Độc đáo đống củi hứa hôn

15:33, 03/07/2012

Củi hứa hôn (loong xare hoặc loong chier) là một tập tục lâu đời của đồng bào dân tộc Jẻ -T'riêng ở quanh khu vực huyện Đăk Glei cực bắc tỉnh Kon Tum.

Con gái Jẻ-T'riêng có lệ lấy chồng sớm. Thường ở độ tuổi 16-18. Do vậy, chừng 14-15 tuổi là các cô đã bắt đầu đi rừng gùi củi về xếp dần quanh nhà. Nói cách khác là thấy nhà nào có đống củi kiểu ấy thì biết có con gái sắp đến tuổi lấy chồng.

 

Củi hứa hôn được làm rất cẩn thận chứ không như củi thường dùng hằng ngày. Trước hết phải chọn loại cây gỗ khi khô sẽ nức theo sớ dọc, dễ chẻ. Thường được chọn nhất là cây gỗ dẻ. Vì thế nên củi hứa hôn được gọi là loong xare (loong: củi, xare: cây gỗ dẻ; còn loong chier: củi cưới). Tục lệ không bắt buộc nhất thiết chỉ là gỗ dẻ, nhưng ít ra cũng phải được phần lớn là thứ gỗ này, vì nó chắc thịt, cháy tốt và đượm than.

 

Kích cỡ cây chọn làm củi thường có đường kính trên dưới 10 phân. Củi được chặt thành đoạn trên dưới 1 mét và phải giữ độ dài ấy đều đặn cho cả đống, không được dài ngắn bất thường! Trước khi xếp các khúc củi vào để bó (mỗi bó trên dưới 10 súc, tuỳ theo độ to nhỏ của cây) các cô gái dùng rìu băm bổ những nhát cạn dọc quanh thân súc gỗ, để khi khô sẽ nức thành hình thù những tép củi nhỏ. Thoạt nhìn ngỡ đã được chẻ rời ra nhưng kỳ thật vẫn dính nhau theo từng súc một. Ở hai đầu đống củi, những nét rạn đều bằn bặn như dấu vân cây hay những hoa văn lượn sóng, trông giống như một chòm sao lớn. Hai đầu củi cũng là cả một kỳ công. Chỉ với chiếc rìu hoặc con dao rựa thô sơ, các cô gái phải gọt tề sao cho mặt cắt của các đầu súc bằng thẳng phẳng phiu, tưởng tượng đặt lên đó quả trứng gà cũng khó lăn xuống đất! Ấy là thử thách sự khéo léo của các cô.

 

Củi hứa hôn là để các cô gái gùi về dâng nộp nhà chồng trong dịp đám hỏi và đám cưới. Đám hỏi nộp ít hơn, khoảng dăm ba, dăm bảy chục bó. Đám cưới nộp nhiều hơn, có khi đến vài ba trăm bó, tuỳ theo số lượng dự trữ được của cô gái. Thường thì các cô cố gắng có được càng nhiều càng tốt vì ngại nhà chồng chê mình lười nhát. Đây là cách đo tính kiên trì, siêng năng của cô gái.

 

Nếu gần đến ngày cưới chồng, ngày nộp củi mà bản thân cô gái chưa chuẩn bị được nhiều như ý muốn thì cả gia đình họ tộc được huy động đến làm giúp. Trong trường hợp do thoả thuận giữa hai gia đình để chàng trai ở rể lại nhà cô gái thì củi này cũng phải đem sang nộp cho cha mẹ nhà chồng.

 

Để đáp lại công lao cô gái, phía nhà trai cũng chuẩn bị tiệc lễ cho ngày đón củi. Vào ngày này, ngoài những món ăn thức uống thông thường có sẵn trong nhà hoặc dễ dàng tìm kiếm, tục lệ bắt buộc phải có món cá sông và chuột đồng. Đặc biệt là chuột đồng. Hai món này, tuỳ từng khu vực cư ngụ của bà con ở đây, là rất khó tìm. Có khi nhà trai cũng phải huy động nhiều người trong gia tộc cùng đi săn tìm rất vất vả mới có đủ số lượng cá và chuột để đãi khách trong ngày vui trọng đại ấy. Việc làm này có ý nghĩa nhà trai cũng kỳ công gian khó lắm để đáp lại sự nhẫn nại, chịu thương chịu khó của cô gái trong quá trình gom củi hứa hôn.