Mang nhiều ảnh hưởng của văn hóa Ấn Độ, văn hóa Sa Huỳnh, văn hóa Óc Eo,… văn hóa Chăm tự tạo cho mình một nét riêng biệt, ấn tượng. Trong đó, nghệ thuật múa Chăm là một khám phá thú vị để góp thêm cái nhìn đầy đủ, toàn diện về một nền văn hóa nghệ thuật khá độc đáo của dân tộc Chăm.
Múa Chăm là một bộ phận quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần của dân tộc Chăm. Múa gắn liền với các lễ hội như Rija Nưgar, Katê, Rija Praung... ở mỗi làng hay trên tháp. Đó là những dịp mà người Chăm thể hiện sự tưởng nhớ của mình đối với những người có công xây dựng đất nước, hay sự sùng bái một hay một vài vị vua được thần hóa. Đi kèm với múa là những nhạc cụ dân tộc truyền thống như: trống Ginang, trống Baranưng, Ceng (chiêng), kèn Xaranai, Grong (lục lạc), đàn Kanhi... Phổ biến hơn cả là bộ ba Ginang, Baranưng và Xaranai, trong đó chủ đạo vẫn là Ginang, vì chúng có âm mạnh mẽ, hùng hồn rất phù hợp trong dịp lễ hội, hơn thế nữa còn phản ánh được tính cách của người Chăm. Có thể phân múa Chăm làm 2 loại: Múa dân gian và múa cung đình.
Múa dân gian Chăm thường nảy sinh trong lao động vui chơi hay trong các hội hè. Nó gắn liền với thực tiễn cuộc sống hằng ngày nên luôn luôn được sáng tạo và bảo tồn trong nhân dân. Múa dân gian Chăm không phức tạp, động tác, cấu trúc luật động đơn giản, nhưng phong cách đòi hỏi hết sức nghiêm ngặt. Trong múa hầu hết có sử dụng đạo cụ như: nồi, khăn, quạt, trống, cung, dao… và đều là đạo cụ sinh hoạt hằng ngày, gần gũi với sinh hoạt lao động và chiến đấu của dân tộc Chăm.
Phụ nữ Chăm uyển chuyển trong trang phục múa duyên dáng
Múa dân gian Chăm có rất nhiều điệu khác nhau dựa vào phụ kiện mà các vũ công cầm khi biểu diễn như múa quạt, múa đội lu (như cái chum nhỏ), múa khăn, múa kiếm, múa roi. Cũng có những điệu múa mang ý nghĩa triết lý, tâm linh như múa âm dương, múa đạp lửa… Mỗi điệu múa là một ngôn ngữ, một sự thể hiện, có triết lý và ý nghĩa riêng, nhưng tất cả đều toát lên vẻ đẹp của văn hóa và con người Chăm.
Múa và vũ điệu chiếm phần quan trọng hàng đầu trong đời sống tâm linh của người Chăm, đây cũng là một nghi thức quan trọng bậc nhất để trình diễn trong các lễ hội chính hằng năm của cộng đồng Chăm. Người Chăm cần múa hát như cần thở, bởi những ảnh hưởng vô cùng to lớn của hoạt động này đối với tâm hồn của từng người. Khi múa hát, không chỉ bày tỏ sự vui tươi, dạt dào tình cảm, người Chăm còn múa hát để tưởng nhớ và ca ngợi các bậc tiền nhân, các vị vua mà trong tâm trí họ, được tôn vinh như là những vị thần.
Múa Chăm là một sự kết hợp tuyệt vời của màu sắc, vũ điệu và âm nhạc, phụ nữ Chăm trong trang phục váy áo truyền thống thật quyến rũ, các chàng trai cũng rực rỡ không kém. Tất cả những người tham gia múa đều đội khăn màu sắc và duyên dáng, phụ nữ Chăm tay cầm quạt hoặc nhiều phụ kiện độc đáo, phô diễn sự khéo léo, đắm say, mê mải qua cách di chuyển cơ thể, tay và chân.
