Chùa Bà Đanh – Ngôi chùa cổ kính nhất Hà Nam

16:23, 23/04/2012

Nhắc đến chùa Bà Đanh, người ta nghĩ ngay đến câu “Vắng như chùa Bà Đanh” nhưng chính ngôi chùa được coi là vắng vẻ này lại là một trong những ngôi chùa đẹp và cổ kính nhất tỉnh Hà Nam bởi sơn thuỷ hữu tình.

Chùa Bà Đanh còn có tên gọi khác là Bảo Sơn Tự thuộc làng Đanh Xá, xã Ngọc Sơn (Kim Bảng, Hà Nam) có diện tích gần 10 Ha.



Theo những người cao tuổi trong thôn Đanh Xá, xưa kia khu vực này là một bãi đất bồi giữa ngã ba sông Đáy. Từ trên cao nhìn xuống nơi này có hình một con rồng đang quặn mình xả nước, chất đầy lau sậy, ban đêm nghe thấy cả tiếng hùm gầm. Chính vì cái thế đất ấy nên làng Đanh quanh năm lụt lội, dân nghèo khổ đói khát quanh năm. Nhiều người còn bỏ đi nơi khác tìm miền đất hứa với hy vọng đổi đời.

 

Chùa Bà Đanh là một hệ thống tổng thể bao gồm nhiều công trình với gần 40 gian nhà. Theo nhân dân địa phương cho biết thì các công trình còn lại đều được xây dựng từ thế kỷ XIX trở lại đây. Trong nhà thượng đường của chùa Bà Đanh, có nhiều tượng thờ như tượng Tam thế, tượng Ngọc Hoàng và thái thượng Lão Quân, tượng Bà Chúa Đanh. Có thể coi pho tượng Bà Đanh là một trung tâm của chùa. Tượng được tạc theo tư thế toạ thiền trên chiếc ngai đen bóng (chứ không phải là toà sen), với khuôn mặt đẹp, hiền từ, đầy nữ tính, gần gũi và thân thiết, chứ không có dáng vẻ siêu thoát, thần bí như các tượng Phật khác. Sự hài hoà giữa pho tượng và chiếc ngai tạo nên vẻ hấp dẫn của nghệ thuật điêu khắc chùa Bà Đanh.


Tương truyền trước kia vào thế kỷ thứ bảy, đây là một ngôi đền nhỏ thờ tứ pháp (Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện). Đến thời Lê Huy Tông (1675 - 1750), chùa được xây dựng đàng hoàng và to đẹp hơn. Một hôm, người già nhất trong thôn nói trong giấc mộng cụ thấy một người con gái trẻ đẹp hiện về truyền rằng dân làng muốn yên ổn làm ăn phải lập đền thờ. Đền vừa dựng xong được ít lâu, cây mít cổ thụ gần 1.000 tuổi bỗng dưng bị gió quật đổ. Dân làng Đanh lấy gỗ để tạc tượng và làm ngai để thờ người con gái đã về báo mộng cho dân làng.



Chùa vừa thờ Phật vừa thờ Thánh và có tên là chùa Bà Đanh từ đó. Năm 1994, chùa Bà Đanh được Bộ Văn hoá - Thông tin (nay là Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch) cấp bằng di tích lịch sử cấp quốc gia.