Làng Diềm là tên gọi nôm của thôn Viêm Xá - một ngôi làng cổ, nơi có đền thờ Đức Vua Bà - Thuỷ tổ Quan họ (xã Hoà Long, TP Bắc Ninh).
Về đến Bắc Ninh mà chưa một lần ghé thăm làng Diềm, để hít thở không khí trong lành, rất đỗi yên bình của một ngôi làng cổ vùng Kinh Bắc vừa được đắm chìm trong câu ca quan họ thì thật đáng tiếc…Cảm giác thân quen, gần gũi giữa một không gian thoáng rộng, tĩnh lặng, yên bình của vùng thôn quê sẽ là ấn tượng đầu tiên khi du khách đặt chân đến đầu làng Diềm... Hàng cây xanh rủ bóng xuống hồ nước trong vắt, xung quanh là cụm di tích lịch sử văn hoá đã được xếp hạng với Đền thờ Vua Bà trầm mặc, uy nghiêm, ngôi Đình Diềm rêu phong cổ kính cùng vẻ đẹp huyền ảo, linh thiêng của Giếng Ngọc, Đền Cùng… Chính cảnh sắc “sơn thuỷ hữu tình” như thế đã khơi nguồn cảm hứng cho không ít thế hệ văn nghệ sỹ và rồi từ đó, họ chắt lọc, kết tinh, nảy nở ra những áng thơ văn ngập tràn cảm xúc, những khúc ca đi cùng năm tháng.
Đến thăm đình Diềm, hình ảnh đầu tiên đập vào mắt du khách là tòa đại đình 4 mái, đao cong nằm chỉnh tề ngay đầu làng. Đi vào bên trong, ai cũng ấn tượng với một không gian thoáng rộng (do lòng đình rộng tạo nên) và bốn cây cột cái chu vi tới 2,14m. Cụ từ Nguyễn Bá ý cho biết: Đây là những cây trụ chính chịu lực nâng đỡ cả tòa đình. Theo thần phả của làng và một số câu đối trong đình còn ghi lại, đình Diềm được xây dựng vào cuối thế kỷ 17 để thờ Đức thánh Tam Giang (như mọi làng quê ven sông Cầu), dân làng vẫn lấy năm Nhâm Thân 1692 (năm dựng mái) làm năm xây đình.
Kiến trúc đình Diềm xưa tuân thủ theo kiến trúc truyền thống của Việt Nam, có nhà tiền tế, có đại đình, ngoài gian giữa có chạm những hình rồng và mây nét mác, tất cả mọi thành phần của khung nhà đều bào trơn đóng bén, soi gờ chỉ chạy thẳng. Đình Diềm xưa khá bề thế, gồm 3 gian hai chái khép kín thành một chỉnh thể thống nhất và hài hòa. Sau này do chiến tranh, nhiều kiến trúc độc đáo đã bị phá huỷ, hiện đình chỉ còn 1 gian 2 chái. Ngay từ năm 1964, đình Diềm đã được Nhà nước ta công nhận danh hiệu di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia.
Nét độc đáo của đình Diềm chủ yếu ở chiếc cửa võng và chiếc nhang án thờ nơi gian giữa. Chiếc nhang án nằm phía trong cửa cấm, theo các nhà nghiên cứu thuộc Cục bảo vệ di sản (Bộ Văn hóa-Thông tin), giá trị của nó về một số mặt “có thể đưa vào danh sách các bảo vật Quốc gia”. Nhìn tổng thể nhang án được sơn son thiếp vàng rực rỡ, chân quỳ chạm hình rồng, các tầng diềm được trang trí bằng nhiều hình rồng, vân mây, hoa bốn cánh với kỹ thuật chạm lộng, chạm nổi, chạm thủng. Hai bên là ván chạm thủng hình “Song nghê triều dương” (hai con nghê chầu mặt trời), và 4 con rồng chầu vào vòng sáng nhọn đầu của chữ “Phúc”. Bên cạnh các hình chạm khắc này, nhang án còn có những hình chạm rất đặc sắc, trong đó có cả hình tượng các cô thôn nữ xinh đẹp, yểu điệu. Điều đó chứng tỏ người dân làng Diềm xưa không hề bó buộc, câu nệ mà đưa cả những cảnh sinh hoạt đời thường vào trang trí tại một nơi thâm nghiêm như đình, chùa.
Nét đặc trưng, độc đáo nhất của du lịch làng Diềm chính là “nghề chơi” quan họ. Đó mới thật sự là sức hút để lôi cuốn du khách. Truyền rằng, Vua Bà chính là người đã sáng tác ra các làn điệu dân ca quan họ đầy tình tứ và quyến rũ. Nhưng không chỉ có đền thờ Thuỷ tổ Quan họ, người dân làng Diềm còn luôn tự hào vì nghệ thuật và phong cách ca hát Quan họ vừa cổ xưa, độc đáo vừa phong phú, điêu luyện. Trong số 49 làng Quan họ của Bắc Ninh hiện nay, hiếm làng nào còn duy trì được đội Quan họ đông tới gần 100 người gồm đủ các thế hệ liền anh liền chị với nhiều lứa tuổi. Từng bọn Quan họ, mỗi nhóm liền anh, liền chị, hễ có dịp gặp gỡ là họ có thể cất giọng hát tuỳ theo nhu cầu, tâm trạng cảm xúc.
Việc truyền dạy hát Quan họ cũng được quan tâm ngay trong từng gia đình chứ không phụ thuộc hay phải chờ đợi việc tổ chức các lớp học. Sức sống của sinh hoạt ca hát Quan họ được người dân gìn giữ, duy trì liên tục một cách tự nhiên, tự nguyện như để thoả mãn nhu cầu của bản thân chứ không phải theo quy định hay vì bất cứ một lý do nào khác. Chính bởi thế, trong hầu hết cuộc thi hát Quan họ, bao giờ liền anh, liền chị làng Diềm cũng giành giải cao và chiếm được tình cảm yêu mến của đông đảo người nghe. Thế mạnh cơ bản nhất của Quan họ làng Diềm là số lượng các nghệ nhân với sức khoẻ dẻo dai, bền bỉ còn khá đông.