Thung Nai có một vẻ đẹp hoang dại mà say đắm. Một sự kết hợp hoàn hảo của núi, đảo và mặt nước xanh ngắt bao la. Người đến Thung Nai dễ ngẩn người khi đứng giữa những cảnh sắc hư hư, thực thực, như lạc vào một thế giới khác vậy…
Thung Nai là một xã thuộc huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình. Từ Hà Nội, theo quốc lộ 6 khoảng 76km về phía tây nam đến thành phố Hòa Bình, tiếp tục rẽ phải về phía thượng nguồn sông Đà khoảng 25km, Thung Nai hoang sơ và duyên dáng hiện ra trước mặt du khách.
Xưa kia, Thung Nai vốn là xứ Mường Thàng, một trong những nơi định cư trù phú của người Mường (gồm các mường Bi, Vang, Thàng, Ðộng). Người già trong vùng kể rằng, nơi đây từng là một thung lũng rộng lớn có núi cao, rừng rậm bao quanh, hươu nai nhiều vô kể, nên mới gọi là Thung Nai.
Thưởng ngoạn lòng hồ
Trước khi nhà máy thủy điện Hòa Bình được xây dựng, vào mùa lũ hay mùa cạn, sông Đà luôn như một chú ngựa bất kham, ở đâu nước cũng chồm lên đá, tung bọt trắng xoá tạo thành thác, ghềnh. Nhưng hiện tại sông Đà hung hãn chỉ còn trong tâm tưởng của một lớp người lớn tuổi. Nhà máy thủy điện Hòa Bình đã ngăn dòng sông Đà huyền thoại, cả một vùng ngập nước mênh mông, trong đó có Thung Nai. Những ngọn núi cao ngửa mặt lên mới thấy đỉnh khi xưa giờ cũng ngập nước lưng chừng, trở thành những hòn đảo lớn nhỏ.
Thung Nai hoang sơ nhưng cũng quyến rũ vô cùng như một viên ngọc thô đang dần được khám phá. Vào những ngày mưa, mặt hồ trải rộng mang màu đỏ phù sa. Còn những ngày nắng, mặt hồ trong xanh in bóng núi non, mây trời. Khung cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp với những hòn đảo nhấp nhô và vẻ kỳ vĩ của hệ thống hang động ven hồ khiến Thung Nai được ví như “Hạ Long trên cạn” thứ hai ở miền Bắc, sau Tam Cốc - Bích Ðộng (Ninh Bình).
Thung Nai đẹp như tranh vẽ (Ảnh: Tran Son)
Du ngoạn Thung Nai tuyệt vời nhất khi bạn dành nguyên ngày để khám phá nơi đây. Một ngày mới ở Thung Nai sẽ chào đón bạn với ánh mặt trời lấp lánh, bừng sáng cả không gian cùng với bầu không khí trong lành, thoáng đãng và tiết trời dịu mát. Sau khi nạp đầy năng lượng cho cơ thể, bạn có thể lang thang trong những khu rừng xanh. Tất nhiên đã đến với Thung Nai thì chèo thuyền du ngoạn lòng hồ sẽ là trải nghiệm mà không một ai muốn bỏ qua.
Từ bến Thung Nai, chiếc thuyền nhỏ sẽ chầm chậm lênh đênh trên mặt hồ để du khách thưởng thức khung cảnh bình yên trong cái gió lồng lộng, mát rượi thổi từ mặt hồ. Giữa không gian nơi ấy, biết đâu nguồn cảm hứng mới sẽ bất chợt trào dâng trong suy nghĩ của bạn, khiến bạn háo hức săn ảnh, nôn nao phác họa những bức tranh thiên nhiên hoặc làm thơ tả cảnh, ngân nga những câu thơ thi vị.
Nhà sàn Cối xay gió nhuốm màu cổ tích khi hoàng hôn buông xuống.
Vi vu trên sóng nước mênh mang, chiếc thuyền dần dần đưa bạn thăm thú đảo Dừa, đảo xanh, đảo Quạ, đảo Dê… rồi chiếc cối xay gió lạ mắt. Không chỉ lạ mắt, cối xay gió ở đây còn sở hữu điểm ngắm cảnh tuyệt đẹp. Từ đây, bạn có thể phóng tầm mắt mình ra xa, thu toàn bộ bức tranh thủy mặc Thung Nai vào trong tầm mắt. Nếu lên “cối” vào lúc buổi sáng, bạn sẽ thấy Thung Nai mờ ảo trong sương sớm, còn lúc nắng lên, mặt hồ trong xanh ánh lên màu vàng lấp lánh.
Nếu lúc bình minh, Thung Nai chìm trong làn sương mờ ảo thì khi hoàng hôn buông xuống, vệt nắng cuối ngày ngả dài trên mặt hồ yên ả, không gian Thung Nai nhuốm màu huyền ảo, điểm tô vài ba chiếc thuyền rẽ sóng... cảnh sắc thật nên thơ.
Kết thúc một ngày du ngoạn, du khách có thể dựng lều cắm trại nghỉ qua đêm để trải nghiệm cuộc sống hoang dã đích thực hay xin trú tại những bản làng của đồng bào địa phương. Du khách cũng có thể lưu trú tại nhà nghỉ Cối Xay Gió theo phong cách phương Tây lãng mạn, mộng mơ hoặc nhà nghỉ tại Đảo Dừa trong không gian thiên nhiên thoáng đãng, gần gũi và thân thiện.
