Thăm Phủ Trịnh

17:27, 15/09/2013

Thanh Hóa có nhiều di tích lịch sử : Thành Lam Kinh, Thành Nhà Hồ... Tuy nhiên, miền đất hai vua ấy hình thành chế độ "Vua Lê - Chúa Trịnh" nên Phủ Trịnh, nơi thờ các vị chúa Trịnh đã tồn tại đến 243 năm là địa chỉ thu hút lượng khách tham quan đáng kể.

Theo Quốc lộ 1A, tấm bảng nhỏ đơn sơ ghi: Phủ Trịnh - cách 17 km, chúng tôi ghé lại thăm nơi thờ 13 vị chúa Trịnh. Đường đi qua một cái cầu bắc qua sông Mã. Rồi theo bảng chỉ, chúng tôi rẽ vào một con đường làng, người dân biết chúng tôi đi thăm "Phủ Trịnh" nên nhiệt tình đứng lại chỉ đường. Phủ Trịnh không phải là một nơi rộng lớn, hoành tráng hay tấp nập du khách. Vài giọt nắng trong buổi chiều tà đong đưa trên tán cây cổ thụ lớn  trước Phủ, soi xuống một ao cá ngập bèo hoa dâu...

Phủ Trịnh  nằm ở xã Vĩnh Hùng, Huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa. Ngày xưa khu vực này rất rộng, chia làm nhiều khu vực, là nơi các Chúa ở, làm việc. Trải qua bao biến cố thăng trầm của lịch sử, Phủ Trịnh giờ đây chỉ còn lại một khu đất nhỏ, bao quanh là các loại cây cảnh. Con đường vào Phủ lót gạch vuông vức, hai bên là hàng rào cây xanh cắt lá gọn. Có một  cái am nhỏ để đốt hương phía phải, phía trái là tấm bảng thiết kế quy hoạch Phủ Trịnh.

Trên nền gạch khá rộng, những cây hoa sứ già vào mùa rụng lá, hình ảnh vẫn thường thấy ở các đền thờ miền Bắc. Giữa sân còn lại hai con rùa đá quỳ chầu hai phía. Một tấm bia đá cao chắn ngay lối vào. Nghe nói tấm bia có từ thời các chúa Trịnh, nhưng vì gặp biến nên chưa kịp khắc chữ. Trong căn nhà bên cạnh Phủ, một người đàn ông chừng 70 tuổi, là hậu duệ họ Trịnh đang ngồi uống trà.


Tượng Triết Vương Trịnh Tùng

Khi nghe chúng tôi gợi ý muốn vào Phủ thăm nơi thờ các Chúa, ông vào trong nhà lấy một chiếc áo lam khoác vào... Nơi thờ các vị chúa là một ngôi nhà ngói cổ 7 gian. Trên nóc  có hai con rồng chầu  ngọc, hai bên có hai trụ với hai câu đối bằng chữ Hán.  Những tấm màn che phủ được vén ra, tượng các vị chúa Trịnh sơn son thiếp vàng, trải bao năm màu sơn vẫn còn rực rỡ. Ngay trung tâm Phủ là  tấm biển đề bốn chữ Hán "Tiên tổ thị vương", bao quanh là những câu đối.

Đập vào mắt du khách là bức tượng lớn, uy nghi của Triết Vương Trịnh Tùng, là con thứ của Trịnh Kiểm đặt ngay trung tâm Phủ. Ông là vị Chúa Trịnh đầu tiên, bởi trước đó, Trịnh Kiểm là cha ông chỉ mới được phong tước công, Thụy hiệu Thái Vương của Trịnh Kiểm là do đời sau đặt. Phải đến thời Trịnh Tùng trở đi, họ Trịnh mới nhận tước vương, nắm trọn quyền trong triều. Dọc hai bên trái và phải của tượng Trịnh Tùng là các tượng Chúa Trịnh khác, tượng nào cũng đều ngồi trên ngai vàng, áo mão sang trọng, duy tư thế ngồi là khác nhau.

Tượng làm bằng đất  nhưng sơn phủ bên ngoài rất đẹp và được bảo quản tốt. Riêng Triết Vương Trịnh Tùng thì ngồi cao hơn, tay trái cầm quạt, tay phải cầm một chiếu thư.  Sự trịnh trọng và tôn kính bậc tiền nhân rất rõ khi chúng tôi thắp nén hương, người giữ Phủ  gióng trống lên. Một lát sau, rất nhiều người thuộc con cháu họ Trịnh ở quanh đó đã ăn mặc chỉnh tề, tới Phủ Trịnh tay bắt mặt mừng du khách. Và tất nhiên, cuộc chuyện trò bên chén trà rất vui.

Trên con đường vào Phủ Trịnh, khi qua sông Mã một đoạn, chúng tôi được giới thiệu một khu đất rộng, đó là khu vực xây dựng Lăng Triết Vương Trịnh Tùng. Khu di tích Phủ Trịnh và Lăng Triết Vương Trịnh Tùng đã được Nhà nước công nhận là di tích lịch sử văn hóa quốc gia. Vào năm 1980 mới phát lộ ra lăng mộ Trịnh Tùng nằm ở giữa cánh đồng tại xã Vĩnh Hùng, Vĩnh Lộc, Thanh Hóa. Lăng mộ nằm trơ trọi giữa đồng không mông quạnh, ẩm ướt suốt bốn mùa. Muốn vào thắp hương phải đi qua bờ ruộng dài. Hiện Việc bảo tồn tôn tạo Khu lăng mộ Triết Vương Trịnh Tùng do Sở VH-TT&DL tỉnh Thanh Hóa làm chủ đầu tư, với tổng mức đầu tư phê duyệt gần 13 tỷ đồng...

... Thắp nén hương thơm, tôi dâng lên bệ thờ Trịnh Kiểm, vị Chúa đứng đầu dòng tộc, rồi ngưỡng mộ pho tượng hồi lâu để lần vào trang sử xa xưa. Ngài Trịnh Kiểm đã cùng Nguyễn Kim nằm gai, nếm mật cùng xây đắp bờ cõi mở mang đất nước và các vị danh tướng ngồi đây, mỗi vị một ánh hào quang thời Trịnh- Mạc...