Quần thể những di tích kiến trúc, văn hóa in đậm dấu ấn một làng Việt cổ, gắn với nhiều phong tục, tập quán, nếp sống người xưa còn được lưu giữ, đã tạo nên nét độc đáo của làng Thượng Hội, xã Tân Hội, huyện Đan Phượng, Hà Nội.
Hình ảnh cây đa, giếng nước, sân đình vốn là nét đặc trưng kiến trúc nông thôn Việt Nam. Trong cơn lốc đô thị hóa, giếng nước không còn phù hợp với nhu cầu sinh hoạt của người dân, nên ý thức gìn giữ giếng làng phần nào đã mai một. Tuy vậy, ở làng Thượng Hội có 3 giếng cổ vẫn được bảo tồn, cùng với đó, làng hiện còn lưu giữ một quần thể công trình kiến trúc cổ có giá trị kiến trúc, nghệ thuật cao.
Nổi bật trong các di tích ở Thượng Hội là ba giếng cổ, chúng nằm lần lượt ở đầu làng, giữa làng và cuối làng. Giếng Vuông đầu làng được xây dựng theo hình vuông, dân làng quan niệm giếng tượng trưng cho đất mẹ nuôi dưỡng con người. Giữa làng là giếng Tròn hình mặt trời ngày ngày tỏa chiếu ánh dương, hòa khí âm dương giúp con người hạnh phúc. Ở cuối làng là giếng Bầu dục, dân làng coi đây là tấm gương lớn, người làng trước khi ra hoặc về làng thường soi mình vào đây. Giếng Bầu dục được xây gạch vững chắc, có bậc lên xuống gánh nước, tường xây gạch bao, có bệ thờ thần giếng…Hiện các giếng làng Thượng Hội được bảo tồn, tôn tạo điều đó không chỉ làm đẹp cho làng quê mà còn góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của người dân, tạo động lực cho địa phương xây dựng nông thôn mới.
Theo các cụ cao niên xã Tân Hội, cổng chính làng Thượng Hội từng được vua Tự Đức phong tước hiệu "Mỹ tục khả phong". Từ xa xưa làng có 4 cổng, 3 giếng cổ, đến nay chỉ còn 2 cổng làng, nhưng 3 giếng cổ thì vẫn còn được lưu giữ đến nay.
Cổng Trung nằm giữa làng Thượng Hội, cổng này do 4 thôn góp tiền xây dựng sử dụng chung, vì vậy cổng được xây to đẹp hơn cổng chính, trên cổng hiện còn 4 chữ "Lễ Nghĩa Đại Nhàn".
Giếng Vuông (giếng Chùa) nằm sát cổng làng và trước chùa Thiện Linh, đây là giếng cổ rộng nhất làng hơn 700 m2.
Giếng Tròn nằm ở giữa làng xây bằng gạch, có diện tích khoảng 200 m2. Gần đây bờ giếng bị sạt lở, dân làng đã góp tiền mua đá kè quanh giếng. Do dự án mở rộng đường làng nên một phần của giếng đã bị lấp hiện giếng có hình bán nguyệt.
Giếng Bầu Dục, còn gọi là giếng Soi, nằm sát cổng hậu làng, giếng rộng khoảng 360 m2, sâu khoảng 3m, đây là giếng cổ nhất trong 3 giếng ở Thượng Hội...
... dân làng còn gọi đây là “giếng gương thần”, với quan niệm, khi đi và về tới làng, soi mình xuống giếng sẽ thấy lòng khoan khoái, thanh thản.
Trong suốt chiều dài lịch sử của làng, với những biến động không ngừng của thời cuộc, nhưng Thượng Hội vẫn lưu giữ một quần thể những ngôi nhà cổ hết sức độc đáo...
Khuôn viên làng còn lưu giữ hàng chục chiếc cổng cổ hàng trăm năm tuổi.
Những nét thân quen, bình dị của một làng quê vùng Bắc bộ vẫn hiện hữu nơi đây.
Những khát vọng, những ý tưởng của người Thượng Hội trong cuộc sống xưa, được thể hiện sống động qua các nét chạm khắc tinh tế trên cổng nhà, cột, kèo, tường cổ…
... với nhiều ý nghĩa, ngôi nhà cổ rất đáng được gìn giữ để truyền lại cho con cháu đời sau.
Tất cả các giá trị vật thể, phi vật thể đã hòa quyện nhau tạo nên một không gian văn hóa Việt, sống động lôi cuốn của làng Thượng Hội.