Đua ngựa thồ - trò chơi độc đáo, đặc sắc vùng cao

09:33, 31/12/2014

Từ xưa đến nay, đồng bào người Mông, người Tày, người Nùng, người Dao ở một số tỉnh miền núi phía Bắc đã sống thành từng bản làng trên các sườn núi. Họ chủ yếu sống bằng nghề làm nương, làm ruộng, việc đi lại của họ nhờ vào ngựa rất nhiều nên ngựa là con vật gần gũi, có vai trò quan trọng với cuộc sống của họ.  

Đua ngựa thồ có truyền thống từ rất lâu, nó được bắt nguồn từ chính cuộc sống dân dã hàng ngày. Khi đường giao thông chỉ là những con đường đất ngoằn ngoèo, rồi lại trèo đèo, vượt suối, thì mỗi phiên chợ là những lần đua tài đối với mỗi chàng trai dân tộc vùng cao trên lưng những chú ngựa thân thiết xuống chợ.

 

Trước đây, môn đua ngựa thường được tổ chức vào mùa Xuân. Sau một thời gian dài vắng bóng do những nguyên nhân khách quan và chủ quan, hiện nay, Lễ hội đua ngựa thồ đã được chính quyền địa phương các tỉnh quan tâm tổ chức trở lại nhằm khôi phục nét văn hóa đặc trưng, kết nối tình đoàn kết bà con vùng cao, đồng thời tạo ấn tượng và thu hút sự quan tâm của du khách trong và ngoài nước.

 

Hội đua ngựa có một không hai

 

 

Lễ hội đua ngựa thồ vùng cao thu hút bà con và du khách không phải chỉ ở tính gay cấn trên đường đua, mà còn ở sự độc đáo của nó. Những chú ngựa đến với trường đua không phải là ngựa chuyên nghiệp mà chỉ là những chú ngựa quen trèo đèo, lội suối với những bao bọc nặng trĩu trên lưng. Vận động viên cũng không phải là những chàng kỵ sĩ chuyên nghiệp mà là những thanh niên, trai tráng bản làng hàng ngày vẫn lên nương lên rẫy, cần mẫn trồng ngô, trồng lúa phát triển kinh tế gia đình. Trường đua của các chàng “kỵ sĩ” cũng rất đặc biệt - thường là khoảng đất trống nằm lọt thỏm giữa các dãy núi trùng điệp. 

 

 

....  Nhưng khi vào cuộc đua thì rất mạnh mẽ

 

 

Giữa không gian thiên nhiên hoang sơ ấy, những “kỵ sĩ” cứ hồn nhiên tranh tài trong tiếng hò reo không ngớt của hàng nghìn khán giả. Những người nông dân sinh ra giữa ngút ngàn núi đá đang rạp mình trên lưng ngựa. Họ không có yên cương, cũng chẳng dùng bàn đạp chân, thứ duy nhất để điều khiển ngựa chính là dây cương làm từ thừng bện và một chiếc mũ bảo hiểm đội trên đầu để đảm bảo an toàn. Muốn giữ thăng bằng, những chàng “kỵ sĩ” phải ngồi đúng vào điểm lõm gần vai, hai chân kẹp chặt vào bụng ngựa và nhấp nhổm lên xuống theo nhịp phi của ngựa. Những bất ngờ gay cấn liên tiếp được tạo ra trong suốt thời gian thi đấu. Chính vì chưa được làm quen với đường đua nên các chú ngựa chỉ biết cắm đầu mà phi. Có chú ngựa đang “bon bon” dẫn đầu tự dưng đứng khựng lại hoặc chạy lung tung ra đường khác do… giật mình vì khán giả vỗ tay to quá, gây tiếng cười phấn khích cho khán giả. Và chính vì vậy, kết quả của cuộc thi còn chứa đựng nhiều yếu tố may mắn. Sự dân dã, nguyên sơ, vừa có những pha hài hước, vừa đầy chất kịch tính... đã lôi cuốn, hấp dẫn và níu chân du khách trong và ngoài nước.

 

Ở cái nơi ngửa mặt lên là núi, cúi mặt xuống là vực sâu, thời tiết quanh năm khắc nghiệt đã khiến con người ta cằn cỗi, già nua trước tuổi. Thế nhưng, những chàng trai dân tộc thiểu số vùng cao nơi biên cương của Tổ quốc đến với cuộc đua đã chứng minh cho các khán giả thấy rằng tâm hồn họ, ý chí họ luôn mạnh mẽ. Dù cuộc sống khó khăn vất vả nhưng khi vào cuộc chơi, họ đã khẳng định được sức mạnh, lòng quả cảm, tinh thần phóng khoáng của mình một cách thật hồn nhiên, vô tư.


