Ngỡ ngàng Yên Tử

18:16, 11/05/2015

Trở lại nơi này sau hơn 10 năm, tôi được chiêm ngưỡng một Yên Tử khác lạ. Trầm lắng hơn, thanh thản hơn.

Thời gian trôi qua không uổng phí

 

Như là cơ duyên, tôi lại được về chiêm bái Đất Tổ Yên Tử vào một ngày cuối xuân. Vẻ thanh khiết, tươi đẹp, hài hòa của đất Phật khiến tôi không khỏi ngỡ ngàng.

 

Qua chùa Suối Tắm, Cầm Thực, chùa Lân, chúng tôi dừng chân ở chùa Giải Oan. Đứng ở đây, tôi được nghe huyền thoại về sự linh thiêng của ngôi Chùa. Chuyện kể rằng: Mùa thu năm 1299, Thượng Hoàng Trần Nhân Tông xuất gia về Yên Tử tu hành. Các thị hầu, bà mụ, cung phi theo ngài đến đây. Ngài khuyên họ trở về quê cũ, nhưng nhiều người đã trẫm mình dưới suối để tỏ lòng trung thành. Nhà vua xót thương cho lập đàn tràng làm lễ giải oan linh hồn họ. Nơi lập đàn tràng sau dựng chùa Giải Oan. Có lẽ vì vậy mà trong Chùa có đến hơn 20 ngôi tượng Mẫu được thờ, nhiều nhất trong các chùa ở Yên Tử.

 

Sau khi thắp hương, thầm mong cho trên đời không còn ai phải mang nỗi oan khiên, chúng tôi qua Suối Tiên lên ga cáp treo đầu tiên của Yên Tử. Các nhân viên mặc đồng phục soát vé xong cúi người trả vé cho khách bằng hai tay; các thiếu nữ áo dài mở cửa ca - bin với nụ cười tươi rói. Ngồi cáp treo đi 1,2 km từ chùa Giải Oan lên chùa Hoa Yên chỉ hết gần 6 phút, trong khi đi bộ mất gần 60 phút. Lần trước lên Hoa Yên, tôi cùng đoàn hành hương xuyên rừng già, qua đường Tùng với hơn 200 cây tùng hiên ngang như cốt cách người quân tử; hết đường Tùng sang đường Trúc ken dày, thẳng đứng thể hiện sức sống trường tồn của tinh thần đoàn kết. Lần này đi cáp treo, tôi lại được ngắm rừng Yên Tử từ trên cao đẹp mê hồn. Tôi đã đọc một tài liệu nói về 2.686 ha rừng này, nên biết không gian xanh mướt ở dưới chân kia là 830 loài thực vật, nhiều loài cây quý hiếm ghi tên trong“sách đỏ Việt Nam” như lim xanh, táu mật, hồng tùng, trúc ngọc… Chưa kể, còn có hàng trăm loài động vật quý hiếm như cá sấu, voọc mũi hếch, khỉ mốc, báo gấm, sóc bay…

 

Theo chỉ dẫn của hướng dẫn viên Bích Ngà, chúng tôi thắp nén hương thơm trước lăng mộ của đức vua Trần Nhân Tông tại vườn tháp Huệ Quang. Làm vua ở tuổi 20, Trần Nhân Tông đã hai lần lãnh đạo nhân dân đánh thắng giặc Nguyên Mông, xây dựng đất nước thanh bình. Từ bỏ ngai vàng quyền uy ở tuổi 35, Ngài lên Yên Tử tu hành, sáng lập Thiền phái Trúc Lâm. Nay, chút xá lợi của nhà vua tài giỏi và đức độ được quàn trong tháp Huệ Quang này.


Sau vườn tháp là chùa Hoa Yên, nơi tu hành của các tổ thiền Trúc Lâm Yên Tử với quan điểm phật giáo nhập thế, đề cao xây dựng nhân cách con người, mang lại giá trị đạo đức cho đời. Vì thế, chùa Hoa Yên là trung tâm Phật giáo của cả nước, được coi là Đất Tổ. Không ai bảo ai, chúng tôi dừng lại chụp ảnh bên gốc đại 700 năm tuổi. Mốc thếch vì thời gian nhưng rễ cây cuồn cuộn, cành cây lực lưỡng khỏe khoắn đan vào nhau thể hiện sức sống mãnh liệt của loài cây biểu thị cho sự linh thiêng.

 

Đứng trước chùa Hoa Yên yên tĩnh, tôi lại nhớ mươi năm trước, sân chùa này la liệt người ngủ lại để lấy sức hôm sau lên chùa Đồng - nơi cao nhất của Yên Tử. Dưới chân núi kia là dãy nhà trọ xô bồ ngủ nghỉ. Trước cửa quán ăn, các con vật của rừng bị giết thịt treo lơ lửng. Hai bên đường lên núi người người bán măng trúc, các loại rễ cây ngâm rượu, phong lan; là nhao nhao mời chào, cò kè trả giá… Những thứ ấy khiến lòng người đang hướng về cõi Phật trở nên bấn loạn, vẩn đục. Nay, chúng tôi được tĩnh tâm trước Tam Bảo, thì thầm cầu xin an lành, thanh thản ngắm từng thớ gỗ, viên ngói mũi hài kép, họa tiết điêu khắc đặc trưng của nhà Trần.

