Ở Hà Nội, có lẽ Hồ Tây là khu vực đẹp hơn cả, chẳng thế mà các nhà văn hóa đã cho rằng nơi đây là một vùng thơ ca, một vùng văn hóa. Có lẽ, vì địa thế đẹp mà từ ngàn xưa, các ngôi làng cổ đã lấy Hồ Tây là chuẩn để phát triển đời sống, làm nghề và dựng xây nên những “di sản” tuyệt đẹp cho hậu thế.
Một vùng di sản
Ven Hồ Tây có nhiều danh thắng vào loại bậc nhất Thăng Long như chùa Tảo Sách, chùa Trấn Quốc, chùa Kim Liên, phủ Tây Hồ… Cũng ở nơi đây, các di tích, các thắng cảnh văn hóa đã tạo nên một “con đường di sản” của đất kinh kỳ với khung cảnh trữ tình, thơ mộng mà mỗi du khách đến đây đều cảm thấy nhớ, thấy yêu.
Trải qua hàng vạn năm kiến tạo, thiên nhiên đã ban tặng cho Thăng Long một hồ nước sóng sánh lãng đãng tuyệt đẹp. Bao nhiêu huyền thoại, bao nhiêu bài thơ, bao nhiêu ngôi chùa do con người sáng tạo quanh Hồ Tây, tạo nên một dòng chảy văn hóa Hồ Tây hàng nghìn năm tuổi, đẫm hồn dân tộc. Nhà thơ Cao Bá Quát từng thốt lên “Tây Hồ chân cả thị Tây Thi”, (Tây Hồ đích thực là nàng Tây Thi). Hồ Tây không chỉ đẹp mà còn lắng đọng tình người với những câu chuyện thần thoại Việt Nam thơ mộng. Hồ Tây có nhiều tên gọi: hồ Xác Cáo, hồ Trâu Vàng, hồ Dâm Đàm, mỗi tên gắn với một chuyện truyền kỳ.
Các bạn trẻ của ngày nay khám phá vẻ đẹp và văn hóa Hồ Tây, có lẽ, chỉ cần nghe mấy câu ca dao: “Gió đưa cành trúc la đà/ Tiếng chuông Trấn Vũ canh gà Thọ Xương/ Mịt mù khói toả ngàn sương/ Nhịp chày Yên Thái mặt gương Tây Hồ” cũng đủ để nhận ra vẻ đẹp của vùng nước, vùng trời thơ mộng này.
Với những người yêu Hà Nội nhất, thích khám phá văn hóa Hồ Tây nhất cũng không thể nhớ và thuộc hết những di tích vốn dày đặc ven hồ. Trong số 63 di tích trên địa bàn quận Tây Hồ, có 24 di tích lịch sử, văn hóa, nghệ thuật cấp quốc gia. Gần chục năm trở lại đây, những cán bộ văn hóa trên địa bàn quận đã dày công phân loại, đánh giá các hiện vật trong các di tích nhằm tăng hiệu quả quản lý, phục vụ tốt hơn công tác bảo tồn. Cũng nhiều năm qua, thành phố Hà Nội đưa vào khai thác các tour du lịch tâm linh, nhưng mới chỉ đến được một số danh thắng lớn như chùa Trấn Quốc, chùa Kim Liên, phủ Tây Hồ… Những địa chỉ, vùng văn hóa còn đầy thơ mộng thì vẫn chưa được khai thác. Hồ Tây rộng chừng 500ha và chu vi con đường bao quanh chừng 17 km. Chủ trương xây dựng đường ven Hồ Tây để tạo thêm vẻ đẹp cho hồ, tiện cho khai thác du lịch là rất đúng đắn. Với bao nhiêu khó khăn, vướng mắc trong suốt 10 năm thực hiện, cuối cùng vào tháng 9/2010 tuyến đường đã được khánh thành, tạo nên sắc diện mới cho cảnh sắc cho Hồ Tây nói chung và con đường cũng chính là đường nối giữa các di sản ven hồ.
Vùng du lịch
Những ngày xuân, một trong những địa chỉ bạn không thể bỏ qua là đi lễ và vãn cảnh xuân xung quanh Hồ Tây. Lâu đời nhất của Thăng Long - Hà Nội và cũng là một trong những ngôi chùa cổ nhất của Việt Nam là chùa Trấn Quốc. Thời vua Lý Nam Đế (544-548) lập nước Vạn Xuân, chùa có tên là Khai Quốc, ở trên bãi Yên Hoa, bên bờ sông Hồng. Đến niên hiệu Đại Bảo, đời vua Lê Thái Tông, chùa được đổi tên thành An Quốc. Đến đời Lê Trung Hưng năm 1615, do bãi sông bị lở gần vào đến chùa, nhân dân phường Yên Hoa (sau này là Yên Phụ) mới dời chùa vào đảo Cá Vàng ở Hồ Tây, là địa điểm hiện nay của chùa.
Ở một địa thế rất đẹp khác, phủ Tây Hồ nằm trên một bán đảo nhô ra giữa Hồ Tây, trước là một làng cổ. Ở đầu làng có đền thờ bà chúa Liễu Hạnh, một người đàn bà tài hoa, đức độ nên đã được dân gian thần thánh hóa tôn làm Thánh Mẫu. Hằng năm vào rằm tháng riêng Âm lịch, khách hành hương về đây rất đông, vừa đi lễ Mẫu, vừa đi thưởng ngoạn cảnh đẹp Hồ Tây và địa danh khác của Hà Nội.
