Hoang dã thác Tà Gụ Nha Trang

14:03, 03/04/2012

Thác Tà Gụ có thể được coi là một trong những thác đẹp nhất hiện nay đã tìm thấy ở Khánh Hòa.

Từ ngọn núi Chalo đã tích tụ được những giọt nước xanh mát lạnh tạo thành một dòng chảy êm dịu, nhẹ nhàng đầy quyến rũ. Trước đây thác Tà Gụ được người dân bản địa gọi là thác Ngà. Bởi lẽ, từ xa nhìn thác như một chiếc ngà voi dài buông thõng xuống. Do dòng thác chảy vào suối Tà Gụ nên về sau nó được gọi là thác Tà Gụ.

 

 

Từ trung tâm thị trấn Tô Hạp, theo tỉnh lộ 9 đến trung tâm xã Sơn Hiệp. Từ đó, xuống xe đi bộ khoảng 200m nữa, du khách sẽ đến chân thác, tiếp tục leo thêm 200m núi đá nữa mới lên đến đỉnh thác.

 

 

Thác Tà Gụ  đẹp, huyền bí, hùng vĩ với dòng thác đổ ầm ầm từ độ cao 30-40m, với hồ nước rộng khoảng 1km trong xanh. Đặc biệt, dù là một trong những địa danh du lịch nổi tiếng của Nha Trang, song ngọn thác này vẫn giữ vẻ hoang sơ vì thế luôn là một trong những đích đến của những phượt khách hay những khách thích khám phá.

 

 

Điều làm ngạc nhiên là với khung cảnh hùng vĩ cao vút như thế nhưng dòng chảy của Thác Tà Gụ ta không sôi nổi dồn dập mà rất dịu dàng êm đềm, nghe rất thanh thản bởi dòng thác chảy xuống hòa cùng vào dòng nước mát lạnh của lòng hồ ôm lấy chân thác. Thác Tà Gụ là điểm du lịch lý tưởng dành cho tất cả mọi người. Người lớn tuổi, lên Tà Gụ sẽ thấy thư giãn, ngồi trên những tảng đá lớn bằng phẳng bên dòng suối ngắm những cây Tô Hạp to khỏe, cao vút; nghe tiếng chim hót líu lo và uống ruợu cần vịnh thơ thì tuyệt vời. Còn đối với tuổi trẻ thích ấn tượng mạnh thì leo lên đỉnh thác thả hồn theo mây gió trong không khí mát lạnh ở độ cao hơn 500m so với mặt biển thì hẳn có nhiều điều thú vị. Ngoài ra, du khách đến Khánh Sơn không chỉ khám phá vẻ đẹp của thác Tà Gụ mà còn được tiếp xúc, tìm hiểu về đời sống vật chất, tinh thần của dân tộc Raklai, một dân tộc sống mộc mạc, thật thà mà kín đáo.

 

 

Sự hấp dẫn của thác không chỉ đến từ vẻ đẹp mà còn là hành trình băng rừng, vượt suối trên suốt quãng đường tìm đến thác, là sự thú vị không kém của việc đã đến thác nhưng phải hai lần vác ba lô ngược. Lần đầu là bám rễ cây đi xuống, băng qua một con suối, bắt gặp một hồ nước sâu và rộng. Lần thứ hai là lúc tiếp tục băng ngang con suối trơn trượt phía trên tả ngạn, rồi len lỏi vào những tán cây rừng đi tiếp vào chân thác.

 

 

Đó còn là cảm giác “đã” đến choáng ngợp khi dừng chân bên vách đá dựng đứng, đối diện với ngọn thác đẹp như một bức tranh đang ầm ầm tuôn chảy; là cái vui đến nỗi không ít người vứt vội ba lô, leo ngược xuống vách đá, chuyền thoăn thoắt từ mỏm đá này đến mỏm đá khá, xuống chân thác; là cảm giác lâng lâng khi chiêm ngưỡng trọn vẹnn vẻ đẹp của thác; cảm giác mệt mỏi như được gột trôi trong dòng nước lạnh trong hồ rộng dưới chân thác hay một đêm hội trại giữa núi rừng, nối kết mọi người trong nhóm với nhau.