Độc đáo kiến trúc nhà trình tường của đồng bào dân tộc miền núi phía Bắc

16:10, 26/06/2013

Từ trên cao nhìn xuống, nằm giữa vùng núi đá và các đồi cỏ tranh, những căn nhà trình tường của đồng bào trông giống những cây nấm khổng lồ mọc bên sườn núi, giữa bạt ngàn hoa mơ, hoa mận, hoa đào của mùa Xuân, tạo nên một không gian rất đặc trưng, một nét văn hóa đặc sắc của bà con dân tộc vùng cao.

Những ai đã từng đến với vùng miền núi phía Bắc của Tổ quốc đều có thể cảm nhận những nét văn hóa độc đáo từ vùng đất này. Nếu bạn từng đến một số huyện vùng cao của tỉnh Lạng Sơn, Hà Giang, Lào Cai,… điều ấn tượng đầu tiên khi quan sát từ xa là những ngôi nhà trình tường rất độc đáo của đồng bào người Tày, người Mông, người Hà Nhì thấp thoáng trên những sườn đồi cao. Đó không phải là những ngôi nhà sàn thường thấy mà là những ngôi nhà tường được làm từ đất nện có kiến trúc rất độc đáo.

 

Việc sống trên các sườn núi cao với khí hậu lạnh khắc nghiệt đã ảnh hưởng sâu sắc đến kiến trúc nhà ở của một số dân tộc miền núi phía Bắc. Bên cạnh yếu tố môi trường, thì quan niệm sống, lối sống, phong tục tập quán của bà con dân tộc… đã làm hình thành nên nét độc đáo trong văn hóa kiến trúc của ngôi nhà trình tường. Nhà làm bằng đất, lợp bằng ngói hoặc tranh với ưu điểm vừa giữ ấm về mùa đông, mát mẻ trong mùa hè và lại có thể chống được kẻ gian, thú dữ. Điều đặc biệt ở những ngôi nhà trình tường này là lớp tường đất nện rất dầy và không có bất cứ cái cột hoặc cọc nào bên trong nhưng vẫn tạo được sự chắc chắn cho những ngôi nhà. Kỹ thuật làm nhà trình tường của đồng bào Tày, Mông, Hà Nhì đều có những nét tương đồng và khâu quan trọng là việc chọn loại đất phải có độ kết dính rất cao - thường là loại đất sét ven suối. Tuy nhiên, ở mỗi dân tộc có sự khác biệt trong quan niệm về xây nhà trình tường cũng như cách bố trí, sắp đặt trong ngôi nhà của mình.

 

Độc đáo nhà trình tường của người Mông ở Hà Giang 

 

Hà Giang - mảnh đất biên giới cực Bắc của Tổ quốc, nơi có Cột cờ Lũng Cú hiên ngang và Cao nguyên đá Đồng Văn với những dãy núi đá tai mèo trập trùng - còn lưu giữ văn hóa truyền thống phong phú, đậm đà bản sắc của đồng bào 22 dân tộc.

 

Người Mông chiếm phần đông nhất trong số các dân tộc làm ăn sinh sống từ bao đời nay trên vùng cao nguyên này. Nhà trình tường của người Mông nơi đây độc đáo trong kiến trúc và tương đối thống nhất theo một khuôn mẫu, dù to hay nhỏ đều phải có ba gian hai cửa, gồm một cửa chính, một cửa phụ và tối thiểu là hai cửa sổ. Ngôi nhà có thể có một hoặc hai chái nhà, nhưng đều không liên quan trực tiếp đến ba gian nhà chính. Ba gian nhà chính được sắp xếp như sau: Gian bên trái dùng để đặt bếp nấu nướng và buồng ngủ của vợ chồng gia chủ; gian bên phải dùng để đặt bếp sưởi và giường khách; gian giữa thường rộng hơn hai gian bên và là gian để bàn thờ tổ tiên, đồng thời cũng là nơi tiếp khách, ăn uống của gia đình. Ngoài ra, sàn gác còn có thể làm nơi ngủ mỗi khi nhà đông khách. Điều đặc biệt là đàn bà, con gái không được phép ngủ trên gác. Bởi thế, kể cả khi cha mẹ chồng, con trai trong nhà đi vắng thì con dâu cũng không được lên gác; nếu muốn lấy vật gì trên gác cũng không được trèo thẳng lên mà chỉ được phép đứng ở bậc thang rồi lấy que khều. 

