Độc đáo bánh trứng kiến của người Tày

10:58, 07/04/2014

Bánh trứng kiến là món ăn đặc sắc không thể thiếu trong những dịp lễ, Tết của dân tộc Tày. Đặc biệt vào ngày Tết Hàn Thực (3/3 âm lịch), gia đình người Tày nào cũng có bánh trứng kiến.

Bánh trứng kiến (tiếng Tày gọi là "pẻng rày") được làm từ bột nếp, trứng kiến cùng lá non của cây vả. Chị Nông Thị Thỏa ở xã Đôn Phong, huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn cho biết: Cứ vào dịp tháng 3, tháng 4 (âm lịch) hàng năm, bà con dân tộc Tày lại vào rừng để tìm trứng kiến mang về làm bánh. Không phải loại kiến nào cũng có thể lấy trứng để ăn được, chỉ lấy trứng của loại kiến đen mà người Tày thường gọi là "tua rày" có thân nhỏ, đuôi nhọn.

 

Loại kiến này đi lại khá nhanh và thường làm tổ trên cây vầu, cây găng, xau xau, cây xoan…. Tổ của chúng màu đen, hình tròn hoặc hình bầu dục được làm từ lá cây mục và kết chặt vào cành cây. Một tổ kiến to có thể lấy được vài ba chén trứng. Có khi đi cả ngày cũng chỉ kiếm được mấy lạng trứng kiến.

 

Để làm được bánh trứng kiến cũng khá công phu và cầu kỳ. Theo kinh nghiệm của dân đi lấy trứng kiến, thường thì mỗi cây kiến chỉ làm một tổ, thỉnh thoảng mới có cây được 2-3 tổ. Tổ kiến được chọn để "hái" thông thường to bằng một quả bưởi.

 

Khi hái tổ, chỉ cần một con dao rựa được mài thật sắc rồi chọn chỗ đứng cách tổ kiến khoảng một sải tay, dùng dao chém một nhát thật ngọt, tổ kiến rơi xuống đất, lúc đó người ở dưới đất nhanh tay nhặt ngay cái tổ kiến vừa rơi đang rất nhiều kiến bu đặc cho vào cái mẹt bưng chạy ra xa, sau đó cầm cây gõ nhẹ cho kiến chạy hết không kịp ôm trứng, cứ gõ như vậy đến khi tổ kiến vỡ toang để lộ vô số hạt trứng kiến tròn mẩy trắng hồng to bằng hạt gạo nếp.

 

Hạt trứng kiến được nhặt, sẩy cẩn thận cho hết vỏ kiến. Sau đó được cho lên bếp lửa rang kỹ với mỡ, hành, thịt lợn băm nhỏ cho đến khi chuyển màu vàng sậm thơm lừng thì bắc xuống để nguội.

 

Gạo nếp có pha một ít gạo tẻ để bột đỡ dẻo. Xay bột thật mịn, thêm nước đảo nhuyễn với độ mềm vừa phải. Sau khi bột ráo nước, đem trộn nhào với bột canh, mỳ chính. Một thứ nguyên liệu không thể thiếu khi làm món bánh trứng kiến là lá cây vả, người Tày gọi là bâu nỏa, mọc hoang trong rừng, lá to bằng lá khoai môn. Chị Thỏa cho biết: Khi làm bánh phải chọn loại cây lá nhỏ sẽ thơm và mềm hơn loại to. Chọn lá làm bánh phải chọn lá bánh tẻ, không quá non cũng không quá già. Vì nếu lá non quá khi hấp bánh chín thì lá nát không cầm được bánh, còn nếu lá già quá thì bánh ăn dai không còn vị thơm của lá.

 

Sau khi đã chuẩn bị xong nguyên liệu, đặt lá vả vào mẹt tre thưa làm áo bánh, sau đó dát mỏng bột vừa phải, dày cỡ nửa phân. Tiếp đến là cho trứng kiến đã rang với hành, thịt lợn băm nhỏ, có thể trộn thêm vừng rang giã nhỏ. Rải đều trên mặt miếng bột, rồi cho tiếp bột nếp, lá vả thêm lần nữa, ép nhẹ nhàng cho mặt bánh phẳng đều, hấp cách thủy khoảng 30 - 40 phút là bánh chín.

 

Bánh trứng kiến ăn dẻo, thơm mùi lá vả, béo và ngậy vị trứng kiến. Khi ăn cũng không bóc tách lá vả đi, mà lá vả cũng trở thành một thứ hương vị riêng độc đáo. Một chiếc bánh trứng kiến ngon có các vị béo ngậy của trứng kiến, vị thơm của hành, vị bùi của lá vả. Tuy vậy, đây là một loại bánh rất khó ăn, nên có một số người sẽ bị dị ứng nhẹ nếu không quen. Ngoài làm bánh, trứng kiến còn có thể đồ xôi, rang với hành, mỡ, rán trứng…cũng rất ngon.

 

Bà Hoàng Thị Nga ở phường Đức Xuân, thị xã Bắc Kạn cho biết: Bánh trứng kiến là một món ăn độc đáo không chỉ của người Tày, mà giờ đã trở nên thân thuộc với mọi người vào mỗi dịp lễ Tết. Dịp Tết 3/3 (âm lịch) là ngày Tết tảo mộ hay còn gọi là ngày mở cửa mồ, người Tày, Nùng thường làm các loại bánh như bánh trứng kiến, bánh củ chuối, bánh lá ngải… để cúng tổ tiên và bán ngoài chợ. Để thưởng thức bánh trứng kiến thì đây là dịp tốt nhất, đi khắp các chợ đều bắt gặp những hàng bán bánh trứng kiến còn nghi ngút khói, dậy mùi thơm ngậy.

 

Khi được thưởng thức bánh trứng kiến, người ta mới cảm nhận hương vị đặc biệt của núi rừng trong những ngày Tết của người Tày, Nùng. Đó là món ăn độc đáo, lạ miệng, vừa béo ngậy mùi trứng kiến mà không ngán, lại giữ được bản sắc văn hóa món ăn cổ truyền của dân tộc.