Định Nam đao trong khu tưởng niệm vương triều nhà Mạc

08:01, 26/05/2015

Cuối tháng 4 vừa qua, tôi có cơ hội đến thăm Khu tưởng niệm Vương triều nhà Mạc tại thôn Cổ Trai, xã Ngũ Đoan, huyện Kiến Thụy (T.P Hải Phòng).

Đứng trước Khu tưởng niệm rộng hơn 10ha, tôi hình dung ra nơi này cách đây gần 500 năm trước là đô thị ven biển đầu tiên của Việt Nam đã được nhà Mạc xây dựng với thương cảng sầm uất, quân đội hùng mạnh, có cả trường Quốc gia học, tương đương với Quốc Tử Giám ở Thăng Long.

 

Thăm Khu tưởng niệm Vương triều nhà Mạc, tôi suy ngẫm nhiều hơn về quá khứ oai hùng của một triều đại đã nằm dưới lòng đất hơn 400 năm nhưng vẫn để lại nhiều bài học quý báu cho lịch sử hôm nay và mai sau… Điều sử sách ghi nhận nhất ở Vương triều nhà Mạc là đã quan tâm đến việc học hành, thi cử và biết dùng người tài. Con số chứng minh là chỉ trị vì 65 năm với 5 đời vua, nhưng trong thời gian đó, nhà Mạc đã mở được 22 khoa thi Hội, có 485 người đỗ Tiến sĩ và 11 người đỗ Trạng Nguyên.

 

Cũng như hàng triệu du khách đến với di tích này, tôi háo hức được chiêm ngưỡng bảo vật linh thiêng Quốc gia đang được lưu giữ tại đây, đó là thanh Đại Long đao, còn được gọi là Định Nam đao. Tính đến nay, thanh Định Nam đao (lưỡi đao dài 0,95m, cán 1,6m) đã bước qua tuổi 500. Đây là một trong hai thanh đao nặng nhất thế giới với trọng lượng 25kg, ước tính khi chưa bị han gỉ là hơn 30kg.

 

Tương truyền, thanh Định Nam đao đã từng giúp Mạc Đăng Dung đoạt chức vô địch trong cuộc thi tuyển dũng sĩ tại Giảng Võ đường ở Thăng Long thời Lê Sơ (Võ Trạng nguyên). Hơn 20 năm sau đó, ông phục vụ dưới 4 triều vua Lê. Nhờ tài thao lược, trí dũng hơn người và với thanh Bảo đao trong tay, ông đã xông pha trận mạc và bách chiến bách thắng trong các cuộc dẹp loạn của nhiều phe phái, thế lực cát cứ khắp nước.

 

Trong không khí linh thiêng, trang trọng, chúng tôi được hướng dẫn viên thuyết minh chi tiết, rõ ràng về sự thăng trầm của nhà Mạc cũng như việc lưu lạc trầm luân mấy trăm năm của thanh Long đao: Mạc Đăng Dung (1483-1541) là người làng Cổ Trai, huyện Nghi Dương, phủ Kim Môn, trấn Hải Dương (nay là làng Cổ Trai, Ngũ Đoan, Kiến Thụy, Hải Phòng). Ông sinh ra ở vùng biển, làm nghề đánh cá, nhưng lại có trí dũng hơn người. Đời vua Lê Uy Mục, ông trúng tuyển Trạng Nguyên võ, được bổ nhiệm vào quân Túc vệ, chuyên bảo vệ Hoàng cung. Do lập nhiều công trạng, ông được thăng đến chức Đô đốc, tước Vũ Xuyên Hầu, được dự bàn triều chính, rồi nắm quyền chỉ huy binh mã cả nước. Ông là người văn võ song toàn, biết thu phục nhân tâm, chiêu nạp dưới trướng nhiều tướng lĩnh có tài và trung thành như: Nguyễn Kính, Vũ Hộ, Phạm Tử Nghi...

 

Năm 1527, khi triều Lê Sơ suy tàn, Hoàng đế Lê Cung Hoàng đã hạ chiếu nhường ngôi cho Thái sư Mạc Đăng Dung. Khi lên ngôi, lập ra triều Mạc, ông lấy niên hiệu Minh Đức. Trị vì đến năm 1529, ông nhường ngôi cho con cả Mạc Đăng Doanh và về nơi sinh thành là làng Cổ Trai xây dựng Dương Kinh (kinh đô thứ 2 của triều Mạc). Khi ông băng hà, Định Nam đao được đem về thờ ở lăng miếu làng Cổ Trai. Năm 1592, nhà Mạc thất thủ ở Thăng Long, Mạc Đăng Thận (cháu 4 đời của Mạc Đăng Dung), là người coi giữ lăng miếu, đã giả làm nhà buôn, mang theo Long đao của Tiên đế xuống thuyền rời Đồ Sơn, tìm đến đất Kiên Lao (Nam Định) định cư, đổi sang họ Phạm để tránh bị nhà Trịnh truy sát diệt vong.

 

Tương truyền, Định Nam đao là vật biểu trưng cho sức mạnh và sự thành công, nếu được tận mắt chứng kiến, chạm vào thì người đó sẽ có được sự "hưng phát về quyền lực", sức mạnh về lý trí và sự thành công. Chẳng thế mà lúc Phan Bá Vành khởi binh, chống lại triều đình, Triều vua Minh Mệnh (1821) muốn dùng long đao của Mạc Thái Tổ làm linh khí trên chiến địa. Khi ấy, họ Phạm ở làng Ngọc Tỉnh, Kiên Lao - Nam Định đã chôn giấu, không để mất Long đao của Tiên đế. Nhiều năm trôi qua, thanh đao bị thất lạc. Đến năm 1938, họ Phạm làng Ngọc Tỉnh tiến hành trùng tu từ đường, đào hồ bán nguyệt và đã tìm thấy Đại Long đao dưới lòng đất sau hơn 90 năm thất lạc. Lúc này, thanh đao đã bị gỉ sét ăn mòn. Năm 2010, thanh Long đao được chi họ Phạm gốc Mạc ở làng Ngọc Tỉnh nghinh rước về thờ ở Thái miếu trong Khu tưởng niệm Vương triều nhà Mạc nhân dịp lễ khánh thành.