Côn Đảo huyền thoại và linh thiêng

16:00, 22/04/2015

Nằm ở vùng biển Đông Nam nước ta, Côn Đảo là một quần thể gồm 16 hòn đảo lớn nhỏ, cách đất liền gần 100 hải lý, án ngữ vị trí tiền tiêu của Tổ quốc. Côn Đảo có vị trí chiến lược, thuận lợi trên đường hàng hải nối liền Âu - Á và là một nơi ghi dấu nhiều tội ác của thực dân, đế quốc.

Côn Đảo truyền thuyết và huyền thoại

 

Sự hình thành nên Côn Đảo đã được dân gian dựng nên các sự tích lãng mạn qua những câu chuyện ca ngợi tình yêu đôi lứa, đề cao luân lý con người như: thủa xa xưa có đôi trai gái yêu nhau nhưng không được lấy nhau đã quyên sinh và biến thành hòn Cau, bãi Đầm Trầu trong quần thể các đảo ở đây. Chuyện về hai anh em sinh đôi cùng bị đày ra Côn Đảo, người anh có cô vợ xinh đẹp nhưng lại có tính trăng hoa, không chỉ có chồng mà ả còn muốn có cả người em chồng.Không chấp nhận chuyện tình ngang trái đó, người em đã bỏ nhà ra đi không một lời từ biệt.Mất em, người anh buồn rầu liền bỏ vợ đi tìm em, khi thấy em nhưng quá kiệt sức đã chết và biến thành hòn Tài. Người em thương xót anh cũng chết theo và biến thành hòn Trác .v.v. Truyền thuyết, sự hình thành của những hòn đảo ở đây lãng mạn và giàu tính nhân văn, hợp với đạo lý làm người của người Việt Nam. Trong sự hình thành và phát triển, Côn Đảo luôn xuất hiện những tấm gương trung liệt, vì nước quên thân từ nhiều thế hệ nay. Những câu chuyện về bà Phi Yến (tên tục là Lê Thị Răm) vợ của Chúa Nguyễn Ánh, khi ngăn Chúa không nên nhờ viện binh nước ngoài để đánh lại nghĩa quân Tây Sơn do Nguyễn Huệ lãnh đạo. Không nghe lời khuyên của bà, Chúa Nguyễn Ánh còn kết tội bà thông đồng với Tây Sơn và giam vào ngục tối. Con trai bà Hoàng tử Hội An (tên tục là Cải) cũng bị Chúa Nguyễn ném xuống biển, dân làng Cỏ Ống lập miếu thờ gọi là Miếu Cậu. Bà Phi Yến khi về sống bên mộ con trong một lần, dân làng An Hải tổ chức một đêm hội và rước Bà đến dự, đêm đó một kẻ phàm phu đã sàm sỡ nắm tay Bà, bà đã phản kháng bằng cách tự chặt đứt cánh tay bị tên ô trọc cầm và quyên sinh sau đó để tròn danh tiết. Sau khi Bà mất dân làng An Hải đã xây dựng An Sơn Miếu hay còn gọi là Miếu Bà để thờ đức Bà Phi Yến. Ngày nay ở đây vẫn lưu truyền câu:    

 

“Gió đưa cây Cải về trời

Rau Răm ở lại chịu đời đắng cay”.

 

 

 

Côn Đảo hào hùng và linh thiêng

 

Thực dân Pháp và Đế quốc Mỹ thay nhau xâm lược, biến Côn Đảo thành địa ngục trần gian.Suốt 113 năm với hơn 200 ngàn lượt tù nhân đã bị giam cầm, tra tấn các chí sỹ yêu nước và chiến sỹ cách mạng.Ngay từ khi mới thành lập nhà tù Côn Đảo. Các cụ Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Ngô Đức Kế, Trần Cao Vân, Nguyễn An Ninh đã từng bị chúng giam cầm ở đây. Từ khi có Đảng lãnh đạo cách mạng Việt Nam, đã có hàng vạn cán bộ, đảng viên cộng sản như Ngô Gia Tự, Nguyễn Văn Cừ, Tôn Đức Thắng, Lê Hồng Phong, Phạm Văn Đồng, Lê Duẩn, Phạm Hùng, Nguyễn Văn Linh, Lê Đức Thọ, Nguyễn Duy Trinh bị giặc bắt và giam cầm ở Côn Đảo. Dưới thời Mỹ - ngụy số lượng tù nhân bị giam giữ có lúc lên đến 10.000 người trong đó có cả phụ nữ, học sinh, sinh viên nhưng đa số là cán bộ hoạt động cách mạng như các đồng chí Lê Hồng Tư, Trương Mỹ Hoa… Đến ngày giải phóng, hơn 20 ngàn người đã vĩnh viễn nằm lại với Côn Đảo.

 

Nghĩa trang Hàng Dương, nơi yên nghỉ của hàng vạn người con yêu nước và chiến sĩ cách mạng. Trong đó có ngôi mộ của chị Võ Thị Sáu chiến sĩ trinh sát của Đội công an xung phong Đất Đỏ, huyện Long Đất, tỉnh Bà Rịa bị thực dân Pháp bắt giam ở khám Chí Hòa- Sài Gòn và bị kết án tử hình ở đây. Chị đã trở thành huyền thoại và linh thiêng. Có nhiều câu chuyện về sự linh thiêng của người nữ Anh hùng liệt sĩ này, chẳng hạn câu chuyện về tấm bia trên mộ chị mặc dù bọn cai ngục luôn tìm cách phá hoại, nhưng chỉ một đêm sau những tấm bia khác lại được dựng lên sau tấm bia bị phá đó, có những tấm bia được chạm khắc bằng đá quí và được đưa từ đất liền ra. Quanh chuyện tấm bia trên mộ chị Võ Thị Sáu là chuyện những tên cai ngục làm điều ác ở đây đều bị trừng phạt, kẻ bị chết bất đắc kỳ tử, hoặc thân tàn ma dại…, một số tên biết sám hối quay lại tu sửa mộ và hương khói cầu nguyện xin tha thứ mới thoát khỏi tai ương. Chuyện về chị Võ Thị Sáu đã trở thành huyền thoại linh thiêng ở Côn Đảo.

 

Ngày nay, Côn Đảo đã là huyện đảo với biết bao đổi thay. Hòn đảo anh hùng này đang thay da đổi thịt từng ngày, trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế ở Việt Nam. Côn Đảo trở thành nơi lưu giữ chứng tích tội ác của thực dân phong kiến và đế quốc tay sai, trở thành địa chỉ du lịch tâm linh hấp dẫn của người Việt Nam. Du khách đến Côn Đảo thăm các di tích, viếng Nghĩa trang Hàng Dương, dâng hương trước mộ liệt sĩ Võ Thị Sáu và Đền thờ Côn Đảo để tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, trong tâm thế đền ơn đáp nghĩa, là nghĩa cử cao đẹp truyền thống uống nước nhớ nguồn của mỗi người dân nước Việt.