Mùa xuân, khi tiết trời ấm áp, hoa pơ–lang bung sắc đỏ thắp lửa giữa ngàn xanh Tây Nguyên, cũng là lúc các thiếu nữ Chu Ru ở huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng rộn ràng mùa “bắt chồng”. Tục bắt chồng bắt nguồn từ chế độ mẫu hệ của người Chu Ru. Trải qua thời gian vẫn còn lưu giữ đến tận bây giờ.
Khi một cô gái Chu Ru ưng ý một chàng trai nào đó, cô sẽ về thưa chuyện với bố mẹ để làm lễ đến hỏi cưới chàng trai. Trong 3 tháng mùa xuân, nhà gái chọn ngày mang hoa quả, gọi là “cây nhà lá vườn” đến nhà trai và dò hỏi với những câu đầy ẩn ý như: Gia đình có con trâu đực nào còn sót, còn lẻ, chưa đeo ách cho nhà mình thuê một con được không? Vụ lúa này nhà mình không có trâu cày. Gia đình có đồng ý không?
Nếu nhà trai từ chối, nhà gái ra về và hẹn sẽ còn đến nhiều lần cho đến khi nhà trai đồng ý gả con cho mới thôi. Lần đến sau, nhà gái sẽ đi đông người hơn và vào buổi tối để tránh tiếng. Cô gái sẽ không đi cùng đoàn, phòng trường hợp nhà trai từ chối nữa thì dân làng biết, sẽ xấu mặt. Lần này, nhà gái vừa thuyết phục vừa cố gắng đeo nhẫn vào tay chàng trai. Nếu chàng trai từ chối, những người đàn ông của nhà gái sẽ cố tìm cách đeo nhẫn vào tay cho bằng được.
Khi ngón tay của chàng trai đã có chiếc nhẫn của nhà gái thì chàng trai chính thức trở thành chàng rể. Nếu không đồng ý, chàng trai tháo nhẫn trả lại nhà gái (hay còn gọi là cưa nhẫn) thì nhà trai sẽ phải chuẩn bị trâu, rượu đền cho nhà gái. Còn khi hai bên đã thuận tình, nhà gái sẽ chuẩn bị đầy đủ lễ vật để chuẩn bị cho ngày đón rể. Nhà trai chủ động đưa ra yêu cầu về lễ vật dẫn cưới và được hai bên cùng chấp nhận.
Ông Nguyễn Văn Phúc – cán bộ Trung tâm văn hóa huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng cho biết: “Ngoài nhẫn, hạt cườm và các lễ vật khác còn có thêm khăn trắng và khăn xanh, khăn trắng để dành cho đàn ông, khăn xanh để dành cho các cô, các bà, các chị, nhiều ít do nhà trai thách, nhà trai thách bao nhiêu quà thì nhà gái phải đáp ứng đầy đủ nhà gái mới cưới được chồng.”
Ngày cưới, đầu giờ sáng, nhà gái cùng nhà trai tiến hành các thủ tục làm lễ rước rể về nhà cô dâu. Sau màn dặn dò và chia của hồi môn, mẹ cô gái choàng, thắt khăn cột đôi bạn trẻ lại với nhau. Việc trùm khăn lên cô dâu chú rể là một nghi thức quan trọng cầu cho lứa đôi hạnh phúc, luôn sát cánh bên nhau trong hạnh phúc cũng như hoạn nạn.
Sau phần lễ, nhà gái mời cả hai dòng họ ra giữa nhà uống rượu, hát đối và đấu chiêng. Từ đây, những mâu thuẫn, bất đồng giữa hai dòng họ sẽ được xóa hết. Hai họ cùng ăn uống chúc mừng cho đôi vợ chồng trẻ. Theo tục lệ, chàng trai sẽ ở rể và hai bên dòng họ thử thách tình yêu của đôi vợ chồng trong năm đầu tiên.
Bà Ma Bio, dân tộc Chu Ru ở huyện Đơn Dương, Lâm Đồng cho biết: “Một năm sau bên đằng trai cho vốn bên nhà con trai của người ta, nhà có trâu cho trâu, có gì cho nấy như quần áo, tô chén. Sau đó bên nhà đằng gái cho vốn hai vợ chồng rồi hỏi hai vợ chồng muốn ăn riêng hay ở chung với bố mẹ.”
Dù ở chung hay ở riêng thì chàng rể vẫn luôn tận tụy giúp việc cho nhà vợ, sống theo phong tục tập quán, yêu thương chăm sóc lẫn nhau, giữ trọn đạo hiếu với dòng họ và cha mẹ hai bên.
Theo tục lệ của người Chu Ru ở Lâm Đồng, người phụ nữ quyết định mọi việc lớn nhỏ trong gia đình. Ngay cả trong hôn nhân, họ cũng là người chủ động và con cái sinh ra đều mang họ mẹ. Tuy nhiên, vị trí và vai trò của người chồng không vì thế mà bị xem nhẹ.
Tục bắt chồng của người Chu Ru hiện vẫn còn được lưu giữ ở nhiều bản làng Tây Nguyên, góp phần tạo nên nét đặc sắc, hấp dẫn và đa dạng trong văn hóa của vùng đất này. Để rồi, mỗi mùa xuân đến, những thiếu nữ Chu Ru lại bồi hồi, rạo rực, chờ đợi giây phút được lồng chiếc nhẫn vào ngón tay người mình thương nhớ. Đất trời cao nguyên lại lâng lâng trong men rượu cần mừng hạnh phúc của những lứa đôi./.