Làng Lai Xá, trùm nghề ảnh Sài Gòn

16:53, 16/02/2017

Đầu thế kỷ XX, có một nhà nhiếp ảnh tiên phong người Việt mở rộng tầm hoạt động khắp ba kỳ, đặc biệt là ở Sài Gòn. Đó là ông Nguyễn Đình Khánh, còn gọi trân trọng là cụ Khánh Ký, từ tên gọi hiệu ảnh của ông.

Ông Khánh sinh năm 1874, tên thật là Nguyễn Văn Xuân, người làng Lai Xá (trước thuộc Hà Đông, nay ở xã Kim Chung, Hoài Đức, Hà Nội). Ông học nghề ảnh từ năm 16 tuổi tại hiệu ảnh Du Chương của người Hoa ở Hà Nội. Năm 1892, ông khai trương hiệu ảnh tại phố Hàng Da, Hà Nội, lấy tên là Khánh Ký. Sau ông mở thêm các hiệu ảnh ở các nơi như Nam Định năm 1905, Sài Gòn năm 1907 tại số 54 Boulevard Bonard (Lê Lợi). Hình của cơ sở ảnh của ông có mang dấu ấn “Photo Khanh Ky Saigon”. Thời gian ở Sài Gòn, ông có chân trong Ủy ban Tổ chức tang lễ cụ Phan Chu Trinh năm 1926. Bộ ảnh về sự kiện này do hiệu Khánh Ký thực hiện đến giờ vẫn còn có người lưu giữ.

 

Ông Khánh Ký

Khi mở các hiệu ảnh, ông Khánh Ký luôn quan tâm đến việc đào tạo thợ giúp việc làm ảnh là người trong làng Lai Xá. Luôn có vài chục người trong mỗi cửa hàng Khánh Ký vừa học vừa làm nên đã sản sinh ra một đội ngũ đông đảo những người thợ làm ảnh. Từ đó, họ đi khắp nơi mở hiệu ảnh. Ông Khánh Ký có công lớn đào tạo và truyền nghề cho dân làng Lai Xá, trở thành làng nghề nhiếp ảnh duy nhất tại VN từ cuối thế kỷ 19 và nửa đầu thế kỷ XX.

 

Ở thành phố Sài Gòn đông dân và kinh tế phát triển nhất ba kỳ, người làng Lai Xá đã vào đây tạo dựng nghề ảnh và có thể nói đã tham gia sâu vào dịch vụ nhiếp ảnh ở thành phố này từ những năm đầu thế kỷ 20 và sau này. Tính đến năm 2000, Bảo tàng Nhiếp ảnh Lai Xá thống kê được người gốc làng Lai Xá ở Sài Gòn có tới 114 hộ, 655 người. Hơn 16 năm qua, số dân gốc Lai Xá ở Sài Gòn còn cao hơn. Không tính các hiệu ảnh của ông Khánh Ký thuở ban đầu, đã có khoảng 32 hiệu ảnh của người Lai Xá mở ra tại Sài Gòn từ thập niên 1930-1940 và hiện vẫn còn hoạt động 9 hiệu ảnh thống kê được (2016). Trong đó, có hiệu ảnh mở ra và duy trì hoạt động 80 năm nay như hiệu Mỹ Lai tại ngã tư Phú Nhuận.

 

Ông Đinh Tiến Mậu, chủ hiệu ảnh Viễn Kính, tác giả của nhiều bức ảnh nghệ sĩ Sài Gòn xưa cũng là người gốc Lai Xá. Năm 1958, ông thuê nhà mở tiệm riêng, đến tiệm thứ tư mới đứng vững. Trong số đó, trụ lâu là tiệm King’s Photo ở 45 Ngô Quyền, Chợ Lớn trong suốt 6 năm. Tiệm cuối cùng của ông lấy tên là Viễn Kính, ở 277 Phan Đình Phùng (Nguyễn Đình Chiểu) cũng là nhà riêng, mở từ năm 1963. Đến khoảng năm 2004 tiệm  đóng cửa.

 

Ông Nguyễn Hữu Quý (sinh 1932) kể rằng khoảng những năm 1930, ông Khánh Ký đưa 4 - 5 người Lai Xá vào Sài Gòn học và làm nghề ảnh, trong đó có bố của ông là Nguyễn Hữu Quyền. Về sau, bố ông mở hiệu ảnh nhỏ ở Tân Định, lấy tên là hiệu ảnh Nguyễn Quyền. Đến năm 1950, ông Quý 18 tuổi được bố đón vào Sài Gòn để phụ giúp làm ảnh. Ông học làm ảnh ở đó ít năm thì tách ra làm riêng. Năm 1961, ông Quý làm thuê ở hiệu ảnh Văn Hoa photo của ông chủ cũng có gốc Lai Xá rồi sau lại chuyển sang hiệu khác. Ông có thể làm tất cả các khâu trong nghề ảnh nhưng chuyên về tô màu. Ông nhận thấy khách rất thích ảnh tô màu nhưng treo lên một thời gian ngắn thì màu nhợt nhạt đi, không giữ được lâu, cho dù dùng màu của Mỹ, Pháp. Ông bèn nghĩ cách dùng sơn dầu của giới họa sĩ vì thấy rất bền, tranh để hàng trăm năm và đã thành công. Ông nhận tô ảnh lớn các nghệ sĩ treo trước cửa nhà hát cải lương Kim Chung. Lúc đó, cả Sài Gòn chỉ có mình ông Quý tô màu cách này, rất đắt khách. Vì kỹ thuật này, ông Quý được giải nhất về ảnh tô màu trong một cuộc triển lãm ảnh của nghiệp đoàn các chủ hiệu ảnh thời đó.

 

Anh Đức Vượng, hiệu ảnh Mỹ Lai tại ngã tư Phú Nhuận, cho biết từ “Lai” trong tên “Mỹ Lai” là từ tắt của Lai Xá. Bố anh là Nguyễn Văn Đoàn, học nghề ảnh với cụ Khánh Ký. Khi lớn lên, ông Đoàn cùng một số trai làng theo cụ vào Sài Gòn làm ăn. Lúc đó, ông được gọi là Viên Đoàn, cách gọi theo phong tục miền Bắc xưa, vì cô con cả của ông tên là Viên. Năm 1936, ông Viên Đoàn mở hiệu ảnh tại đường Paul Blanchy (Hai Bà Trưng), gần chợ Tân Định. Sau đó, ông mở tiếp hiệu ảnh thứ hai, lấy tên Mỹ Lai tại số 48 đường Bonard (Lê Lợi) và giao tiệm ảnh đầu tiên ở đường Paul Blanchy cho người em, sau này tiệm đóng cửa. Ông Viên Đoàn, năm 1973, đang làm ăn ở đường Lê Lợi thì bị lấy lại nhà không cho thuê nữa nên về ngã tư Phú Nhuận, mở tiệm cũng lấy tên Mỹ Lai trên đường Võ Di Nguy (nay là Phan Đình Phùng). Qua mọi biến động xã hội, gia đình ông vẫn duy trì nghề ảnh ở tiệm này với 80 năm hành nghề ảnh ở Sài Gòn không đứt đoạn đến nay.

 

(Theo Phạm Công Luận/ Thanh Niên)

(Trích từ Sài Gòn - Chuyện đời của phố tập 4,
NXB Văn hóa - Văn nghệ TP.HCM và Phương Nam Book)