Đền thờ và lăng họ Mạc ở Hà Tiên

16:52, 01/06/2013

Trong thời gian từ ngày 19 đến ngày 24-2-2013 (tức từ mồng 10 đến rằm tháng Giêng), lễ hội Nguyên tiêu, cũng là lễ hội Tao đàn Chiêu Anh Các năm Quý Tỵ diễn ra tại thị xã Hà Tiên (Kiên Giang). Lễ hội năm nay có nhiều nét mới, đa dạng hơn nhiều năm trước, bao gồm các cuộc vui mang đậm sắc thái văn hóa Việt Nam như đi bộ diễu hành, thi làm hoa đăng, thi cờ tướng, đờn ca tài tử, hội thi ẩm thực, triển lãm ảnh, triển lãm thư pháp, trò chơi dân gian, thả cá tái tạo nguồn lợi thủy sản tại đầm Đông Hồ, dâng hương đền thờ họ Mạc...

Trong đó có ba hoạt động nổi bật là hội hoa đăng trên đầm Đông Hồ, lễ khai mạc Năm Văn hóa - du lịch Hà Tiên 2013 và công bố quyết định của Bộ Xây dựng công nhận thị xã Hà Tiên đạt tiêu chuẩn đô thị loại 3.

 

 

Lễ dâng hương đền thờ họ Mạc diễn ra long trọng, vì Mạc Cửu (1655-1735) là một thương gia người Hoa có công khai phá và hình thành vùng đất Hà Tiên. Đền thờ Mạc Cửu do con trai ông là Mạc Thiên Tích thiết kế, xây dựng từ năm 1735 đến năm 1739. Mặt đền quay về hướng đông, nơi có ao sen, xa hơn nữa là đầm Đông Hồ. Lưng đền tựa vào vách núi Bình San có hình vòng cung, rất vững chãi. Bên trái đền là núi Bát Giác, bên phải đền là Đại Kim Dự. Tên chữ đền thờ họ Mạc là Trung Nghĩa Từ, dân gian còn gọi là miễu Ông Linh.

 

 

Cổng ngoài đền thờ Mạc Cửu.

 

Mạc Cửu (sinh năm 1655 tại Triều Châu, Quảng Đông, Trung Quốc) đưa cả gia đình cùng đoàn tùy tùng đến Hà Tiên định cư, lập nên làng ấp, biến địa phương hoang vu xa xôi này thành một cảng thị phồn vinh. Khi Mạc Cửu qua đời, với công trạng ấy, ông được Ninh Vương truy tặng “Khai trấn, Thượng trụ quốc, Đại tướng quân Vũ Nghị công”...

 

Bước vào cổng đền thờ là khoảng sân rộng, lúc nào cũng yên tĩnh, trầm mặc trong bóng mát của nhiều loại cây xanh. Đền thờ Mạc Cửu nằm đối diện với cổng, với cột hình vuông, có những bức hoành phi và liễn đối. Ngay chánh điện đền có biển thờ với bốn đại tự: “Khai trấn trụ quốc”. Đây là sự ghi nhận công đức của dòng họ Mạc trong công cuộc khai phá, mở mang bờ cõi nước Việt về phía nam. Đặc biệt, trên vách tường đền có 10 bài thơ nổi tiếng của Mạc Thiên Tứ, “Hà Tiên thập vịnh”.

 

'Mạc Thiên Tích được Trịnh Hoài Đức viết trong Gia Định thành thông chí, như sau: “Tuy Mạc Cửu là người khai sáng đất Hà Tiên, nhưng người mở mang trấn nầy lại chính là con ông, Mạc Thiên Tứ (...) Mạc Thiên Tứ sanh đêm mồng bảy, tháng ba, năm Bính Tuất (1706) ở Trũng Kè, tiếng Hán gọi là Lũng Kỳ, tức đất Réam của Cao Miên (Lũng Kỳ còn được người Tây phương âm là Longky, nay thuộc vùng đất Sihanoukville). Ông mất (tuẫn tiết bằng cách uống vàng lá) ngày mồng 5 tháng 10 năm Canh Tý (1780) tại Vọng Các (Băng Cốc), thọ 75 tuổi. Về sau Mạc Thiên Tứ đổi tên là Mạc Thiên Tích có nghĩa là “của Trời cho” ứng với huyền sử khi sinh ra ông, nhưng thật ra chữ Thiên Tứ cũng có nghĩa là “Trời cho”. Mạc Thiên Tứ hiệu là Sĩ Lân, bút hiệu ký là Sĩ Lân Thị”.

