Quyến rũ Hồ Thác Bà

16:33, 28/07/2012

Hồ Thác Bà là một trong ba hồ nước nhân tạo lớn nhất Việt Nam, hồ là nguồn cung cấp nước cho nhà máy Nhà máy thủy điện Thác Bà (nhà máy thủy điện đầu tiên của Việt Nam) thuộc tỉnh Yên Bái. Hồ nằm cách Hà Nội 140 km theo quốc lộ 2 về phía tây.

Hồ Thác Bà được hình thành khi đập thủy điện Thác Bà hoàn tất năm 1970 làm nghẽn dòng sông Chảy và tạo ra hồ. Diện tích vùng hồ: 23.400 ha, diện tích mặt nước: 19.050 ha, dài: 80 km, mực nước dao động từ 46m đến 58m, chứa được 3 đến 3,9 tỉ mét khối nước. Ngoài dòng sông Chảy là nơi cung cấp nước chủ yếu, hồ Thác Bà còn có một hệ thống sông ngòi lớn như: ngòi Hành, ngòi Cát,... đổ về, làm tăng lượng phù sa lớn và các loài sinh vật phong phú cho hồ.

 

Không chỉ là thắng cảnh, hồ còn góp phần rất lớn vào việc bảo vệ và cải tạo môi trường làm cho mùa hè nhiệt độ giảm từ 1 đến 2°C, tăng độ ẩm tuyệt đối vào mùa khô lên 20% và lượng mưa từ 1.700 đến 2.000 mm, tạo điều kiện cho thảm thực vật xanh tốt. Các dãy núi đá vôi đã tạo ra một hệ thống hang động rất đẹp trên hồ. Động Thủy Tiên, nằm trong lòng núi đá dài khoảng 100 m với những nhũ đá lấp lánh khi được chiếu sáng tạo ra muôn hình vạn trạng. Động Xuân Long nằm ẩn trong núi đá. Đi sâu vào trong động du khách không khỏi ngỡ ngàng trước những tượng đá tự nhiên kỳ lạ.

 

Núi Cao Biền là dãy núi lớn và dài nhất của thắng cảnh hồ Thác Bà, có thể đứng trên đỉnh núi phóng tầm mắt ngắm cảnh hồ chìm trong sương với vẻ đẹp lung linh huyền ảo. Khu vực hồ thuộc huyện Lũng Yên lại có nhiều di tích lịch sử đền Đại Cại, hang Ma-mút, chùa São, núi Vua Áo Đen... Tại đây các nhà khảo cổ học đã phát hiện ra những dấu vết của người Việt cổ.

 

Khu vực làng ven hồ vẫn giữ được nét hoang sơ cùng bản sắc văn hóa của các dân tộc Tày, Nùng, Mông, Dao, Phù Lá, Cao Lan... Nhiều lễ hội đặc sắc thường diễn ra như: Lễ hội mừng cơm mới của người Tày tổ chức vào ngày 9-10 âm lịch khi tiết trời sang thu, mùa thu hoạch lúa nếp đến, mùi thơm lan tỏa khắp bản làng. Trong đêm trăng sáng, lễ hội tưng bừng, trai gái hẹn hò nhau cùng giã cốm, rồi từng cặp nhảy múa với trang phục rất độc đáo. Du khách sẽ cảm nhận được chất trữ tình trong những điệu dân ca, dân vũ đậm chất núi rừng. Lễ Tết nhảy của dân tộc Dao với các điệu múa miêu tả cuộc sống của cộng đồng, như cấy lúa, làm nương... với hình thức mang đậm nét dân gian độc đáo.

 

Được công nhận là Di sản văn hoá dân tộc từ tháng 9/1996, thắng cảnh hồ Thác Bà bên cạnh những lợi thế về vị trí địa lý như nằm trên trung lộ Hà Nội- Lào Cai, những làng, bản ven hồ Thác hiện nay vẫn còn giữ được nét hoang sơ, nguyên thuỷ cùng bản sắc văn hoá đặc trưng của cộng đồng các dân tộc Tày, Nùng, Mông, Dao, Phù Lá, Cao Lan... Các lễ hội truyền thống, tập quán sinh hoạt văn hoá riêng có của từng tộc người vẫn đang là sự lôi cuốn du khách thăm thú, tìm kiếm và khám phá Thác Bà.