Chợ tre Bình Định

17:51, 12/07/2012

Chợ tre tại xã Mỹ Chánh, huyện Phù Mỹ, Bình Định đã thành lẽ tự nhiên, từ đời này qua đời khác, cứ 5 ngày lại họp phiên một lần. Ấy vậy mà tre vẫn tấp nập ở chợ, người mua thì đông, người bán cũng lắm.

Chợ nhóm theo phiên, cách năm ngày một lần vào các ngày: mùng 3, 8, 13, 18, 23, 28 (âm lịch) của tháng. Người đến chợ bán tre là dân địa phương, chủ yếu ở các xã Mỹ Chánh, Mỹ Tài, Mỹ Quang... Có người vác từng cây, người chở xe đạp, xe ngựa hay cả xe công nông rộn ràng. Họ chở tre tập kết ở chợ, sắp xếp theo hàng ngay ngắn, trên thân tre có khắc tên chủ nhân nên dù để chung cũng không lẫn lộn.

 

 

Đủ các loại tre cây được bày ở chợ, từ tre gốc, tre cây, tre to, dài, dày ruột đến mỏng ruột. Người bán tre từ khắp nơi, nhiều nhất là các thôn trong xã Mỹ Chánh, Mỹ Chánh Tây. Tre được chặt rồi đưa đến chợ bằng nhiều cách, ngày trước thường dùng xe ngựa, xe bò; nay phần lớn người bán sỉ tre đều chỉ bán vài cây nên phải vận chuyển bằng xe đạp. Người bán tre đều là “người nhà quê”, đa phần có cuộc sống khó khăn, chỉ mỗi tre là có sẵn nên phải vất vả chặt tre, đưa tre vượt hàng chục km đường để có thêm vài chục hay trăm ngàn xoay trở chuyện cơm, áo, gạo, tiền lúc tức thời.

 

 

Bốn giờ sáng, chợ tre bắt đầu tấp nập. Người mua đi bán lại, gom từ những người bán lẻ để bán lại cho những người mua sỉ, hoặc đến mua vài cây về làm vật dụng trong nhà. Cây tre luôn có giá trị, người dân trồng tre vừa chống xói lở, ngăn gió bão, vừa có bóng mát và làm vật dụng hằng ngày. Cây tre cho thu nhập tương đối cao và giải quyết công ăn việc làm cho nhiều người dân ở Phù Mỹ.

 

Tùy vào việc, công dụng để chọn từng loại tre cho phù hợp. Trước đây, phần lớn tre được mua để đan thuyền thúng, sõng, rổ, rá, nia, trẹt… Nay nhu cầu về tre càng nhiều hơn, người mua tre số lượng lớn dùng làm cọc be bờ hoặc làm chà, bè nuôi thủy, hải sản, người dùng làm nhà, đan vỉ…

 

Người mua tre đan sõng, thuyền thúng phải chọn nhiều loại tre, tre dày đặc ruột dùng làm vành, tre to, dài, thẳng, mỏng ruột dùng để đan mê. Người làm bè, chà nuôi hải sản thì chọn tre già đã ngả màu ngà óng; làm nhà thì chọn tre thẳng, đều… Dù là tre gì, khi cầm cây tre vuốt mà không thấy sù sì, sóc, nhám mới đạt yêu cầu… Trong khi đó, người chặt và bán tre không chỉ có cánh đàn ông, rất nhiều phụ nữ cũng vì mưu sinh mà vất vả với công việc này.

 

Đã qua bao đời người, dời bao chỗ, nhưng tuyệt nhiên việc mua, bán diễn ra quy củ; không có ban tổ chức, chẳng cần ban quan lý, ấy vậy mà chưa hề có vụ xô xát, to tiếng quá đà nào xảy ra ở chợ tre. Người đến với chợ tre vùng đất võ cũng góc cạnh lắm, nhưng cũng thẳng như tre, mà cũng mềm dẻo, bền bỉ như tre. Có người còn nói rằng sự hình thành chợ tre dễ hòng đã có từ thời nghĩa quân Tây Sơn. Từ nhu cầu về tre làm binh khí, khí cụ cho quân khởi nghĩa mà đâu đó đã lập nên điểm cung cấp tre rồi dần thành chợ tre cho đến ngày nay.