Niềm vui của chàng "kỵ sĩ" đoạt giải Nhất

 

Nhảy xuống khỏi lưng ngựa, chàng thanh niên dân tộc Mông vẫn chưa tin mình đã chiến thắng. Dưới hàng nghìn ánh mắt cổ vũ đang hướng về mình, anh Hy Nơ Hờ (xã Niêm Tòng, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang)- người chiến thắng trong cuộc đua ngựa thồ Mèo Vạc – Hà Giang tổ chức tháng 5/2013 thật thà chia sẻ: "Tôi biết cưỡi ngựa từ năm 12 tuổi, gần 20 năm ngày nào cũng ngồi trên lưng ngựa, nhưng đua ngựa thì đây là lần đầu tiên. Thấy Ban tổ chức mời thì tôi tham gia thôi. Chiều qua, tôi vẫn cho ngựa thồ ngô xuống chợ bán mà".

 

Lời nói khiêm tốn pha chút rụt rè của “vị quán quân” khác hẳn với hình ảnh của anh cách đó vài phút khi còn đang ngồi trên lưng ngựa. Với ánh mắt sáng, đôi tay nhanh nhẹn và giọng thúc ngựa sang sảng đầy dũng khí, anh đã thể hiện cho khán giả thấy hình ảnh của một kỵ sĩ chuyên nghiệp trong tương lai.

 

Anh Giàng A Cáng, sống ở bản Sinh Câu (Thèn Sin, Tam Đường, Lai Châu), người giành Giải Nhất trong cuộc đua ngựa thồ tổ chức trong Ngày hội Văn hóa dân tộc Mông lần thứ hai tại huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu (tháng 3/ 2013) cho biết: “Mình thấy đua ngựa ở đây rất vui. Thắng thua không quan trọng, điều được là mọi người có niềm vui, có một sân chơi thú vị mỗi dịp đầu năm. Mình hy vọng rằng sẽ có những sân chơi như thế này trong những năm tiếp nữa".

 

Với những nét đặc trưng độc đáo của lễ hội, có lẽ trên thế giới không có nước nào có lễ hội đua ngựa một cách đơn sơ và mộc mạc như thế.

 

Lễ hội giúp phát huy và bảo tồn đàn ngựa vùng cao

 

Đối với người dân vùng cao thì con ngựa là "đầu cơ nghiệp", nó giúp cho họ rất nhiều việc nặng nhọc mà con người không thể cáng đáng được. Ngựa là một trong những tài sản quý báu, là phương tiện, là sức lực, là một thứ trang điểm, là niềm tự hào cho người chủ của nó. Ngựa ốm chủ không ăn; ngựa lăn, ngựa gằn, ngựa hí, ngựa xoãn bờm, ngựa khụy gối, ngựa không “ngồi” lên được... thì người nuôi nó cũng sẽ lo lắng đến mất ăn, mất ngủ. Có thể khẳng định rằng, con ngựa đối với đồng bào vùng cao không những có giá trị về mặt vật chất mà nó còn mang giá trị rất lớn về mặt tinh thần đối với bà con.

 

Theo kinh nghiệm của đồng bào các dân tộc vùng cao, việc chọn được ngựa tốt không hề dễ. Ngựa khỏe và chạy nhanh phải có dáng hình cao ráo, gân to, thịt săn, chân thẳng và thon chắc, răng trắng đều, bờm dày, lông đều và mượt như tơ lụa. Một chú ngựa chạy vài vòng quanh chân núi về mà không bị thở dốc được xem là có sức khỏe tốt. Và theo họ, những con ngựa khỏe nhất là trong khoảng từ 4 đến 7 tuổi và muốn biết tuổi ngựa thì xem răng. Người có kinh nghiệm khi chọn ngựa phải xem kỹ tính nết, bởi ngựa cũng có con dữ, con hiền, con biết nghe lời và có con bướng bỉnh… Thức ăn thường ngày của ngựa là cỏ, cám, nhưng muốn ngựa khỏe và chạy nhanh người ta thường cho ăn thêm ngô, thóc, đậu tương, nhưng cần cho ăn điều độ để ngựa không được béo quá, dễ mất sức.

 

Việc phục dựng lại lễ hội đua ngựa những năm gần đây đã  đáp ứng được nhu cầu hưởng thụ văn hóa, tinh thần của nhân dân các dân tộc. Đặc biệt, mỗi mùa giải là sợi chỉ đỏ kết nối quá khứ với hiện tại, kết nối giá trị văn hóa truyền thống bản địa đặc sắc của đồng bào dân tộc vùng cao. Ngoài ra nó vô hình tạo động lực giúp bà con phát huy và bảo tồn nguồn gen của đàn ngựa vùng cao. Tuy nhiên, để đàn ngựa vùng cao được phát triển với những đặc tính, đặc trưng vùng miền này, cần có sự tham gia của các nhà khoa học hướng dẫn bà con đồng bào nơi đây chăm sóc và phát triển đàn ngựa tránh bị mai một trước sự phát triển hiện đại với trang thiết bị cơ giới hóa ngày càng đa dạng và phong phú như hiện nay. Chúng ta có thể tin tưởng lễ hội này sẽ được tổ chức thường niên, quy mô được mở rộng hơn, thu hút ngày càng nhiều các chàng “kỵ sỹ vùng cao” đem đến niềm vui cho bà con đồng bào vùng cao và duy trì một nét đẹp văn hóa độc đáo, hấp dẫn.