Phát hiện kiến trúc lớn, độc đáo chưa từng gặp ở Việt Nam

14:40, 08/01/2013

Lần đầu tiên trong khu vực gần điện Kính Thiên, thuộc Khu Di tích Hoàng thành Thăng Long, các nhà khoa học đã phát hiện một dấu tích kiến trúc đời Lý bằng gạch khổng lồ chưa bao giờ thấy tại Việt Nam. Kiến trúc này giúp chúng ta có thêm minh chứng khẳng định đây là trung tâm Tử Cấm Thành trải qua các đời Lý, Trần, Lê. Song, băn khoăn lớn nhất của các nhà khoa học là hướng bảo tồn, phát huy khu vực khảo cổ này như thế nào.

Nhiều câu hỏi từ dấu tích kiến trúc độc đáo

 

 Chỉ với 500 m2 khai quật tại khu vực phía Bắc Đoan Môn và phía trước thềm điện Kính Thiên (thời Lê) thuộc khu Di tích Hoàng thành Thăng Long, các nhà khảo cổ đã phát hiện ra nhiều lớp kiến trúc, nhiều vật liệu, di vật trải suốt các triều đại từ Lý, Trần, Lê, Nguyễn.

 

Trong Hội nghị Báo cáo kết quả khai quật khảo cổ học Trung tâm Hoàng thành Thăng Long 2012 ngày 26/12, Giáo sư Phan Huy Lê khẳng định: Tại khu vực vốn được cho là trung tâm Tử Cấm Thành (khu vực số 9 Hoàng Diệu, nơi có Đoan Môn và điện Kính Thiên thời Lê) cho đến tận năm 2011, chúng ta chưa từng phát hiện kiến trúc đời Lý nào. Với việc phát hiện các lớp kiến trúc liên tục qua các đời, đặc biệt là kiến trúc đời Lý, chúng ta có thêm cơ sở khẳng định đây là trung tâm Tử Cấm Thành qua các đời Lý, Trần, Lê (gồm Lê sơ và Lê Trung hưng), và đây mới chính là không gian của điện Kính Thiên (hay Thiên An, Càn Nguyên thời Lý, Trần).

 

Theo PGS – TS. Tống Trung Tín - Viện trưởng Viện Khảo cổ, dấu tích kiến trúc thời Lý phát hiện tại đây là kiến trúc chưa từng gặp ở Việt Nam. Do đó, các nhà khoa học tạm gọi đó là một "đường nước". "Đường nước" này được lót hoàn toàn bằng gạch vuông dưới nền, gạch bìa ở bên thành. Phần rộng nhất lên tới 2m, phần cao nhất lên tới 2m. Song song với đường nước này là dấu tích móng tường bằng sành cũng thuộc thời Lý, rộng tới 1,6m. Đây là một đường nước bằng gạch khổng lồ chưa bao giờ gặp ở Việt Nam. Sự độc đáo này khiến các chuyên gia chưa thể khẳng định đây thuộc loại kiến trúc nào.

 

Tiến sĩ Nguyễn Quốc Tuấn - Viện trưởng Viện Tôn giáo đưa ra giả thuyết đây, với sự cầu kỳ về mặt kiến trúc như vậy, đây là một loại hình giếng nước, cung cấp nước sử dụng cho khu vực Hoàng thành. Tiến sỹ Nguyễn Quốc Tuấn cho biết từng gặp loại kiến trúc tương tự như vậy khi nghiên cứu khu vực núi Chí Dĩ Sơn - Hàn Quốc. Giáo sư Nguyễn Quang Ngọc đưa ra một giả thuyết khác: Khi xây dựng kinh đô, các quốc gia gắn với Phật giáo đều xây dựng một kiến trúc gọi là "long trì" (ao rồng). Có thể kiến trúc này là một phần của dấu tích "long trì" gồm: Thềm rồng, ao rồng, sân rồng.

 

Ngoài ra, còn có một số ý kiến khác, cho rằng, đây có thể là một đường hầm bí mật nằm dưới cung điện, hoặc có thể là một công trình kiến trúc phong thuỷ, hoặc cảnh quan độc đáo trong cung điện xưa. Chỉ riêng kiến trúc độc đáo thời Lý đã để lại nhiều câu hỏi, mở ra nhiều hướng nghiên cứu tiếp theo như: đâu là chức năng thực sự của kiến trúc này, tương quan của công trình này trong các kiến trúc khác đời Lý thế nào...

