Thăm Bến tàu không số Thạnh Phong

14:08, 30/03/2018

Bến Tàu không số nằm trên địa bàn xã Thạnh Phong (Thạnh Phú, Bến Tre) là một trong số các đầu cầu tiếp nhận vũ khí từ đoàn tàu không số huyền thoại. Trong thời gian từ 1963-1970, đã có hơn 1.500 tấn vũ khí, vật chất (tiền, vàng, thuốc men, tài liệu mật) từ miền Bắc chi viện cho miền Nam được tiếp nhận, cất giấu và trung chuyển qua dải đất cù lao này. Số vũ khí, vật chất trên đã được vận chuyển, tiếp tế cho các tỉnh, thành trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam bộ, góp phần làm nên nhiều chiến thắng lẫy lừng, có ý nghĩa chiến lược đối với cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc.

Vừa đến Bến Tre, các đồng nghiệp của Báo Đồng Khởi đã giới thiệu cho chúng tôi nhiều điểm du lịch danh thắng, lịch sử nên đến: Khu di tích Bến Tàu không số - một trong số các đầu cầu tiếp nhận vũ khí từ đoàn tàu không số; Khu di tích Đồng Khởi- nơi bảo tồn những di tích và hình ảnh, tư liệu về phong trào Đồng Khởi. Hoặc Cồn Quy- huyện Châu Thành, có nhiều trái cây và tôm cá; Cồn Ốc - một nơi tham quan du lịch sinh thái hấp dẫn ở xã Hưng Phong, huyện Giồng Trôm; Sân chim Vàm Hồ, nơi hội tụ sinh sống của nhiều loài chim, cò, vạc ở huyện Ba Tri. Vườn cây ăn trái Cái Mơn ở huyện Chợ Lách và vùng Tiên Long, Tân Phú của huyện Châu Thành; Khu lăng mộ và nhà lưu niệm Nguyễn Đình Chiểu, nhà thơ yêu nước, tác giả truyện thơ Lục Vân Tiên; Khu tưởng niệm và đền thờ Nữ tướng Nguyễn Thị Định tại xã Lương Hoà, huyện Giồng Trôm- nơi giáo dục truyền thống yêu nước cách mạng sâu sắc của tỉnh Bến Tre... Song, do thời gian có hạn, nên chúng tôi chỉ chọn hai địa điểm: Bến Tàu không số và Khu di tích Đồng Khởi. Mặc dù các đồng nghiệp Báo Đồng Khởi nói rằng từ trung tâm thành phố Bến Tre đến hai địa điểm trên khá xa, khoảng 140 km cả đi và về, trong khi đó đã 14 giờ chiều, nhưng chúng tôi ai cũng muốn lên đường.

Tại Khu di tích cấp Quốc gia “Đầu cầu tiếp nhận vũ khí Bắc - Nam” nằm ở ngã ba Mũi Tàu, ranh giới giữa hai xã Thạnh Hải và Thạnh Phong, chúng tôi đã dừng lại để thắp hương; nghe hướng dẫn viên Huỳnh Thị Kiều Trang giới thiệu và hiểu thêm về địa danh Bến Tàu không số trên mảnh đất Bến Tre. Vùng đất Thạnh Phong, tỉnh Bến Tre trong những năm kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ cứu nước là vùng căn cứ địa của cách mạng nhờ địa thế hiểm trở. Tại đây vào đầu tháng 4-1946, Khu 8 và Tỉnh ủy Bến Tre quyết định tổ chức mở tuyến đường vận chuyển vũ khí bằng đường biển (sau này là đường Hồ Chí Minh trên biển). Chuyến mở đường lịch sử do đồng chí: Đào Công Trường, Tư lệnh Khu 8- Trưởng đoàn cùng các đồng chí Ca Văn Thỉnh, Trần Hữu Nghiệp, Nguyễn Thị Định vượt biển ra Bắc gặp Bác Hồ và xin chi viện vũ khí cho chiến trường miền Nam. Sau 7 ngày thuyền lênh đênh trên mặt biển, các đồng chí đã vượt lên khó khăn, ra đến miền Bắc hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Từ chuyến mở đường lịch sử đó, tại vùng đất Thạnh Phong đã hình thành Bến Tàu không số huyền thoại, nơi tiếp nhận vũ khí của đoàn tàu không số vận chuyển từ Bắc vào Nam bằng đường biển. Đơn vị trực tiếp thực hiện nhiệm vụ này là A101 - Bến Bến Tre, được thành lập theo quyết định của Quân ủy Miền vào ngày 19-9-1962. Đơn vị này mang bí số B3, là một trong 4 đơn vị trực thuộc Đoàn 962/ Đoàn vận tải 759 của Bộ Quốc phòng (sau là Đoàn Hải quân 125). Biên chế tương đương cấp Trung đoàn, hoạt động dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Trung ương cục và Khu ủy khu 8.

