hóa của họ.
Bên cạnh ý nghĩa trên, cây thốt nốt còn được xem là biểu tượng cho đức tính nhẫn nại, chịu khó của người Khmer. Nếu quan sát kĩ, người Khmer thường sống ở những cụm đất cao (đất dòng), khô cằn và kém màu mỡ. Tuy nhiên, dù cho quanh năm phải làm trên những cánh đồng cháy nắng, mùa màn thất bát nhưng họ vẫn hài lòng với cuộc sống của mình. Suốt cuộc đời, họ vẫn cần mẫn với những gì thiên nhiên ban tặng, chấp nhận cải tạo nó để làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn. Trong khi đó, dù đất đai khô cằn, khí hậu khắc nghiệt nhưng cây thốt nốt vẫn vươn mình lên không trung, đương đầu với nắng và gió. Thế nhưng, mặc cho sự vật đổi dời, cây thốt nốt vẫn thủy chung với vùng đất mà mình đang sống, vẫn cho trái ngọt, vẫn che chở và gắn bó với người Khmer từ thế hệ này sang thế hệ khác. Như vậy, điểm chung ở đây là cả hai đều có khả năng thích nghi với môi trường sống không thuận lợi, sẵn sàng đương đầu với khó khăn để tồn tại và phát triển. Đó là một đức tính hết sức quí báu mà bất cứ ai cũng phải nể phục và tôn trọng.
Đường Thốt nốt
Mùa vụ thốt nốt bắt đầu khoảng từ tháng Giêng đến tháng 4 âm lịch. Quả thốt nốt kết thành từng chùm, to tròn cỡ quả dừa xiêm, vỏ màu tím sậm. Ruột có những ngăn múi (khoảng 4 – 5 múi), được phủ bên ngoài một lớp vỏ lụa mỏng, bên trong có cơm dầy màu trắng, mềm dẻo giống như cơm trái dừa nước nhưng thơm ngon hơn. Đây là thức uống giải nhiệt ngày hè rất tuyệt vời! Chỉ cần cho cơm thốt nốt vào ly, thêm một muỗng đường và vài cục nước đá là ta có thể thưởng thức ngay hương vị đặc trưng của loại trái cây độc đáo khó quên nơi miền biên ải Tây nam của Tổ quốc.
Lựa mua thốt nốt, du khách chú ý nhìn cái cuống còn tươi (không bị khô), trái đều đặn không bị móp, giập, và dùng tay búng vào vỏ trái để biết trái già hoặc non. Trái già cơm cứng, có vị lạt. Trái vừa ăn, cơm mềm, bên trong có một ít nước hơi ngọt, có vị beo béo và mùi thơm thoảng, rất ngon. Nhưng để chắc ăn và tránh việc mang xách nặng nề, nên mua phần cơm thốt nốt do người bán tách sẵn, tuy giá có cao đôi chút, nhưng phải dè chừng kẻo mua hàng cũ, có mùi ôi (chua) không đạt chất lượng.
Đặc sản từ cây thốt nốt rất phong phú. Ngoài cơm trái, còn có nước thốt nốt tươi (hoặc lên men) giải khát, đường thốt nốt, chè đậu xanh thốt nốt, và bánh thốt nốt...