Đến đảo tiền tiêu thăm Đền thờ Anh hùng Nguyễn Trung Trực

16:47, 19/04/2013

Những ngày tháng 4 lịch sư, đoàn cán bộ, phóng viên Báo Thái Nguyên có dịp hành hương về Phú Quốc - Mảnh đất biên cương cực Nam của Tổ quốc. Từ thị trấn Dương Đông, vượt 30 km theo hướng Bắc đảo, băng qua rừng Quốc gia Phú Quốc, núi Hàm Rồng chúng tôi dừng chân tại Đền thờ vị Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực. Ngôi đền mới được người dân nơi đây tôn tạo khang trang, nằm ngay gần cửa biển như một minh chứng về chiến tích hào hùng đánh giặc ngoại xâm bảo vệ bờ cõi của người Anh hùng Nguyẫn Trung Trực năm xưa. 

Một không gian thanh tịnh, hiện ra trước mắt, qua khỏi cổng là bức tượng Nguyễn Trung Trực đúc bằng đồng. Bức tượng oai nghiêm, sống động với khí thế trung nghĩa, bất khuất, như câu nói của ông trước lúc hy sinh: “Bao giờ Tây nhổ hết cỏ nước Nam mới hết người Nam đánh Tây”. Bên cạnh Đền thờ còn có phòng thuốc Nam với các lương y giỏi bắt mạch, kê toa, châm cứu miễn phí. Trụ trì của Đền, bà Trang Kim Nghĩa, (hay còn gọi là cô giáo Dõng) đã kể cho chúng tôi nghe về lịch sử của ngôi Đền cũng như những chiến công vang dội của Anh hùng Nguyễn Trung Trực: “Năm 1993, khi chúng tôi đến đây, nơi này chỉ là một xóm vắng, nghèo nàn, bao quanh là rừng rậm. Bọn Khơ me đỏ thi thoảng lại vượt từ Campuchia sang nhũng nhiễu, gây hấn nên nhân dân rất cực khổ. Cả khu vực này không có trạm y tế nên mỗi khi ốm đau, không có thuốc chữa trị. Do đó, chúng tôi đã xin xã cấp cho một khu đất, rồi phát cây, dựng phòng khám chữa bệnh thuốc Nam từ thiện. Gian giữa chúng tôi đặt bàn thờ vị Anh hùng Nguyễn Trung Trực, hai gian bên cạnh là phòng khám bệnh. Nhân dân quanh vùng khi về đây bao giờ cũng thắp nhang cho ông rồi mới qua phòng khám để trị bệnh. Dần dần, nơi đây trở thành Đền thờ Nguyễn Trung Trực và là 1 trong 9 ngôi Đền lớn nhất thờ Anh hùng Nguyễn Trung Trực ở tỉnh Kiên Giang. Ngày 8/8/2011, ngôi Đền được công nhận Di tích lịch sử cấp tỉnh”.

 

 

 

 

 

Bà Kim Trang Nghĩa tự hào kể với phóng viên về người Anh hùng Nguyễn Trung Trực

Khi kể về cuộc đời và sự nghiệp của người Anh hùng Nguyễn Trung Trực, giọng cô giáo Dõng đầy tự hào: “Nguyễn Trung Trực (tên thật là Nguyễn Văn Lịch) sinh năm 1837, trong một gia đình chài lưới ở hạ lưu sông Vàm Cỏ. Năm 1861, hưởng ứng lịch Cần Vương chống Pháp, ông chiêu mộ một số đông nông dân nổi dậy đánh phá các đồn Pháp ở các vùng thuộc phủ Tân An (nay thuộc tỉnh Long An) và Rạch Giá (nay thuộc tỉnh Kiên Giang), lập được nhiều chiến công nên được triều đình Huế phong chức Quản cơ. Ông vốn thẳng tính nên nhiều người gọi là Nguyễn Trung Trực. Năm 1861, Pháp điều tàu Espérance chở đầy vũ khí qua sông Nhật Tảo (vàm cỏ Đông) thuộc huyện Tân Trụ, tỉnh Long An ngày nay, nhằm chiếm 6 tỉnh từ Long An đến Cà Mau, chúng cấm tất cả các tàu thuyền không được qua lại trên sông. Để tiếp cận tàu giặc, Nguyễn Trung Trực đã nghĩ ra một kế, ông và các nghĩa binh giả làm đám rước dâu trên sông rồi tiếp cận và đốt cháy tàu Espérance của quân Pháp vào 12h ngày 10/12/1861, năm đó ông mới 23 tuổi. Tiếng tăm của Nguyễn Trung Trực vang dội, làm binh lính Pháp phải dè dặt. Uy tín của ông đã lan rộng nên dễ dàng tập hợp được người yêu nước trong cộng đồng Kinh - Hoa - Khmer ở địa phương.