 

Rời Hoa Yên, chúng tôi men theo bóng tùng rợp mát sang ga cáp treo 3. Lại đung đưa trên cao ngắm cây, ngắm thác, ngắm chùa Bảo Sái, chùa Vân Tiêu ... Ngồi cùng ca bin với tôi, Bích Ngà kể: Để chuẩn bị Lễ hội Yên Tử năm nay, Ban tổ chức đã kiên quyết đưa các nhà hàng ra khỏi khu vực thờ phụng. Thêm vào đó, số người leo bộ chỉ còn 5-10%, còn lại du khách lên chùa bằng cáp treo, nhu cầu ăn ngủ ít đi nhiều, cũng là nguyên nhân quan trọng để chùa thanh tịnh, sạch sẽ hơn.

 

Trên đường lên chùa Đồng, điểm đến cuối cùng của chuyến hành hương, chúng tôi ngỡ ngàng gặp một pho tượng thiên tạo giống một nhà tu hành áo trùm dài chắp tay cung kính, tên là tượng An Kỳ Sinh. Chuyện xưa kể rằng: Có một đạo sĩ tên là Yên Kỳ Sinh chuyên đi tìm các cây thuốc quý trên núi Yên Tử để luyện thuốc trường sinh, khi chết hóa thành tượng đá. Cách tượng An Kỳ Sinh không xa là đài sen và tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông uy nghi được đúc bằng 138 tấn đồng. Công trình này đã đạt kỷ lục về tượng đồng đúc liền khối trên độ cao 900m so với mặt nước biển.

 

Chỉ có đất trời và ta đó

 

Đá, đá và đá. Muốn đến chùa Đồng, điểm cao nhất của Yên Tử phải leo trên đá. Những phiến đá xám còn hằn ngấn nước, lưu giữ vô số vỏ sò, vỏ ốc hóa thạch như nói cho người đời sau biết rằng: Nơi đây, hàng triệu năm trước là biển. Vậy mà vật đổi sao dời, biển sâu trở thành chóp núi cao hơn 1.000 mét. Tôi chợt nghĩ đến câu thơ của nhà thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm “Thế gian biến cải vũng nên đồi”...

 

Dường như Đức Phật muốn thử thách lòng người bằng con đường cheo leo khó đi. Nhưng trên chặng đường gập ghềnh đó, tiếng kinh kệ trầm ấm lan tỏa trong không trung như động viên, như vẫy gọi. Từng đoạn, từng đoạn, tôi bắt gặp đoàn hành hương vừa đi vừa “nam mô a di đà phật”. Nhiều cụ ông, cụ bà gần 90 tuổi vẫn bước thoăn thoắt, chào nhau hồn hậu “a di đà phật”, mời nhau chiếc bánh lộc cho tăng sức khỏe đi tiếp.

 

Và kia, chùa Đồng đã hiện ra. Chùa tọa lạc trên đỉnh Yên Tử, độ cao 1.068 mét so với mực nước biển. Sử cũ ghi lại: Vào thời Lê, một bà phi ở phủ Chúa Trịnh công đức xây một ngôi chùa bằng đồng thờ Quan thế âm Bồ Tát. Ngôi chùa nhỏ nên mọi người chỉ có thể đứng ngoài hành lễ. Đến năm 1740, mưa gió làm bạt mái chùa, kẻ gian đã phá dỡ chùa mang đi. Năm 1930, một người tu hành tên là Bùi Thị Mỹ sau giấc mơ được Phật tổ Như Lai báo mộng đã lên tái tạo chùa Đồng (bằng xi măng) trên một tảng đá vuông cao quá đầu người. Năm 1993, các phật tử đã công đức tái thiết ngôi chùa đúc bằng Đồng. Chùa mang hình chữ “đinh”, dáng bông hoa sen nở. Chạy suốt 3 gian chùa là một bức tường đồng đúc hoa văn có cuốn thư đề 3 chữ: Thiên Trúc Tự. Trong chùa đặt Phật Thích ca mầu ni ngự tòa sen, hàng dưới là tượng các Phật Việt Nam, chính vị là Phật Trần Nhân Tông. Đến năm 2006, ngôi chùa trên được thay thế bằng ngôi chùa đúc bằng 61 tấn đồng nguyên chất, pha 3 tấn hợp kim, diện tích gần 17m2.

 

Đứng trên đỉnh non thiêng Yên Tử, tôi phóng tầm mắt nhìn ra tít tắp, một vùng đồi núi như sóng nhấp nhô trải ra mênh mông. Đặt tay vào bức tường mát lạnh, ngắm đất trời hùng vĩ, tôi bỗng thấy lòng phàm nhẹ bẫng, bao mệt mỏi vướng bận tiêu tan trong chớp mắt.

 

Từng bước, từng bước xuống núi trở về đời thường, tôi dường như thấy mình được tiếp thêm sức mạnh. Tôi chợt nhớ câu thơ mình đọc được ở đâu đó khi vãn cảnh Yên Tử:

 

Khách đến nơi đây thấy nhẹ đi
Đâu còn vương vấn: Tham, sân, si
Chỉ có mây trời và ta đó,
Quên mọi nỗi buồn, mọi nghĩ suy…