 

Phía sau đền thờ Mạc Cửu là lăng mộ nhà họ Mạc, trên núi Bình San, được gọi là núi Lăng. Núi Lăng, trong Gia Định thành thông chí, Trịnh Hoài Đức cho biết: “Bình Sơn (núi Bình) ở về phía tây của trấn lỵ độ 1 dặm, cao hơn 5 trượng, các ngọn chồng chất, khoanh cuộn nối góc bể. Thế núi chon von, vòng quanh làm bình phong mặt sau cho trấn. Ngoài có suối sâu chảy bao quanh về hướng nam rồi đổ ra biển. Phía bắc giáp Mương Sâu nối 1iền với suối Bạch Tháp rồi chảy ra Đông Hồ, làm hào của trấn thành. Bình San (sơn) điệp thúy (núi Bình trùng biếc) là một trong mười cảnh đẹp ở Hà Tiên”.

 

Con đường từ đền thờ họ Mạc lên núi khá thoai thoải, với bậc cấp bằng đá xanh, đi xuyên qua những “rừng” cây bạch mai sản sinh từ cây mẹ đem từ Quảng Tây (Trung Quốc) sang trồng vào năm 1720. “Bạch mai mới thực là thơm đẹp lạ thường. Người ta dùng bạch mai phơi khô để ướp trà. Mầu hoa trắng như tuyết, nhị vàng hoa trông tương tự như hoa mù u, cho đến nhánh lá đều giống. Hoa mù u cũng nhị vàng cánh trắng, nhưng thiếu vẻ tinh thần, là không có cái u hương thanh vị bằng hoa mai” (*).

 

 

 

Lăng mộ Mạc Cửu.

 

Hằng năm, vào những ngày tết Nguyên đán, mai nở trắng cành, tỏa hương thơm ngát. Trên núi có quần thể lăng mộ dòng họ Mạc do Mạc Thiên Tứ lập từ năm 1735 đến 1739, với phần mộ Mạc Cửu, các vị phu nhân, con cháu và tướng lĩnh họ Mạc. Ở đây có cổng đền thờ, với hai câu đối: “Nhất môn trung nghĩa gia thinh trọng / Thất diệp phiên hàn quốc lũng vinh” (dịch nghĩa: Một nhà trung nghĩa danh thơm cả họ / Bảy lá giậu che, cả nước mến yêu), do vua nhà Nguyễn ban tặng.

 

Lăng Mạc Cửu là một cảnh đẹp của Hà Tiên, thu hút nhiều khách tham quan. Đến đây, ai cũng hoài tưởng đến Mạc Thiên Tứ, người “chiêu tập các nhà văn học tài nghệ, do đó văn nhân tỉnh Phúc Kiến (...), văn nhân tỉnh Quảng Đông (...); người phủ Gia Định (...); đạo sĩ tỉnh Phúc Kiến (...) nối gót nhau đến. Mạc Thiên Tích lập ra Chiêu Anh Các, mua sắm sách vở, thường ngày ông cùng các nhà Nho luận bàn kinh sách, lại có thơ vịnh thập cảnh ở Hà Tiên, được rất nhiều người hưởng ứng họa theo, từ đó văn phong mới nổi tiếng cả một dọi biển”. (Trịnh Hoài Đức, Gia Định thành thông chí).

 

Ngày 7-9-2008, kỷ niệm 300 năm thành lập Hà Tiên, ghi nhớ công lao Mạc Cửu, tỉnh Kiên Giang đã long trọng tổ chức lễ khánh thành tượng đài Mạc Cửu tại công viên Mũi Tàu, phường Tô Châu, thị xã Hà Tiên. Tượng Mạc Cửu bằng đá xanh cao 7 mét, trên bệ cao 3 mét, được khởi công ngày 11-8-2007, uy nghi bên núi Tô Châu và cầu Tô Châu.