 

Chiến công này của ông đã được tác giả Trương Quang Lục đã khắc họa trong ca khúc rất nổi tiếng "Vàm Cỏ Đông":

 

 “...Ơ ơi, Vàm Cỏ Đông, ơi hỡi dòng sông

Có anh du kích dũng cảm kiên cường,

lẫn ánh trăng mờ băng lửa đạn qua sông,

Diệt tan tàu giặc, giữ gìn quê hương...”

 

Trong trận đánh ngày 16/6/1868, Nguyễn Trung Trực dẫn quân xuất phát từ Tà Niên (nay là xã Vĩnh Hòa Hiệp, huyện Châu Thành, Kiên Giang) đánh úp đồn Rạch Giá và làm chủ tình hình được 6 ngày, gây hoang mang trong quân lính Pháp. Sau đó, quân Pháp tăng cường quân càn quét, Nguyễn Trung Trực kéo quân về Hòn Chông - Kiên Lương rồi ra Phú Quốc để tiếp tục chiến đấu. Với tài thao lựơc quân sự, ông chọn một vị trí thuận lợi ở Hàm Ninh (phía Đông của đảo) để quyết chiến với giặc. Ở vị trí này khi nước thủy triều rút rất sâu nên tàu giặc khó tiếp cận đảo, trong khi vũ khí thời đó chưa thể bắn tới đảo. Ông đã dùng kế nghi binh (cho binh sĩ liên tục thay nhiều bộ quần áo, khi thì ở ven biển, khi thì trên núi) để quân Pháp sợ nghĩa quân đông không dám đổ bộ lên đảo. Lợi dụng thời cơ này, ông đã cho đào hầm làm ổ phục kích, khi mọi việc xong suôi, ông mới cho quân ẩn náu vào các vị trí dụ địch vào bờ. Không thấy bóng dáng nghĩa quân, bọn giặc tưởng ông đã cho rút quân nên đổ bộ vào bờ và trúng ổ phục kích của nghĩa quân nên hao tổn một phần lớn binh lực. Quân Pháp tiếp tục huy động một lực lượng hùng hậu đến bao vây và tấn công đảo. Chúng nhiều lần dụ dỗ, mua chuộc nhưng ông không đầu hàng. Ông cho nghĩa quân rút vào rừng để củng cố lực lượng. Lúc này, cô dâu giả (bà Trương Thị Định) đã trở thành cô dâu thật và hạ sinh một quý tử, nhưng không may khi đưa bé mới 6 ngày tuổi thì bà mất do bị bệnh nặng. Đứa bé mới sinh khát sữa nên khóc suốt khiến tung tích của nghĩa quân bị lộ. Trong khi đó, do muốn gây áp lực để Nguyễn Trung Trực lộ diện, quân Pháp đã tổ chức càn quét đốt phát và giết hại nhân dân trên đảo. Mỗi ngày, chúng bắt 30 người dân đảo phải phơi nắng, đầy ải trên bãi biển để kêu gọi Nguyễn Trung Trực ra hàng. Trước tình thế này, ông đành gạt nước mắt đặt con lại một bụi cây và buộc theo đó 1 nải chuối bằng vàng mà triều đình Huế ban tặng khi nghĩa quân đốt cháy tàu Pháp với hy vọng có ai đó nhặt nuôi đứa bé thì đó sẽ là số tiền cảm tạ và nuôi đứa trẻ khôn lớn. Xong việc, ông cùng nghĩa quân quyết chiến với giặc một chân cuối cùng tại bãi bông lau. Do chênh về lực lượng, hỏa lực nên trận chiến diễn ra chỉ hơn 1h đồng hồ, nghĩa quân đã bị tiêu diệt gần hết, Nguyễn Trung Trực bị trọng thương và bị quân pháp bắt vào tháng 10/1868. Sau đó chúng lại tiếp tục dụ dỗ ông bằng quyền cao chức trọng nhưng ông đều từ chối.

