Làng Đông Trù nằm ở phía nam xã Đông Hội, huyện Đông Anh, Hà Nội, nằm ven sông Đuống, làng vừa có đất bãi, vừa có đất đồng, lại ở vị thế trên bến dưới thuyền nên cuộc sống sớm ổn định. Trong xu thế hiện nay, văn hoá làng cũng có những biến đổi nhất định.
Làng Đông Trù và những giá trị văn hoá
Hiện nay, làng còn lưu giữ được một cụm di tích lịch sử văn hoá có giá trị gồm đình, chùa, miếu… Gắn với cụm di tích này là những sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo, lễ hội với những nét văn hoá độc đáo. Đông Trù còn được biết đến là mảnh đất giàu truyền thống lịch sử và cách mạng với bến phà Đông Trù trong những năm kháng chiến cứu nước và giờ là dự án Cầu Đông Trù có ý nghĩa quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô Hà Nội.
Cùng với guồng quay của sự phát triển, làng Đông Trù cũng không tránh khỏi những tác động tất yếu của quá trình đô thị hóa, bởi vậy những giá trị văn hóa của làng còn lưu giữ được đang đối diện với nguy cơ bị mai một. Không gian, cảnh quan của làng quê xưa đã có nhiều biến đổi. Nhiều công trình tôn giáo, tín ngưỡng bị tu sửa, tôn tạo không đúng với kiến trúc truyền thống, làm giảm đi giá trị văn hoá, lịch sử của di tích. Không ít giá trị văn hoá phi vật thể như nghệ thuật diễn xướng, nghề thủ công truyền thống, phong tục tập quán, trò chơi dân gian trong lễ hội... có nguy cơ mai một hoặc mất đi. Trước thực tế đó, việc giữ gìn, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc nói chung, bản sắc văn hoá làng nói riêng đang trở thành vấn đề được đặc biệt quan tâm.
Làng Đông Trù cũng như muôn vàn ngôi làng Việt, là một cộng đồng dân cư - kinh tế - văn hóa - xã hội xuất hiện rất sớm và có quan hệ đặc biệt trong quan hệ bền chặt: nhà - làng - nước, diễn ra suốt mấy ngàn năm lịch sử dụng nước và giữ nước của quốc gia, dân tộc; song mỗi làng quê đều mang trong mình những bản sắc văn hóa riêng.
Diện mạo văn hóa làng Đông Trù được thể hiện trên ba bình diện văn hóa mưu sinh, văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể. Văn hóa mưu sinh bao gồm nông nghiệp, các nghề thủ công truyền thống và thương nghiệp. Văn hóa vật thể được xem xét dựa trên không gian cảnh quan kiến trúc nhà cửa, đình Đông Trù, chùa Đông Trù, miếu, nhà thờ họ và giếng cổ. Văn hóa phi vật thể được kết tinh trong những sinh hoạt tín ngưỡng như: thờ cúng tổ tiên, thờ thành hoàng làng; những lễ tiết trong năm; phong tục tập quán: lễ cưới, lễ tang và đặc biệt là lễ hội truyền thống của làng được tổ chức hàng năm vào ngày mồng 10 tháng 3 âm lịch, tục kết chạ, lối sống nghĩa tình keo sơn, mộc mạc…
Làng cổ Đông Trù trong xu thế công nghiệp hoá hiện đại hoá
Văn hóa làng Đông Trù đã nuôi dưỡng nên những con người kiệt xuất, những giá trị văn hóa truyền thống độc đáo, tạo nền tảng vững chắc cho sự tồn tại, phát triển và giao lưu trong xu thế đổi mới và hòa nhập. Tất cả đã tạo nên một diện mạo mới, một diện mạo với sự đan xen giữa làng và phố, giữa truyền thống và hiện đại, giữa cái tích cực, tiến bộ và cái tiêu cực lạc hậu ở làng Đông Trù.
Xu hướng biến đổi văn hóa làng cổ Đông Trù trong quá trình đô thị hóa hiện nay là phục hồi văn hóa truyền thống và tái cơ cấu kinh tế để những yếu tố văn hóa này thích nghi và phát triển tốt trong xã hội hiện đại. Sự phục hồi đó được thể hiện trong sự đầu tư vào hệ thống di tích, các hoạt động văn hóa tâm linh và các hoạt động cộng đồng làng; việc tích cực tham gia và tăng cường sự giao lưu, trao đổi để thiết lập mạng lưới xã hội tốt trong và ngoài làng, phát động phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, tránh việc khôi phục một cách tràn lan, thiếu kiến thức làm mất đi những giá trị văn hóa truyền thống cho muôn đời sau; bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của làng, tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững của làng trong quá trình đô thị hóa hiện nay. Để khắc phục và giảm bớt những thách thức, khó khăn do tác động của quá trình đô thị hóa cần một tổng thể những giải pháp điều chỉnh để giữ được sự cân bằng giữa bảo tồn và phát triển văn hóa làng trong tầm nhìn, sự quản lý của các cấp chính quyền và toàn thể sự nỗ lực của toàn thể nhân dân trong làng.