 

Trong văn hóa truyền thống của dân tộc Mông ở Hà Giang, các ngôi nhà không được dính sát vào nhau, kể cả anh em ruột thịt. Người Mông quan niệm khi làm ma cho người chết, người ta có tục lệ thổi khèn, kèn, tù và, vác nỏ đi vòng quanh nhà ba lượt đi, năm lượt về (đối với nam giới), năm lượt đi và bảy lượt về (đối với nữ giới) để xua đuổi các loại ma đói, ma yểu khỏi về quấy rầy người chết. Chính vì vậy, người Mông cho rằng nếu làm nhà dính vào nhau, khi nhà có tang sẽ không tiến hành được nghi lễ trên thì coi như đám ma ấy không làm đúng luật lệ tổ tiên đã quy định, không đảm bảo cho người chết được yên ổn trong cõi vĩnh hằng.

 

Đồng bào dân tộc Mông rất chú trọng việc chọn đất làm nhà. Sau khi chọn được đất tốt, đất lành, người ta tiến hành san nền, kê móng, trình tường nhà. Công việc trình tường nhà được tiến hành khá công phu với một số quy định, như người lạ không được vào khu vực nhà đang trình tường, nhất là phụ nữ… Để trình tường nhà, người ta làm những chiếc khuôn gỗ có chiều dài 1,5m, rộng 0,45-0,5m. Đất dùng để trình tường phải được loại bỏ sạch rễ cây, đá to, cỏ rác. Khi tiến hành trình tường, thường huy động vài chục thanh niên trai tráng trong làng đến giúp. Người ta đổ đất đầy khuôn gỗ, dùng những chiếc vồ nện chặt đất, cứ như vậy khuôn nọ nối tiếp khuôn kia cho đến khi hoàn thành. 

 

Sau khi trình tường xong, gia chủ sẽ tiến hành chọn ngày tốt, hợp với tuổi chủ nhà mới được vào rừng chặt hạ cây cột cái, cây đòn nóc. Trước khi chặt cây phải thắp ba nén hương; tiếp đó, cắm ba tờ giấy bản vào gốc cây khấn thần rừng, thần cây cho xin cây gỗ về làm nhà. Họ quan niệm rằng làm như thế thần cây, thần rừng không quở mắng và nhà cửa mới yên vui, mọi người khỏe mạnh, ăn nên làm ra, gia đình hạnh phúc. Chọn được ngày chặt cây, cây cột cái được gia chủ chặt xong đem thẳng từ rừng về, không được đặt xuống đất mà phải đưa lên nóc ngay. Người Mông coi hai cây cột cái ở gian giữa là cột chủ đạo trong nhà, thể hiện sự ngay thẳng, cứng cáp, vững vàng của chủ nhà, nên phải là một cây rừng không bị sâu, thối, cụt ngọn. Hai cây cột này còn có một vị trí rất quan trọng trong đời sống tâm linh của người Mông. 

 

Cửa chính ra vào nhà của người Mông cũng phải chọn gỗ tốt để làm. Cửa bao giờ cũng được mở vào phía trong. Cửa không cài bằng then sắt mà phải cài bằng then gỗ. Người Mông quan niệm không sử dụng bản lề, then cửa bằng sắt là vì cửa mở ra đóng vào được xem là lòng bụng con người, nếu dùng các vật dụng bằng sắt thì sẽ lạnh, nên tất cả các ngôi nhà của người Mông luôn sử dụng sự mềm mại của cây rừng. 