Tiếng trống, tiếng nhạc đệm từ những nhạc cụ truyền thống chính là một phần quan trọng trong việc tạo nên sự tuyệt vời cho các điệu múa Chăm. Trống Ginăng, trống Baranưng, đàn Kanhi, chiêng... mỗi nhạc cụ góp một giai điệu khác nhau trong dàn hợp xướng lúc hào hùng mạnh mẽ, lúc réo rắt thiết tha, lúc dịu dàng tình cảm. Trong đó, trống Ginăng được xem là nhạc cụ chính bởi âm điệu hùng hồn trầm bổng, có tính chất hiệu triệu, gọi mời, đặc biệt phù hợp trong không gian vui mừng, lễ hội.
Trước kho tàng văn hoá phong phú, lâu đời của một dân tộc đã một thời có vương triều thịnh vượng, trước nền kiến trúc, điêu khắc hấp dẫn, tuyệt tác, đậm đà bản sắc dân tộc, có cơ sở bước đầu cho phép ta nghĩ đến lịch sử múa dân tộc Chăm có hình thái múa cung đình, bởi múa là một dạng nghệ thuật giống như các ngành nghệ thuật khác, phản ánh thực tiễn bằng các hình tượng nghệ thuật, và nhiệm vụ cơ bản của nó cũng giống như các ngành nghệ thuật nói chung.
Trong điệu múa Chăm cổ, những tiết tấu sôi nổi, đầy ưu tư của tiếng trống Ginăng, những nỉ non, kể lể đầy khát vọng của tiếng kèn Saranai giúp tạo nên yếu tố đặc trưng của múa. Những khắc khoải, ưu tư, đợi chờ! Đó là nỗi day dứt, suy tưởng với “Khát vọng”. “Khát vọng” có yếu tố mạnh mẽ hơn hi vọng. Chính “Khát vọng”cũng là hiện thân của ước muốn cuộc đời vươn tới cái đẹp, cái thiện đầy ý chí gieo vào lòng người những ước mơ của hạnh phúc. “Khát vọng” đã đưa đến sự cảm nhận về cái đẹp, bản sắc và nghị lực tâm hồn của dân tộc, bắt nguồn từ những dòng chảy. Chỉ một ngón tay trỏ lúc nào cũng hướng về mặt đất cho ta cảm nhận bao điều rằng: đất là điểm tựa vững chắc của con người để bay cao hơn, xa hơn, vươn tới hạnh phúc nhân ái, một tay hướng lên là biểu hiện cho “cái chết”, còn một ngón tay cong hướng lên trời có nghĩa là “hôm nay”, nếu đặt cánh tay lên ngang ngực thì nó thể hiện ý nghĩa “hạnh phúc”, khi tay trái hướng ra phía sau và tay phải nắm lại trước ngực với 3 ngón tay hướng lên, ngón trỏ chạm vào ngón cái thì đó là biểu tượng bắt ấn trừ khử cái xấu, nếu hai bàn tay chuyển đổi lên xuống theo nhịp hiệu nhanh thì nhằm nói đến 2 trong 4 giai đoạn của vòng đời con người là sinh - trưởng - bệnh và chết. Ngoài cử chỉ bằng tay, các thế chân cũng rất uyển chuyển, dáng hình mềm mại thể hiện những đường cong căng tròn nhựa sống.
Năm tháng trôi, trải qua bao biến đổi thăng trầm, người Chăm vẫn giữ trọn tình yêu mãnh liệt với phong tục văn hóa của mình, vẫn say mê không ngừng những điệu múa lời ca, tiếng trống tiếng chiêng cùng tình yêu vô tận với thiên nhiên, cuộc sống, lòng tôn kính với các bậc tiền nhân. Tất cả hòa quện với nhau tạo nên nét đẹp và sự phong phú trong đời sống văn hóa Chăm, một nét văn hóa của 54 dân tộc anh em trên đất Việt.
Theo Quehuongonline