Tiếng Khèn - phần hồn của người Mông

10:14, 04/06/2012

Khèn được xem là vật tượng trưng cho tâm hồn, khát vọng, tình yêu và tuổi trẻ của người Mông. Đến chơi bản làng người Mông, đã nghe tiếng khèn sẽ chẳng muốn về

Tiếng Khèn thấm vào máu thịt người Mông, thân quen như miếng “mèn mén” mẹ mớm từ lúc mới biết ăn dặm. Con trai 13, 15 tuổi đã có cây Khèn trên vai mỗi khi lên nương, xuống chợ. Âm thanh của Khèn mạnh mẽ như chính cuộc sống người Mông, bởi nếu không kiên cường mạnh mẽ, người Mông xưa kia chắc khó lòng đương đầu nổi với sự khắc nghiệt nơi núi cao, đá dựng.

 

 

Các chàng trai thổi khèn bước chân nghiêng ngả theo âm thanh trầm bổng, in bóng trên nền trời xanh, trên núi đồi ngút ngàn như một tuyệt tác thiên nhiên. Tiếng khèn vang dội vào núi, vang vọng vào bản làng, trên các nương rẫy trong những cuộc vui thâu đêm. Tiếng khèn là lời tỏ tình đôi lứa, là sợi nối tâm linh giữa người sống và người đã khuất.

 

Dù cuộc sống đã nhiều đổi thay, đâu đó ở những bản người Mông đã biết đến nhiều loại nhạc cụ hiện đại nhưng người Mông vẫn không bỏ chiếc khèn của dân tộc mình. Người già vẫn bảo: Tiếng khèn là phần hồn của người Mông, giữ tiếng khèn là giữ lấy bản sắc dân tộc mình. Con trai Mông khi lớn lên là phải biết thổi khèn. Thổi khèn hay, múa khèn dẻo luôn nhận được sự quý mến, nể phục của nhiều người.

  

Khèn gồm có ba bộ phận:  cán tức ống thổi, thân tức nơi để gắn đút các ống khèn và dĩ nhiên cuối cùng là ống khèn. Cán được làm bằng gỗ vót tròn, trên nhỏ dưới to, và ở đầu nhỏ quấn lá đồng làm đầu ống thổi, từ đây lui xuống chừng 40 - 60 centimét là chỗ thân khèn, được đục sáu lỗ chia làm ba hàng để đút sáu ống khèn là sáu đốt trúc ngắn dài khác nhau và cũng được đục lỗ đặt lưỡi gà tạo nên các âm vực, mỗi ống một âm vực, và các lỗ trên đó cũng góp phần giúp âm thanh được đa dạng.

 

Người Mông vẫn truyền cho nhau câu chuyện về tiếng khèn làm nên duyên chồng vợ. Chuyện kể rằng có chàng trai nhà nghèo rất thích cô con gái thứ tám của chúa đất giàu có. Khi các chàng trai khác mang lễ vật đến cầu hôn nàng thì chàng cũng đi theo nhưng chỉ dám đứng bên ngoài bức tường đá nhìn vào trong. Đêm xuống, các chàng trai đến xin cầu hôn mang sáo ra thổi. Chàng trai nhà ngheo chẳng có sáo và cũng không có gì ngoài cây khèn người cha để lại khi qua đời. Chàng càng nghe những khúc thức rạo rực của tiếng sáo mà tủi cho phận mình. Chàng nghe thêm một lúc tâm sự trong lòng dâng lên ngập tràn. Không biết trời sui đất khiến thế nào mà chàng gỡ cây khèn treo trên vai xuống thổi. Cây khèn lúc ấy người ta chỉ thổi cho người chết nghe với những âm điệu buồn thương sầu thảm. Nhưng âm điệu chàng thổi bên ngoài tường đá hôm ấy thì khác hẳn, nó tình tứ, nó da diết, nó thôi thúc, nó mãnh liệt... Người con gái chúa đất nghe tiếng khèn lọt thỏm giữa trăm ngàn tiếng sáo nên chú ý hơn, khi nghe rồi bổng thấy lòng xao xuyến lạ kỳ. Sang đêm thứ ba nàng không còn ở yên trong phòng được nữa mà lẻn ra ngoài bức tường đá để tìm gặp người thổi khèn. Khi gặp rồi hai người đã tìm thấy tình yêu trong nhau và cùng trốn đến một vùng núi khác xa xôi kết thành chồng vợ.

 

Khi còn bé, các em trai H’Mông đã phải biết thổi kèn (để sau này tìm vợ), kế đó để tham gia vào các dịp lễ tết hội hè của gia đình và thôn bản. Các em được người lớn dạy cho các bài căn bản gắn liền với dân ca, dân nhạc. Thế nhưng khi đã có vốn kiến thức kha khá, thanh niên tự do thoải mái sáng tác nhiều khi không tuân theo quy luật nào, các điệu nhạc bổng trầm chịu ảnh hưởng bởi tâm lý, tình cảm và tính cách của người chơi. Người Mông ít khi chê trách người thổi khèn.

 

Con trai Mông đi đâu cũng mang theo chiếc khèn, và có thể thổi từ lúc đi cho tới lúc về, trên đường đi chơi cảm cảnh đẹp nảy sinh thi hứng thì rút chiếc khèn ra thổi, từ nhà tới chợ gặp bạn thân/ bạn gái, gặp đám cưới hay tang ma cũng thổi khèn, hội mùa xuân hội mùa hè, ngày chào mừng khách quý, sự kiện của bản làng, các trò chơi, các buổi trình diễn võ thuật… thì luôn có tiếng khèn góp vui. Chính bởi mục đích giao lưu tình cảm vừa mang tính cá nhân vừa mang tính cộng đồng nên ở đâu có khèn ở đó có hội họp vui tươi.