 

Từ "đường nước" có một không hai này, chúng ta thấy việc xác định Đoan Môn và vị trí điện Càn Nguyên, Thiên An thời Lý, Trần càng trở nên cần thiết và cũng có nhiều phức tạp. Bởi có một điều chắc chắn, vị trí của điện Kính Thiên thời Lê không trùng khít với vị trí điện Càn Nguyên, Thiên An.

 

Mở rộng khảo cổ hay... lấp lại?

 

Ngoài dấu tích kiến trúc thời Lý, các nhà khảo cổ học cũng phát hiện dấu tích kiến trúc thời Trần, gồm: Dải trang trí hoa chanh; hệ thống cống thoát nước gồm hai nhánh chạy dọc theo hướng Bắc – Nam và Đông – Tây, nằm trên đường nước thời Lý và đổ trực tiếp xuống "kiến trúc nước" thời Lý; dấu tích móng trụ. Các kiến trúc đời Lê gồm: Cấu trúc móng của ngự đạo thời Lê có hai rãnh thoát nước ở hai bên, nền gạch vuông và gạch vồ... Các dấu tích kiến trúc không chỉ chồng lên nhau, mà còn thấy rõ hiện tượng các vật liệu thời trước được tái sử dụng trong thời sau.

 

Điều đặc biệt là các dấu tích kiến trúc này, bên cạnh việc giải đáp một số vấn đề lịch sử còn đặt ra rất nhiều vấn đề khoa học cần được giải đáp. Song, đến nay, chúng ta vẫn chưa thống nhất được phải xử lý khu vực khai quật khảo cổ rộng 500 m2 này như thế nào. Đại diện Viện Khảo cổ học cho rằng sẽ để cho giới khoa học nghiên cứu một thời gian, sau đó lấp lại, đợi khi nào có điều kiện ta sẽ đào lên, nghiên cứu tiếp.

 

Giáo sư Phan Huy Lê cho biết: Chỉ riêng từ thế kỷ XV đến nay, điện Kính Thiên đã thay đổi nhiều lần. Chúng ta chưa biết về vị trí toà điện này dưới thời Lý, thời Trần. Tương tự như vậy, chúng ta mới chỉ biết đến Đoan Môn thời Lê mà chưa biết Đoan Môn thời Lý, Trần. Những phát hiện về các dấu tích kiến trúc Lý, Trần mở ra hướng nghiên cứu lý thú về không gian của Cấm thành từ khu vực Đoan Môn vào khu vực điện Kính Thiên (thời Lê, như ta thấy hiện nay). Từ đó, ta có thể hiểu thêm về các kiến trúc khác thời Lý, Trần. Mặt khác, ở khu khảo cổ 18 Hoàng Diệu, ta đã tìm thấy kiến trúc trước Lý. Tại khu vực này, ta chưa tìm thấy lớp kiến trúc thời trước Thăng Long. Giáo sư nhấn mạnh ta chưa tìm được chứ không phải không tìm được, do chưa có điều kiện khai quật khảo cổ mở rộng. Cũng như nhiều nhà khoa học khác, Giáo sư Phan Huy Lê kiến nghị cần thiết phải bảo tồn tốt khu vực khai quật khảo cổ 500 m2 này, đồng thời, mở rộng khai quật để có thể hoàn chỉnh diện mạo khu vực Tử Cấm Thành, với các kiến trúc, đặc biệt là điện Kính Thiên, Đoan Môn qua các thời kỳ lịch sử.

 

Tuy nhiên, việc mở rộng khai quật hay lấp đi còn phụ thuộc vào hai cơ quan là Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, UBND TP Hà Nội. Hy vọng rằng, các nhà quản lý sẽ có phương án xử lý phù hợp, đáp ứng mong mỏi của giới khoa học cũng như nguyện vọng được tham quan các hiện vật, dấu tích kiến trúc đặc biệt quan trọng trong Khu Di tích Hoàng thành Thăng Long. Bởi điều này cũng phù hợp với cam kết về bảo tồn, phát huy giá trị di sản khi Hoàng thành Thăng Long được UNESCO công nhận là Di sản Văn hoá Thế giới, đó là di sản phải thuộc về cộng đồng.