Phố cổ Hội An: Nơi thời gian dừng lại

17:35, 19/10/2013

Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, Hội An - dải lụa đào xinh đẹp của mảnh đất Quảng Nam “địa linh nhân kiệt”, với sự bảo tồn gần như nguyên vẹn những đường lối kiến trúc và nếp sống đô thị cổ xưa không chỉ tái hiện, mà đã trở thành một biểu tượng của quá khứ vẫn đang song hành cùng hiện tại.

Hội An đã lọt vào tốp đầu những thành phố hấp dẫn nhất châu Á, theo kết quả mới nhất do độc giả của tạp chí Conde Nast Traveler bình chọn. Sau khi lọt vào danh sách 10 điểm đến hàng đầu thế giới lần đầu tiên vào năm ngoái, Hội An giờ đây đã trở thành thành phố du lịch được yêu thích thứ hai ở châu Á, chỉ xếp sau Kyoto (Nhật Bản).

 

Được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới vào năm 1999, Phố cổ Hội An đã chứng tỏ một sức sống mãnh liệt của những giá trị cũ xưa cùng năm tháng. Với hơn 1.390 di tích cùng tồn tại giữa muôn vàn công trình kiến trúc hiện đại, Hội An nổi lên như một nốt lặng mộc mạc nối liền những nốt nhạc văn hóa thế giới. Ở đây, người dân và du khách mãi thụ hưởng sự hòa quyện không gian châu Á các thế kỷ XVI, XVII và XIII.

 

Giờ đây, du khách tới Hội An, ngoài việc khám phá sự bình dị chân thật trong tâm hồn người dân phố Hội, sẽ còn được chiêm ngưỡng vẻ đẹp cổ kính và tĩnh lặng của các mái ngói phủ rêu xanh mướt và nét chạm trổ tinh vi trong những căn nhà gỗ đã tồn tại từ hơn ba trăm vòng quay xuân hạ thu đông. Bước chân vào khu phố cổ, du khách sẽ ngỡ ngàng trước một thế giới biệt lập, tách khỏi mọi dòng chảy và sức phá huỷ của thời gian. Không có tiếng động cơ gầm rú cũng chẳng có những thương hiệu rực rỡ đèn mầu. Tất cả đã lùi xa sau lưng, cả không gian và thời gian đều lắng đọng trong những nếp nhà gỗ cổ xưa. Cầu chùa, dẫy nhà cổ hai tầng quay lưng phía bến sông Hoài, Hội quán Quảng Ðông, Phúc Kiến... đang lặng lẽ tồn tại để con người hoài niệm về một thời quá khứ. Ðặc biệt, khu phố cổ mang một vẻ lãng mạn, sâu lắng và bình yên dưới ánh đèn lồng huyền ảo mỗi đêm 14 âm lịch hàng tháng.

 

Điều đặc biệt khiến cho Hội An được mệnh danh là ”bảo tàng sống”, vì từng con đường, từng ngôi chùa, ngôi nhà cổ đều không chỉ là hiện vật trưng bày thuần tuý; mà đang hợp thành một môi trường sống cho hàng nghìn người dân nơi đây. Mỗi ngày nhịp sống phố cổ vẫn đang diễn ra. Những phong tục tập quán, văn hóa đô thị cổ, những làng nghề truyền thống vẫn đang được bảo tồn và phát huy; một mặt tạo ra thu nhập cho người dân nơi đây, mặt khác lại trở thành nét đặc trưng, là động lực thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế. Nhờ vậy, trong thời gian qua doanh thu trong ngành thương mại - du lịch luôn tăng trưởng cao, chiếm tỷ trọng đa số trong cơ cấu kinh tế chung toàn thành phố.

 

Xác định loại hình du lịch Hội An là du lịch văn hóa, các lễ hội truyền thống lớn nhỏ được lãnh đạo thành phố tổ chức hầu như quanh năm. Đặc biệt, có một số hoạt động văn hóa đã trở thành sản phẩm du lịch độc đáo mang thương hiệu riêng của Hội An như: Lễ hội Hành trình Di sản, Lễ hội Giao lưu Văn hóa Việt Nam - Nhật Bản; nhất là việc tái hiện "Đêm Phố Cổ", “Phố không động cơ”,… đã khiến cho Hội An càng thêm trầm mặc và huyền ảo. Bức tranh Hội An vì thế lại càng trung thành với không gian văn hóa cổ cách đây hơn 3 thế kỷ.

 

Vẫn còn nhiều điều bí ẩn trong lòng Phố cổ Hội An đang chờ được khám phá. Với những thế mạnh và tiềm năng hiện có, thành phố vốn thành công trong việc xây dựng môi trường du lịch sẽ vẫn tiếp tục đi lên theo định hướng trở thành thành phố “Sinh thái – Văn hóa – Du lịch”. Ông Lê Văn Giảng - Chủ tịch UBND thành phố cho biết: “Vấn đề quan trọng là phải nhận thức những khó khăn, thách thức trong thời kỳ mới. Khai thác du lịch phải có hướng đi riêng trên nền tảng di sản truyền thống, lấy cái “tĩnh” để phát triển, phải xây dựng cho được và giữ vững thương hiệu đặc trưng, khác biệt, riêng có của Hội An”.

 

Với quan điểm phát triển du lịch đã được xác định rõ ràng, Hội An hôm nay và trong tương lai sẽ còn đi tới trên con đường tìm về với những giá trị cũ xưa đích thực, là chốn ngưng đọng thời gian trong không gian cổ kính chân thực đang được lấp đầy theo từng ngày. Khung cảnh và ánh sáng kỳ ảo trong khu phố cổ quyện với giọng ca bài chòi, hò khoan, giã gạo... vẳng lên từ con thuyền đậu dưới bến sông, dưới mái hiên, nơi đầu phố...luôn tạo ra sức cuốn hút kỳ lạ đối với du khách.