Đề Gi, Cát Khánh, Phù Cát Bình Định từ lâu đã nổi tiếng với đặc sản Gỏi cá mai. Để có một đĩa gỏi cá mai ngon, phải chọn cho được con cá tươi, đánh vảy rửa sạch, rút xương rồi ướp giấm, chanh, tỏi, ớt làm chín cá, tiếp đến là trộn thính cho thơm.
Muốn đến làng biển Đề Gi, từ Quy Nhơn, chạy dọc theo đường ven biển Nhơn Hội, khoảng 54 cây số. Còn theo quốc lộ 1, tới ngã ba Chợ Gồm, quẹo phải, ngót nghét 70 cây số. Cho đến bây giờ, chẳng ai hiểu vì sao làng biển ấy lại được mang tên Đề Gi khi mà địa danh này là tên gọi chung của cả một vùng đất gồm năm xã của hai huyện Phù Cát và Phù Mỹ (thuộc tỉnh Bình Định). Có lẽ, vì làng nằm ngay cửa biển.
Theo sách Đại Nam nhất thống chí thì cửa Đề Gi “rộng 11 trượng (1 trượng = 3,33m theo hệ đo lường cổ Trung Hoa), thủy triều lên sâu 6 thước, thủy triều xuống sâu 4 thước. Phía tây có đầm Đạm Thủy, thuyền buôn thường đổ ở đây". Con cá mai, cá trỏng chủ yếu sống ở đầm Đạm Thủy, vùng từ Cát Khánh đến xã Mỹ Thành (Phù Mỹ). Về hình thức, con cá mai, cá trỏng gần giống như cá cơm vậy, nhưng thịt trong hơn, và hầu như không có máu. Chỉ người dân địa phương nghiện ăn gỏi cá mới phân biệt được được con cá nào là cá mai, con nào là cá trỏng. Cá trỏng trông dài hơn con cá mai. Cá mai dẹp mình hơn, ngắn hơn.
Từ tháng 2 đến tháng 6 âm lịch là mùa cá mai, từ tháng 6 đến tháng 12 là mùa cá trỏng. Con cá mai ăn thịt giòn hơn. Còn con cá trỏng thịt ngọt hơn, song ít giòn. Tuy theo gu của mỗi người mà thích, nhưng cả hai mà làm gỏi đều ngon.
Cá mai được đánh từ sáng sớm, tươi còn cong mình. Làm gỏi cá, khó nhất vẫn là khâu rút xương cá. Dùng kéo cắt bỏ đầu, lọc lấy xương, chừa lại chút xương khoảng bằng 1/3 con cá, rồi đem ướp đá lạnh, để cá vẫn có độ tươi giòn. Rau sống rửa sạch, để sẵn sàng.
Một phần làm nên hương vị khó quên của gỏi cá mai ấy là món nước tương, nước me ăn với gỏi cá. Nước tương được pha chế theo công thức: tỏi ớt xay nhuyễn; đậu phộng rang vàng giã nhỏ, thêm nửa hoặc trái chuối sứ đã thật chín và thêm nước sôi vào. Tất cả bỏ vào cối xay sinh tố xay nhuyễn. Vậy là xong món nước tương vừa có vị beo béo của đậu phộng, ngòn ngọt thơm mùi chuối chín.
Cũng có người thích ăn gỏi cá với nước me, kim chi. Cách làm tương me cũng khá đơn giản. Me chín, thêm tỏi ớt, xì dầu, ăn cùng với kim chi, tạo nên hương vị vừa chua, vừa cay. Rau sống ăn gỏi cá, đều là thứ rau từ vườn nhà: xà lách, tía tô, thì là… nhưng không thể thiếu chuối chát, xoài xanh hay khế xắt lát mỏng để khử tanh, lại thêm vị chua chua dễ chịu.
Lần đầu tiên thử ăn món cá sống cuốn với bánh tráng, rau sống cắn thử một miếng, cảm giác miếng cá có vị bùi bùi, beo béo quyện với vị ngọt, cay từ nước tương, lại muốn cắn thêm miếng thứ hai. Rồi miếng nữa cho tới khi căng bụng, đã thèm cái miệng. “Ăn gỏi cá, phải chan nước tương nhiều mới ngon.