 

Một nét độc đáo nữa trong cấu trúc nhà truyền thống của người Mông là tất cả các ngôi nhà thường được xếp đá xung quanh vô cùng chắc chắn. Để có được hàng rào đá hoàn chỉnh bao quanh ngôi nhà và mảnh đất rộng chừng 200-300m2, gia chủ cùng với người thân phải mất hàng tháng trời nhặt những mảnh đá vỡ quanh nhà về xếp thành hàng rào đá. Những viên đá có kích cỡ khác nhau với nhiều góc cạnh được xếp lèn vào nhau, tạo nên bức tường bao kiên cố, phẳng mà không cần sử dụng chất kết dính nào. Chiếc cổng gỗ có mái và dán giấy đỏ xen giữa bờ rào đá trước nhà, được người Mông trang điểm tạo nên vẻ ấm cúng giữa cái lạnh mùa đông ở Cao nguyên đá. Người Mông làm nhà dựa lưng vào núi; mỗi bản thường có từ vài ba nóc nhà trở lên, có bản chỉ có một dòng họ hoặc nhiều dòng họ chung sống quây quần bên nhau trên một sườn núi. 

 

Lên Sa Pa ngắm nhà trình tường của người Hà Nhì 

 

Nếu đã lên Sa Pa – Lào Cai, một điểm du lịch đáng để bạn ghé thăm là vùng đồng bào người Hà Nhì ở xã Y Tý, huyện Bát Xát. Nơi đây cũng có những ngôi nhà được làm theo kiểu trình tường bằng đất với hai vòng trong và ngoài. Tường nhà thường đắp dày 40-45cm, cao khoảng 4,5-5m, trong lõi có xếp đá cục bằng nắm tay. Mỗi ngôi nhà rộng 65-80m2, có mái dốc ngắn, bốn mái lợp cỏ tranh, không có hiên. Ở giữa ngôi nhà có một cửa ra vào và một hoặc hai cửa thông gió ở bên trái hoặc bên phải của lối đi. Bên trong có lần cửa thứ hai cũng dày như tường ngoài. Sau lần cửa này là bếp và giường ngủ của chủ gia đình. 

 

Cách làm nhà trình tường của đồng bào Hà Nhì rất đặc biệt. Trước khi làm nhà trình tường, các gia đình xem ngày giờ tốt, chọn miếng đất lành bằng phẳng, rồi mổ gà nấu xôi cúng tế. Bà con chọn loại đất núi có độ kết dính cao. Trước đó là chọn loại đá núi bằng phẳng đem về đặt móng nhà. Móng được đặt ngay trên mặt đất bằng mà không phải đào sâu xuống đất, sau đó chọn ván khuôn đặt xuống nẹp lại cho chắc như đổ bê tông. Đưa đất đã chọn đổ vào khuôn gỗ ván, rồi cầm chày gỗ giã đến khi nào đất kết dính chắc lại với nhau. Hết lượt tầng thứ nhất đến lượt tầng thứ 2, thứ 3, mỗi lượt tầng ván khuôn cao cỡ 40 cm. Thường mỗi ngôi nhà làm cao 5-6 lượt tầng ván khuôn là đủ. Trình xong tường chung quanh, đồng bào lấy gỗ kháo, pơ mu hoặc dổi làm khung nhà bên trong tường. 

 

Những ngôi nhà trình tường này được làm từ đất nện nên độ ẩm rất cao, dễ gây ẩm mốc, do vậy đồng bào Mông, Tày, Hà Nhì rất chú ý sắp đặt những khu bếp trong nhà để tạo sự khô thoáng, tránh ẩm mốc. Việc sắp đặt vị trí những khu bếp này cũng tuỳ theo quan niệm của đồng bào. 

 

Trải qua bao đời sinh sống bên những sườn núi, những ngôi nhà của người Tày tại Lạng Sơn, người Hà Nhì ở Lào Cai, người Mông ở Hà Giang vẫn giữ nguyên vẻ đẹp cổ xưa, ẩn chứa bên trong những phong tục tập quán, những nét đẹp văn hóa xa xưa không bị thời gian bào mòn, hấp dẫn du khách đến tìm hiểu.