Từ bao đời nay, những sản phẩm của nghề “gõ búc, đúc bạc” đã tồn tại nằm lòng cùng với đời sống của đồng bào Dao Tiền (xã Thái Học, huyện Nguyên Bình, Cao Bằng) là nhờ những thủ pháp kỹ thuật và nghệ thuật tinh xảo bậc nhất.
Mỗi thiếu nữ Dao Tiền khi kết hôn đều được bố mẹ sắm cho 1 bộ trang sức hồi môn bằng bạc gồm vòng cổ, xà tích, vòng tai, lắc tay, nhẫn, cúc bạc...
Những nghệ nhân cao tuổi trong các bản bảo rằng, nghề chạm bạc được duy trì không qua các lớp đào tạo, bồi dưỡng mà truyền nghề bằng kinh nghiệm, cha truyền lại cho con, ông truyền lại cho cháu và coi nó như “bảo vật” gia truyền của dòng tộc, cộng đồng.
Khác với nhiều nghề thủ công truyền thống của các dân tộc khác, nghề chạm bạc thường dùng những dụng cụ khá đơn giản như: Bễ thổi, kéo cắt, kìm vặn, panh gắp, búa đập, dao chạm, bàn kéo sợi, đe gỗ, đe sắt, nồi đun. Trước đây, để gia công nhiệt trong quá trình chạm, người ta thường dùng dầu tẩm vào giẻ rồi cho vào ống vầu, ống trúc, sau đó đốt lửa, dùng miệng thổi.
Hiện nay, công đoạn làm nhiệt thường được các nghệ nhân đốt lò, kéo bễ. Để có được một sản phẩm tinh xảo, nghề chạm bạc phải tuân thủ theo một quy trình trên 60 năm làm nghề, mỗi lần chạm tay vào bạc là một lần cho cụ cảm hứng để sáng tạo, nghiêm ngặt bắt đầu từ khâu chọn nguyên liệu, nhiên liệu. Nguyên liệu làm nghề chủ yếu từ bạc vụn (bạc trắng), bạc thỏi được mua về từ các nơi hoặc bạc của bà con chủ động mang đến đặt làm trang sức. Than củi làm nhiệt cũng phải chọn các loại than đốt từ gỗ tốt như cây nghiến hoặc táu trong rừng.
Quá trình chạm bạc bắt đầu bằng thao tác cho bạc vào nồi, đem lên lò đun chảy, sau đó đổ vào máng nhỏ dài khoảng 30cm, rộng 4cm, chờ cho bạc nguội thì tiến hành công đoạn chạm. Tuỳ theo từng loại sản phẩm mà dùng các kỹ thuật khác nhau để chạm, như chạm vòng cổ, chạm vòng tay, hoa tai, chạm hoa bạc, cúc bạc.
Theo đánh giá của các nhà nghiên cứu dân gian thì họa tiết chạm bạc của đồng bào Dao Tiền khác hẳn và nổi trội hơn so với trang sức bằng bạc của các dân tộc khác ở các kiểu thức lạ về hình khối, dáng vẻ sản phẩm, ở các phương án trang trí mô tuýp hoa văn tinh vi mà cân đối, ở thủ pháp xử lý sáng - tối nhờ tận dụng đặc tính phản quang của chất liệu bạc.
Đối với các sản phẩm có kích thước nhỏ, nhiều hoạ tiết, hoa văn hình chìm, hình nổi tinh xảo, đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mỉ và nhẫn nại của nguời thợ. Hoa văn chạm trên các sản phẩm chủ yếu là các hình: hoa hướng dương, chiếc lá, mặt trời, sao 8 cánh...
Trong đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào Dao Tiền, những vật trang sức bằng bạc không chỉ là vật bất ly thân của người phụ nữ để làm đẹp mà nó còn mang giá trị nhân văn, tín ngưỡng./.