Hòn Đá Bạc - viên ngọc nơi địa đầu Tổ quốc

10:54, 11/03/2018

(TN)- Nhắc đến Cà Mau, bạn thường nghĩ ngay đến những địa điểm du lịch nổi tiếng như Đất Mũi, nơi địa đầu thiêng liêng của Tổ quốc và rừng tràm U Minh. Thế nhưng, ở Cà Mau còn có một địa danh khác, cũng lý thú và ấn tượng không kém, đó chính là Hòn Đá Bạc.

Không to lớn như những đảo khác, Hòn Đá Bạc là cụm đảo có diện tích “khiêm nhường” nằm sát bờ biển, phía Nam nhìn sang vịnh Thái Lan, thuộc huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau. Từ thành phố Cà Mau đến Hòn Đá Bạc khoảng 50km bằng đường bộ hoặc đường thủy đến tận nơi. Đây không những là một danh thắng mà còn là nơi ghi nhiều dấu tích lịch sử và đã được công nhận là Di tích lịch sử cấp Quốc gia.

Ấn tượng với du khách khi dạo quanh Hòn Đá Bạc là vô số những viên đá nằm chồng chất lên nhau, như được bàn tay huyền bí nào đó nhào nặn. Truyền thuyết kể rằng hòn Đá Bạc xưa là chốn bồng lai tiên cảnh. Chẳng biết thực hư thế nào, nhưng nơi đây có rất nhiều tảng đá ghép lại tạo thành những hình dạng kỳ lạ mà người dân gọi là bàn tay tiên, bàn chân tiên, sân tiên, giếng tiên…Hòn Đá Bạc có diện tích khoảng 6,34 ha, là cụm đảo gồm ba hòn nhỏ nằm liền nhau…Hòn phía trước là hòn phụ có một con rồng uốn lượn được xây dựng thay cho chiếc cổng chào. Còn hòn chính cũng được tạo thành bởi hai ngọn núi (một cao, một thấp), ở giữa là một khe rộng, bằng phẳng. Nơi khe đất bằng phẳng ấy, du khách thường dừng chân nghỉ ngơi và tận hưởng làn gió mát của biển khơi hoặc vào nhà hàng thưởng thức những món ăn đậm chất Nam bộ.

Trên Hòn Đá Bạc còn có nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, có tượng đài bảo vệ an ninh Tổ quốc mang hình dáng mũi con tàu. Cách đó không xa là lăng cá ông Nam Hải, nơi trưng bày bộ xương cá ông dài hơn 20m. Di tích lịch sử Hòn Đá Bạc ngoài vẻ đẹp huyền bí, hoang sơ còn có giá trị lịch sử văn hóa quan trọng. Nơi đây, trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, quân dân xã Khánh Bình Tây đã tiêu diệt gọn trung đội pháo 105 ly của địch, giải phóng Hòn Đá Bạc và đảm bảo an toàn tuyến hành lang ven biển của vùng căn cứ cách mạng. Cũng tại đây, vào các năm từ 1981 đến 1984, các thế lực thù địch và bọn phản động lưu vong dựng lên tổ chức phản động mang tên “Mặt trận thống nhất các lực lượng yêu nước giải phóng Việt Nam” do Lê Quốc Tuý và Mai Văn Hạnh cầm đầu. Chúng đã đưa bọn phản động từ bên ngoài xâm nhập vào nội địaViệt Nam để thực hiện âm mưu phá hoại lật đổ. Với thế trận an ninh rộng khắp, ngay từ khi toán biệt kích đầu tiên xâm nhập đã bị lực lượng công an nhân dân (CAND) phát hiện, khống chế. Đấu tranh với địch, Bộ Công an đã lập Chuyên án mang bí số Kế hoạch CM12. Trong quá trình đấu tranh ta đã câu nhử địch đưa 18 chuyến xâm nhập vào Cà Mau. Hòn Đá Bạc trở thành Trung tâm chỉ huy của ta để đón bắt nhiều toán gián điệp biệt kích và cũng là nơi diễn ra  trận đánh cuối cùng kết thúc thắng lợi Chuyên án CM12 vào ngày 9-9-1984. Trong những năm đó, lực lượng CAND đã lập nên kỳ tích: đón bắt 18 chuyến xâm nhập, bắt và tiêu diệt 183 tên tịch thu hơn 300 tấn vũ khí, 14 tấn tiền giả, phát hiện và phá vỡ được 10 tổ chức phản động trong nước gồm hơn 1.000 tên.

Với những ý nghĩa lịch sử đó, ngày 22/6/2009, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã công nhận di tích: Hòn Đá Bạc- trung tâm chỉ huy kế hoạch phản gián CM12 (09/9/1981- 09/9/1984) là di tích lịch sử cấp Quốc gia. Di tích lịch sử Hòn Đá Bạc thực sự đã trở thành một “địa chỉ đỏ” để tuyên truyền, giáo dục truyền thống và điểm du lịch hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước khi đến với Cà Mau. Hòn Đá Bạc vẫn còn giữ được những mảng rừng và thảm thực vật xanh mát. Trông từ xa, nơi đây tựa hòn non bộ giữa biển khơi. Hình ảnh đẹp nhất mà bạn có thể thấy ở nơi đây là thiên nhiên, con người hòa vào không khí mát mẻ của biển khơi trông như một bức tranh thủy mạc.