Đèo Ngang - con đèo của ca dao huyền thoại

13:52, 21/09/2012

Đèo Ngang ở trên núi Hoành Sơn được tách ra từ dãy Trường Sơn, cao 256m, dồn đuổi nhau từ Tây sang Đông, chạy dài ra tận biển, trở thành biên giới tự nhiên của hai quốc gia Đại Việt và Chiêm Thành ngày xưa và nay là mốc địa giới giữa hai tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình

Đèo Ngang là con đèo lịch sử đã đi vào ca dao, huyền thoại. Lê Thánh Tông, Nguyễn Thiếp, Vũ Tông Phan, Ngô Thì Nhậm, Nguyễn Du, vua Thiệu Trị, Nguyễn Hàm Ninh, Bà huyện Thanh Quan, Nguyễn Phước Miên Thẩm, Nguyễn Văn Siêu, Cao Bá Quát... đã lưu dấu tại đèo Ngang và những tuyệt phẩm thơ cổ. Đặc biệt, bài thơ “Qua Đèo Ngang” của Bà huyện Thanh Quan rất nổi tiếng, được xem như vẽ lên bức tranh thủy mạc.

 

Bước tới Đèo Ngang bóng xế tà

 

Cỏ cây chen đá, lá chen hoa

 

Lom khom dưới núi tiều vài chú

 

Lác đác bên sông chợ mấy nhà.

 

Nhớ nước đau lòng con quốc quốc,

 

Thương nhà mỏi miệng cái gia gia

 

Dừng chân đứng lại trời, non, nước

 

Một mảnh tình riêng ta với ta.

 

 

Phía tây đèo là núi dựng đứng, vững chãi như bình phong xanh ngắt với ngàn mây bay lởn vởn buổi chiều tà trên ngọn núi cao 1.046m - đỉnh cao nhất của dãy Hoành Sơn. Du khách đi xe máy hoặc ôtô, khi đổ xuôi xuống mái đèo phía nam khoảng 400m sẽ thấy một dãy núi cao hàng trăm mét sừng sững chắn ngang trước mặt. Càng đến gần, bức tường xanh cũng như đang chạy nhào tới, tạo nên cảm giác kỳ lạ mà không đèo nào có được.

 

Lên tới đỉnh đèo, nơi có tấm bảng phân chia địa phận hai tỉnh Quảng Bình - Hà Tĩnh, rẽ theo con đường mòn nhỏ bên phải triền núi độ 500m, thấp thoáng giữa rừng thông là di tích Hoành Sơn quan. Đây là cửa ải Hoành Sơn trấn giữ con đường thiên lý Bắc - Nam, gợi biết bao suy tưởng về một thời Đàng Trong - Đàng Ngoài phân tranh. Cửa Hoành Sơn cao hơn 4m, được xây từ triều Minh Mạng thứ 14 (1833) hiện còn nguyên vẹn, cùng hai nền móng của tường lũy bằng đá chạy theo hai hướng vào núi và xuống biển. Trước đây phía cửa mỗi bên có 1.000 bậc đá để lên xuống theo triền núi cao. Nay cửa bên nam không còn bậc đá, bên bắc chỉ còn khoảng vài trăm bậc, nhưng đã được làm lại nhiều.

 

Từ cửa Hoành Sơn nhìn xuống phía bắc là hồ nước U Bò. Quốc lộ 1A từ cửa hầm đường bộ xuyên qua đèo Ngang bây giờ chạy cắt ngang hồ nước này. Phía nam là hồ nước Quảng Đông lấp lánh ánh bạc mỗi buổi bình minh. Hai hồ nước nằm ngay dưới chân đèo, nước trong xanh quanh năm. Trên đường qua đèo, từng đoạn ngắn lại bắt gặp những dòng suối nhỏ đổ từ trên đỉnh núi đá về, róc rách chảy qua những chiếc cầu. Dừng xe ngồi nghỉ, rửa mặt, tay chân bên dòng nước trong vắt, mát lạnh mới thật thú vị.

 

Cách khoảng 600m dưới chân đèo về phía nam là đền thờ công chúa Liễu Hạnh, nằm trong cụm di tích, danh thắng gồm đèo Ngang, Hoành Sơn quan, lũy Hoàn Vương, đình Vĩnh Sơn, biển Hòn La, vũng Chùa, đảo Yến... Đền nằm trong tán lá rừng xanh mát, cách cửa hầm đường bộ xuyên đèo Ngang phía nam hơn 100m. Có từ thời Thiên Hữu (1557) nhà Hậu Lê, theo thời gian đền bị hư hỏng nhiều, sau đó được tỉnh Quảng Bình phục hồi theo nguyên mẫu. Theo người dân địa phương, đền thờ này khá linh thiêng, vì thế vài năm trở lại đây có rất nhiều du khách thập phương ghé thăm, hương khói...