Nơi bảo tồn chóe cổ Tây Nguyên

08:55, 01/11/2014

Nằm trong khuôn viên của Khu du lịch Đồi Mộng Mơ, Bảo tàng chóe Tây Nguyên hiện thân là một ngôi nhà sàn dài Ê Đê nguyên gốc thấp thoáng dưới rừng thông, nơi lưu giữ, sưu tầm những loại choé cổ độc đáo.

Với hơn hai trăm chiếc chóe cổ được sưu tầm từ các vùng đồng bào dân tộc ở Tây Nguyên đã cho thấy sự phong phú, đa dạng của chúng về kiểu dáng, đề tài trang trí và cả nguồn gốc, xuất xứ. Ở đây có mặt cả các loại chóe có xuất xứ từ các lò gốm nổi tiếng của Việt Nam, Trung Hoa và Indonesia.

 

Sưu tập chóe Trung Hoa

 

Chóe Trung Hoa ở đây phần nhiều thường thấy có niên đại muộn (khoảng thế kỷ XIX), chúng có xuất xứ từ các lò gốm nổi tiếng ở vùng Nam Trung Hoa và khá đa dạng về kiểu dáng và màu men. Đề tài trang trí thường gặp như: “Lưỡng long triều nhật”, “Cúc - Phụng”, “Lưỡng long trấn nhật”, “Lưỡng long phun châu”, “Long - Vân”, “Lưỡng long tranh châu” hoặc ba linh vật tượng trưng cho sự dũng mãnh: rồng, hổ, đại bàng, ngoài ra còn trang trí xen các văn dây lá cách điệu, hoa văn hình khánh…

 

Chóe Trung Hoa - nhóm men đa sắc thường có đề tài trang trí hình “Long mã vờn mây”, “Sư tử hí cầu”, “Chim hạc đang bay”. Có chóe quanh vai trang trí đề tài “Bát bửu” (Tám vật quý của Đạo Lão). Trên thân trang trí hình rồng cuộn, hoa cúc nằm trong các vòng tròn và các dải vặn thừng, cảnh giả sơn nơi chân đế.

 

Chóe có nguồn gốc từ Indonesia

 

Số lượng không nhiều, chúng được sản xuất tại những lò gốm trên đảo Borneo từ những năm đầu thế kỷ XX. Tuy chỉ cách ngày nay hơn 100 năm nhưng loại chóe này có kiểu dáng khác biệt so với các loại chóe thường thấy ở Việt Nam: Miệng rộng, bẻ loe, cổ ngắn liền thân, vai xuôi thu dần về đáy. Quanh vai đắp nổi 5 đầu lân cách đều nhau thay cho quai. Loại chóe này thường có men màu nâu nhạt, đề tài trang trí thường là “Lưỡng long phun châu” hoặc “Long - Vân”. Cùng với những dải văn hình sóng nước. Hoa văn thường được vẽ bằng nét vẽ đơn giản và vẽ trên men, cũng có một số chóe không có trang trí hoa văn.

 

Các sưu tập chóe Việt Nam ở đây chủ yếu có nguồn gốc từ các lò gốm Gò Sành (Bình Định), Mỹ Thiện - Châu Ổ (Quảng Ngãi) và Lái Thiêu (Bình Dương).

 

Chóe Gò Sành

 

Thường có men nâu, trang trí hoa văn đơn giản hoặc không trang trí hoa văn. Chóe Gò Sành ở đây có một số được sản xuất khá sớm. Gò Sành (Bình Định) vốn là một trong những nơi sản xuất gốm nổi tiếng của người Chăm ở khu vực miền Trung Việt Nam, nó được phát triển rực rỡ vào những thế kỷ XIV - XV và đã tạo ra nhiều sản phẩm đa dạng về loại hình, kích cỡ và màu men đẹp không thua kém các sản phẩm được sản xuất ở các trung tâm gốm có truyền thống như Nam Trung Hoa. Thời kỳ này các loại đồ gốm gia dụng như tô, chén, đĩa, chum, chóe được mang trao đổi và rất được đồng bào dân tộc Tây Nguyên trong đó có Lâm Đồng ưa chuộng và sử dụng rộng rãi.

 

Chóe Mỹ Thiện - Châu Ổ

 

Choé thường có màu men vàng sẫm, với kỹ thuật dùng dải cuộn, hoa văn thường được tạo bởi cách gắn dát nổi lên đồ vật sau khi tạo dáng xong. Chóe xuất xứ từ lò gốm Mỹ Thiện - Châu Ổ đã có mặt ở Tây Nguyên vào nửa sau thế kỷ XIX và được đồng bào rất ưa chuộng. Đề tài trang trí trên chóe cũng rất phong phú, những chóe này được sản xuất cách đây khoảng 200 năm.

 

Chóe Lái Thiêu

 

Đây là loại chóe được sản xuất từ những lò gốm ở vùng Lái Thiêu (Bình Dương), Việt Nam từ những năm cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Đề tài trang trí trên gốm mang nhiều yếu tố Trung Hoa đồng thời cũng ảnh hưởng nhiều của văn hoá bản địa vùng Đông Nam Bộ Việt Nam. Dòng chóe này bên cạnh những đề tài trang trí như “Long - Phụng”, hoa cúc, hoa mẫu đơn, “Lưỡng long phun châu”, “Lưỡng long triều Nhật”, còn có trang trí dạng khuôn hình cánh hoa trong có hình hươu, thỏ, trang trí hình rùa đắp nổi và chữ “Thọ” quanh vai, những dải băng chấm tròn nổi. Cũng có chóe được trang trí hình thằn lằn đắp nổi, hình thỏ, rùa, hình rồng quanh thân…

 

Ngoài các dạng chóe có nguồn gốc từ các lò gốm nổi tiếng nói trên ở đây còn có nhiều loại chóe khác có xuất xứ từ những lò gốm khác nhau thuộc các miền Bắc -Trung - Nam của Việt Nam. Điển hình như chóe “Mẹ bồng con”.

 

Bộ sưu tập choé Trung Hoa thế kỷ XIX tại Bảo tàng choé Tây Nguyên.

 

Chóe “Mẹ Bồng Con”

 

Là một loại chóe có kiểu dáng khá đặc biệt. Trên vai thường được gắn 1 - 2 hoặc 3 chóe con giống hệt chóe mẹ nhưng không trang trí. Loại chóe này có nguồn gốc từ những lò gốm ở khu vực miền Trung Việt Nam có niên đại vào khoảng thế kỷ XIX. Chóe “Mẹ bồng Con” cũng là một trong những loại chóe quý rất được đồng bào Tây Nguyên ưa chuộng. Có loại chóe “Mẹ bồng Con” bằng gốm tráng men của người Lào, bà con dân tộc Ê Đê cho biết trước đây đã phải đổi tới 7 con voi mới được sở hữu một cái chóe này.

 

Đối với đồng bào Tây Nguyên, cùng với cồng chiêng, choé được coi là tài sản quý giá nhất do đó người ta thường cất giữ trong nhà để làm của, càng nhiều càng tốt. Gia đình, dòng họ, bộ tộc nào có nhiều chiêng, chóe thì chứng tỏ được sự giàu có và uy lực của mình. Cũng giống như cồng chiêng, các loại chóe mà đồng bào dân tộc ở Tây Nguyên sử dụng trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày không phải là họ tự sản xuất mà do quá trình giao thương với người Kinh và các tộc người ở các vùng lân cận. Điều này cũng giúp lý giải về sự phong phú, đa dạng của chóe cổ Tây Nguyên.