 

Mua chuộc không được, giặc Pháp mang ông ra chém đầu tại chợ Rạch Giá. Trước khi chết, ông dõng dạc hô lớn: “Bao giờ Tây nhổ hết cỏ nước Nam mới hết người Nam đánh Tây”. Tỏ lòng biết ơn ông, người dân Tà Niên dệt một chiếc chiếu dài trải xuống đất chỗ ông đứng khi bị xử tử để tỏ lòng tôn kính.

 

Sau đó, người dân địa phương đã đưa bài vị của ông về thờ tại ngôi đền mà trước đó là nơi thờ vị Nam hải Đại tướng quân, tức Cá ông chuyên cứu ghe thuyền gặp nạn ngoài khơi. Người dân ở Đồng bằng Sông Cửu Long xem Nguyễn Trung Trực như một vị thần có công trạng lớn với đất nước nên đã dựng đền thờ ông ở nhiều tỉnh như: Kiên Giang, Vĩnh Long... Tại xã Gành Dầu ngôi đền thờ ông lúc nào cũng nghi ngút khói hương bởi ngư dân trên đảo tin rằng Nguyễn Trung Trực là một vị thần che chở họ trong những lúc mưa to sóng lớn…

 

Tại đây, hàng năm, vào ngày 27, 28, 29 tháng 8 âm lịch, Đền đều tổ chức lễ hội linh đình để kỉ niệm ngày mất của ông. Với tấm lòng thành kính, người dân trên đảo dâng cúng ông những thứ mà họ làm được và cầu mong ông phù hộ, che chở cho cuộc sống yên bình, cá đầy thuyền, tôm đầy ghe. Vì vậy, dù bận bịu đến đâu, bà con cũng thu xếp để về cho kịp ngày cúng dỗ ông. Chẳng thế mà nhân dân nơi đây vẫn lưu truyền câu hát:

 

Dù ai buôn bán gần xa,

Ngày giỗ cụ Nguyễn thì ta nhớ về.

 

Vào ngày hội Đền, người ta tổ chức nghi lễ cúng tế và diễn lại trận đánh chìm tàu Hy Vọng của Pháp trên sông Nhật Tảo. Bên cạnh đó, còn tổ chức các sinh hoạt văn hóa truyền thống như đua thuyền, đánh cờ…

 

Ngôi đền đã thành nơi lưu giữ những chiến tích về thân thế, sự nghiệp, chiến công lừng lẫy của vị Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực, trở thành là một địa chỉ đỏ trong giáo dục truyền thống lịch sử lòng yêu nước cho thế hệ hôm nay và mai sau. Và ngày nay, nơi đây là một điểm tham quan không thể thiếu của du khách khi đặt chân đến Phú Quốc -  miền biên ải xa xôi của Tổ quốc.

 

 

 


Thượng úy Trần Nguyên Bộ (Hải đội 512, Lữ đoàn 127, Vùng E Hải quân): Là chiến sĩ hải quân, tôi luôn ý thức phải tôi luyện ý chí noi theo tấm gương sáng của vị Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực, mưu trí - sáng tạo - kiên quyết, sẵn sàng chiến đấu để bảo vệ vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc”.       


 

 

Bà Trần Thị Thương, 70 tuổi, tổ 1, ấp Gành Dầu, xã Gành Dầu (Phú Quốc): Tôi di cư ra đảo Quốc năm 1987 từ năm 1993, khi có ngôi đền thờ Anh hùng Nguyễn Trung Trực, những ngày lễ, tết và trước mỗi chuyến ra khơi xa, tôi và bà con trong Ấp vẫn mang những sản vật mà mình làm được lên thắp hương ông và dạy bảo con cháu phải noi gương ông.      


Em Nguyễn Thị Hoàng My, học sinh lớp 5, Trường THCS Gành Dầu: “Hàng năm, chúng em vẫn được Nhà trường tổ chức đến thăm quan và làm vệ sinh xung quanh khu đền thờ Anh hùng Nguyễn Trung Trực. Chúng em rất biết ơn ông và sẽ gắng học giỏi để sau này lớn lên trở thành người công dân tốt, góp sức xây dựng quê hương thật giàu mạnh.