Nhộn nhịp chợ nổi Long Xuyên

13:42, 01/08/2014

Đồng bằng sông Cửu Long có đến hàng trăm cái chợ nhóm họp trên sông; các vựa, quầy hàng và phương tiện vận chuyển hàng hóa đều bằng thuyền, ghe đủ loại lớn nhỏ. Dù lớn hay nhỏ, các chợ nổi đều có nếp sinh hoạt và mua bán giống nhau. Chợ nổi Long Xuyên không thuộc loại nổi tiếng nhưng có dịp ghé qua, du khách vẫn cảm nhận được phong thái hào sảng của người dân miệt vườn sông nước Nam bộ.

Cách trung tâm thành phố Long Xuyên chừng 2 cây số, xuống bến phà Ô Môi đi thuyền qua một ngã ba sông thì gặp chợ nổi Long Xuyên.

 

 

Những chiếc thuyền lớn đậu san sát, có khi còn được buộc kết lại thành cụm theo từng nhóm hàng nông sản, người ta đi qua lại giữa các thuyền cứ như đi qua các sạp hàng liền nhau hay nhà trong phố. Trong ảnh là dãy vựa chuối.

 

 

Nông sản, hoa trái miệt vườn đủ loại, như chuối, bưởi, dừa, thơm, quít, cam, đu đủ… quanh vùng tập trung về bán cho vựa và sẽ được chuyển về các đô thị để tiêu thụ. Thuyền bè đủ loại ra vào nhộn nhịp, hàng tới tấp lên và xuống. Tiếng cười nói rộn ràng của người mua kẻ bán vui vẻ vang khắp ngã ba sông. 

 

 

Giống như các chợ nổi khác, người ta treo những trái cây lên cây sào (gọi là cây bẹo) để quảng cáo mặt hàng cần mua, cần bán.

 

 

Túm tụm trên một góc sông chen chúc ghe thuyền ấy, thứ gì cũng có bán. Những chiếc xuồng nhỏ len lỏi giữa những thuyền hàng sẵn sàng phục vụ các thứ nước giải khát, cà phê và các loại hàng ăn sáng như bánh canh, bún, hủ tiếu…

 

 

Xăng dầu cũng có cửa hàng lưu động, cả những tiệm sửa chữa cơ khí luôn túc trực, sẵn sàng phục vụ tại chỗ.

 

   

Nhà trên bờ lấn sàn ra sông cũng có, nhà bè nổi cũng có và ngay cả những chiếc thuyền cũng là nhà ở của cư dân chợ nổi. Trừ nước để nấu ăn, uống, còn lại mọi nhu cầu khác đều dùng nguồn nước từ dòng sông. 

 

 

Diện tích mặt sàn trên mui thuyền tuy hẹp nhưng không gian bao la, đủ để cho trẻ em sống trên những con thuyền thả những cánh diều bay vút lên trời. Không biết các em nhỏ này có được người lớn chắp cánh cho những ước mơ vào đời, thoát khỏi kiếp bồng bềnh sông nước này chăng?