Độc đáo Thác Bờ
Thung Nai không chỉ thu hút bởi vẻ đẹp non nước hữu tình thiên nhiên ban tặng, mà còn nổi tiếng với bề dày văn hóa cùng nhiều lễ hội đặc sắc. Du khách nên một lần ghé qua để khám phá vẻ huyền bí của ngôi đền Chúa Thác Bờ linh thiêng, vẻ độc đáo của động Thác Bờ hay có thể dự lễ hội đền Thác Bờ vào những ngày đầu Xuân.
Vào mùa nước cạn, du khách muốn tham quan động Thác Bờ phải leo bộ gần 100 bậc đá từ chân núi đến cửa động. Mùa nước dâng, du khách đi từ thuyền sang nhà nổi, trên một bè ghép bằng tre bương chạy dài khoảng 50 m vào thẳng cửa động. Từ trên cửa động, du khách có thể phóng tầm mắt ra xa để thả hồn mình ngắm toàn bộ dải Đà giang kỳ vĩ, thưởng ngoạn những kiệt tác thiên nhiên của tạo hóa với núi non điệp trùng và vẻ đẹp của hang động huyền kỳ.
Động Thác Bờ kỳ vĩ.
Động Thác Bờ được chia làm ba khu, ngoài lòng động với những khối nhũ đá còn có khu vực tiếp du khách, lên cao khoảng 50 m là khu thờ Phật. Khu vòm động này khá rộng, có không khí mát lành. Ngoài ban thờ Phật tổ quan âm rất lớn, Quan thế âm Bồ tát, các vị thần linh cai quản vùng này, trong động còn có ban thờ Bác Hồ luôn thơm mùi hoa tươi và hương trầm.
Vào sâu trong động, du khách sẽ bắt gặp những khối thạch nhũ muôn hình vạn trạng được hình thành do cặn của nước nhỏ giọt đọng lại trải qua hàng trăm nghìn năm. Bạn có thể thỏa sức chiêm ngưỡng và tưởng tượng ra những hình thù khác nhau của nhũ đá như cá chép hóa rồng, cây vàng, cây bạc, ô trời, lọng trời, dàn đàn đá, dàn cồng chiêng Mường..., khối dưới đất mọc lên, khối từ trên sà xuống, vô cùng đa dạng.
Đền Bà chúa Thác Bờ là điểm đến linh thiêng mà nhiều du khách tứ phường thường đổ về lễ bái. Đặc biệt vào mùa Xuân, trong không gian ấm áp và nô nức, dòng người đổ về đây khá đông khiến cho Thung Nai trở nên sôi động hơn. Tương truyền rằng, đền Thác Bờ gắn liền với sự tích Bà Chúa Đinh Thị Vân trong cuộc chinh phạt mùa Xuân năm 1431 của vua Lê Lợi. Ngày đó, khi vua Lê Lợi dẫn quan tới nơi đây, bà đã ra sức kêu gọi nhân dân nơi đây giúp đỡ, chèo thuyền đưa quân hay quyên góp lương thực để nuôi quân. Khi vua Lê Lợi giành chiến thắng, bà tổ chức lễ hội ăn mừng cho nhân dân rồi cùng đóng bè mảng tiễn đoàn quân của nhà vua trở về kinh đô. Để ghi nhớ công lao đóng góp của bà, khi bà mất, vua Lê đã ban lập đền thờ tại Thác Bờ để tưởng nhớ tới bà. Và từ đó, người dân nơi đây thường lui tới để hành lễ khấn bái cảm tạ công đức của bà, kéo dài cho đến tận bây giờ. Thời gian trôi qua, dần dần việc thờ chúa Thác Bờ không chỉ đối với dân địa phương nữa, người dân tứ phương cũng nô nức lui tới mỗi độ Xuân về và tụ lại trở thành lễ hội đền Thác Bờ.
Lễ hội đền Bờ được tổ chức chính thức vào ngày mùng 7 tháng Giêng và kéo dài đến hết tháng Ba Âm lịch. Hòa cùng không khí linh thiêng vào mùa hội, người dân đi lễ cầu nguyện ở đền Trình rồi mới lên đền Chúa chính. Khi tới đây, du khách sẽ được chứng kiến những hoạt động mang đậm bản sắc văn hóa tín ngưỡng của người bản địa tổ chức. Người hành hương đi lễ khi di chuyển từ đền này qua đền khác sẽ được du ngoạn trên sông Đà để thưởng thức vãn cảnh lòng hồ trong không khí náo nức của ngày Xuân.
Trong khung cảnh thiên nhiên hoang sơ, được đắm chìm trong bể tắm thiên nhiên mát lạnh, chèo thuyền lênh đênh giữa lòng hồ sông Đà, len lỏi trong những khu rừng rậm rạp, khám phá những hang động kỳ bí, ẩn chứa nhiều điều bí ẩn, trải nghiệm phiên chợ vùng cao đặc trưng, tìm hiểu nét văn hóa truyền thống độc đáo của những người dân địa phương và thưởng thức những món đặc sản núi rừng…