Nằm ở phía Tây Bắc của Tổ quốc, Sa Pa là một huyện vùng cao của tỉnh Lào Cai, cách 376 km từ Hà Nội - một vùng đất khiêm nhường, lặng lẽ nhưng ẩn chứa bao điều kỳ diệu của cảnh sắc thiên nhiên.
Đến Sa Pa, du khách không chỉ được ngắm mây vờn núi, ruộng bậc thang và những địa danh như: Cầu Mây, thác Bạc, đỉnh Phanxipang… mà nơi đây còn có nhiều bản , thôn, ấp đã được quy hoạch để đón khách du lịch. Và Cát Cát là một trong những điểm dừng chân được nhiều du khách trong và ngoài nước yêu thích trong thời gian gần đây.
Đến với bản Cát Cát, khách du lịch sẽ được tìm hiểu văn hóa người dân tộc gắn với thiên nhiên hoang sơ, đây là một địa chỉ thích hợp cho những khách du lịch đã mệt mỏi với đời sống đô thị
Bản làng Cát Cát được hình thành từ giữa thế kỷ 19, các hộ gia đình cư trú theo phương thức mật tập: dựa vào sườn núi và quây quần bên nhau, các nóc nhà cách nhau chừng vài chục mét. Ở bản Cát Cát có một thác nước rất đẹp mà theo tiếng Pháp là: CatScat. Do đó, từ đầu thế kỷ XX, người Pháp đã phát hiện và chọn nơi đây làm khu nghỉ dưỡng cho các quan chức. Cũng từ đó, bản của người dân tộc Mông nằm bên dòng thác có tên là bản Cát Cát cho đến ngày nay.
Người Mông ở bản Cát Cát sinh sống chủ yếu bằng nghề trồng lúa trên các ruộng bậc thang, các nghề truyền thống như dệt vải, chạm trổ bạc và rèn nông cụ. Hiện nay, do du lịch phát triển, một bộ phận người Mông ở Cát Cát đã chuyển hẳn sang làm dịch vụ du lịch. Nhiều người - đa số là người trẻ biết nói cả tiếng Anh, tiếng Pháp và đi làm hướng dẫn viên du lịch. Những người lớn tuổi thì làm nương, làm rẫy, làm nghề truyền thống
Một nét thú vị ở bản Cát Cát đó là nơi đây còn lưu giữ khá nhiều phong tục độc đáo mà các vùng khác không có hoặc không còn tồn tại nguyên gốc, chẳng hạn như tục kéo vợ. Khi người con trai quen biết và đem lòng yêu một cô gái, anh ta sẽ tổ chức làm cỗ mời bạn bè và nhờ các bạn lập kế hoạch “kéo” cô gái về nhà một cách bất ngờ, giữ cô trong ba ngày. Sau đó, nếu cô gái đồng ý làm vợ thì chàng trai sẽ tiến hành lễ cưới chính thức. Còn không thì họ cùng nhau uống bát rượu kết bạn và mọi việc trở lại bình thường như chưa có điều gì xảy ra.
Bên cạnh phong tục độc đáo, người dân bản Cát Cát còn lưu giữ khá nhiều nghề thủ công truyền thống như: trồng bông, lanh và dệt vải. Qua những khung dệt này, người Mông đã tạo nên những tấm thổ cẩm nhiều màu sắc và hoa văn: hoa văn mô phỏng cây, lá, hoa và muông thú, hoa văn góc cạnh... Gắn liền với công đoạn dệt vải bông, vải lanh là khâu nhuộm vải và in thêu hoa văn, phổ biến là kỹ thuật nhuộm chàm, nhuộm nước tro thảo mộc và cây lá rừng. Vải nhuộm xong được đánh bóng bằng cách lăn vải với khúc gỗ tròn trên phiến đá phẳng có bôi sáp ong. Ở làng Cát Cát, nghề chế tác đồ trang sức bằng bạc hay bằng đồng, nhôm là một trong những nghề thủ công truyền thống đã có từ lâu đời và đã tạo ra được những sản phẩm khá tinh xảo.
Kiến trúc nhà của người Mông ở bản Cát Cát có nhiều nét cổ kính: nhà ba gian lợp ván gỗ pơmu. Bộ khung nhà có vì kèo ba cột ngang. Các cột đều được kê trên phiến đá tròn hoặc vuông. Vách được lợp bằng gỗ xẻ, có 3 cửa ra vào: cửa chính ở gian giữa, 2 cửa phụ ở hai đầu nhà. Cửa chính luôn được đóng kín, chỉ mở khi có việc lớn như đám cưới, tang ma, cúng ma vào dịp lễ Tết. Trong nhà có không gian thờ, sàn gác lương thực dự trữ, nơi ngủ, bếp và nơi tiếp khách.
Nếu có nhiều thời gian ở lại bản Cát Cát, du khách sẽ có dịp khám phá và tìm hiểu về các món ăn độc đáo của dân tộc Mông. Người Mông ở Cát Cát có rất nhiều món ăn với cách chế biến phong phú độc đáo: rượu ngô Mông, thắng cố, thịt hun khói "khăng gai", tiết canh gà, nhái nấu măng, bánh ngô, món đậu xị...