Chùa Kim Liên được dựng trên nền cũ của cung Từ Hoa, thuộc trại Tằm Tang, có tên ban đầu là chùa Đống Long. Năm 1771, đời Lê Cảnh Hưng, chùa được tu sửa và đổi tên thành chùa Kim Liên. Năm 1792, đời vua Quang Trung, chùa lại được xây dựng lớn, về diện mạo cơ bản giống như hiện nay. Chùa có tên chữ là “Hoàng Ân tự”, vừa thờ Phật vừa thờ công chúa Từ Hoa. Được đánh giá là một trong những chùa đẹp nhất ở Hà Nội, là một “bông sen ven Hồ Tây”, chùa Kim Liên là điểm đến hấp dẫn của nhiều du khách trong nước và quốc tế.
Khám phá các làng cổ cũng là một điều thú vị. Quanh Hồ Tây, có rất nhiều làng cổ với bề dày văn hóa đặc sắc. Mỗi ngôi làng lại có vẻ đẹp văn hóa riêng, với nghề truyền thống từ xa xưa đã mang lại cho họ cuộc sống phồn vinh. Phải kể đến là làng cổ Nghi Tàm thuộc tổng Thượng, huyện Vĩnh Thuận và sau này qua nhiều biến chuyển thời gian, làng Nghi Tàm thuộc phường Quảng An, quận Tây Hồ. Trong “Bát cảnh hồ Tây” thì Nghi Tàm đã hội tụ tới ba cảnh đẹp, gồm “Bến Trúc Nghi Tàm” là một cây cầu, nơi trước kia các nhà thơ thường ra đó vịnh thơ, vẫn còn lưu lại đến ngày nay; “Đồng bông Nghi Tàm” tức cánh đồng hoa nay bị mất đi do đô thị hóa và “Tiếng đàn Thành Cung” - nơi nhà vua phát ra tiếng đàn vẫy gọi chim muông, dấu tích vẫn còn ngay trong sân chùa Kim Liên. Nghi Tàm nổi danh với hai di tích chùa Kim Liên và đình Nghi Tàm được xây dựng từ thời Lý, gắn với sự hình thành và phát triển của đất Thăng Long.
Không chỉ có phong cảnh đẹp, làng Quảng Bá, Nhật Tân còn có “thương hiệu” đào và quất cảnh. Mùa xuân, nam thanh nữ tú, khách thập phương về đây ngắm cảnh, ngắm hoa, mua hàng. Ai cũng bị choáng ngợp bởi lớp lớp các vườn đào, quất tạo nên bức họa sắc màu tươi mới, tuyệt đẹp. Đi chơi hay mua quất, mua đào tại Quảng Bá, Nhật Tân dần trở thành một thú vui tao nhã của người Hà Nội. Nếu không còn đào Nhật Tân, quất Quảng Bá thì Hà Nội sẽ mất hẳn một nét xuân, một nét văn hóa lâu đời và quý giá.
Làng Bái Ân vào thời Lý là một phường của kinh thành Thăng Long. Từ tháng 9/1997 đến nay thuộc phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy. Mặc dù là một phường, nhưng Bái Ân là một làng nhỏ thuộc cụm làng Kẻ Bưởi. Xa xưa, làng nằm ven bờ sông Thiên Phù, có bến Giang Tân. Về sau sông bị lấp, tạo ra vùng bãi rộng lớn, dân cư lúc đầu ở tại xóm Bãi. Tục truyền, sau khi rời đô từ Hoa Lư ra thành Đại La (tức Thăng Long), Vua Lý Thái Tổ đã đi thuyền rồng đến bến Giang Tân. Dân xóm Bãi căng tấm lĩnh có hình con rồng ra để đón Vua. Nhà vua bèn dừng thuyền để thăm hỏi cuộc sống của dân và đặt tên xóm Bãi là Bái Ân. Trước đây, dân làng sống chủ yếu bằng nghề dệt với các sản phẩm lụa, lĩnh rất nổi tiếng và làm giấy. Tương truyền, tổ nghề dệt là người họ Thái ở Trung Quốc sang từ trên một nghìn năm trước đây, truyền cho dân làng Bái Ân đầu tiên, rồi từ Bái Ân truyền sang các làng khác trong vùng Bưởi. Kẻ Bưởi gồm sáu làng cổ Yên Thái, An Thọ, Đông Xã, Hồ Khẩu, Võng Thị, Trích Sài hợp thành. Bây giờ, tìm về nơi đây, những làng nghề thủ công nổi tiếng một thời chỉ còn tồn tại trong trí nhớ của những người già trong làng và những di tích lịch sử còn lại. Mặc thời gian “nước chảy đá mòn” có những di tích vẫn sừng sững, trường tồn cùng thời gian như chùa Thiên Niên, chùa Tĩnh Lâu, đình An Thái, đền Đồng Cổ… Đến vùng Kẻ Bưởi, khách thập phương cũng có cơ hội được chiêm ngưỡng những chiếc cổng làng cổ như cổng làng Yên Thái, cổng Xanh làng An Thọ, cổng làng Hồ Khẩu, Đông Xã…