Trước khi A101 ra đời, ba đội tàu đầu tiên của Bến Tre đã xuất phát vào tháng 2-1961 tại Cồn Tra, xã Thạnh Phong, huyện Thạnh Phú. Hai phần ba đội thuyền này đã ra tới miền Bắc an toàn, các cán bộ trên tàu được vinh dự gặp Bác Hồ và Quân ủy Trung ương để báo cáo tình hình cách mạng miền Nam. Đến tháng 6-1962, trên các chuyến tàu Phương Đông 1 và Phương Đông 4, các đồng chí của hai đội thuyền Bến Tre đã xuất phát về miền Nam với số vũ khí ban đầu được miền Bắc chi viện. Ngày 17-6-1963, chuyến tàu chở vũ khí đầu tiên cập bến, gần 100 tấn vũ khí, vật chất đã được cất giấu, trung chuyển an toàn. Xã Thạnh Phong chính là nơi tiếp nhận phần lớn trong số 1.500 tấn vũ khí, vật chất nói trên.

Trong thời gian từ tháng 6-1963 đến 11-1970, có 26 chuyến tàu xuất phát từ bến Bến Tre và có 23 chuyến trở về đầy ắp vũ khí, gần 400 lượt cán bộ, chiến sĩ trực tiếp tham gia đoàn tàu và hơn 600 cán bộ, chiến sĩ tham gia công tác tiếp nhận, vận chuyển, cất giấu; hơn 600 lượt thuyền vận chuyển vũ khí đã được tổ chức trong đêm tối; hơn 200 cán bộ, chiến sĩ của đơn vị đã hy sinh. Cũng trong thời gian này, quân dân ta đã giành được nhiều chiến thắng lớn trong sự ngạc nhiên, khiếp sợ của kẻ thù như: Chiến thắng Ấp Bắc (1/1963), bẻ gãy các trận càn “Phượng Hoàng TG-1” (12/1963), cuộc hành quân “Phượng Hoàng” (2/1966) và Sóng Thần 5 (1/1967)…

Những chiến công thầm lặng của đơn vị A101 bến Bến Tre, đã góp phần cho thắng lợi chung của toàn dân tộc, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Khu vực đơn vị đứng chân là xã Thạnh Phong, huyện Thạnh Phú đã được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích lịch sử cấp Quốc gia. Cũng tại đây, năm 2013, Dự án bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị di tích đường Hồ Chí Minh trên biển đã được triển khai với kinh phí lên đến 1.500 tỷ đồng để tưởng niệm các chiến sĩ đã hy sinh trên biển và dân quân các bến bãi làm nhiệm vụ tiếp nhận, trung chuyển vũ khí. Dự kiến công trình sẽ

được hoàn thành vào năm 2030 đưa vào sử dụng. Hôm chúng tôi đến, Dự án đang bước vào xây dựng giai đoạn 2 (xây dựng mặt nền); nơi đoàn tàu không số cập bến đã được xây dựng một Bia tưởng niệm để tưởng nhớ chiến công vang dội của những chiến sĩ đoàn tàu không số huyền thoại. Theo hướng dẫn viên Kiều Trang, nơi đây đã và đang trở thành điểm du lịch lịch sử, danh thắng thu hút khá đông khách du lịch gần xa. Mỗi năm Khu di tích đón vài chục nghìn lượt du khách đến tham quan. Khu di tích tàu không số hấp dẫn du khách không chỉ nơi đây ghi dấu chiến tích của tàu không số mà còn có bãi biển xinh đẹp với nhiều loài hải sản ngon, rẻ nổi tiếng.

Những gì chúng tôi được chứng kiến tại vùng đất này hôm nay đang cho thấy huyện Thạnh Phú - căn cứ tiếp nhận vũ khí Bắc - Nam năm xưa; một vùng đất ven biển Đông dãi dầu trong sự khắc nghiệt của thiên nhiên, gian nan trong những năm kháng chiến; vùng đất luôn phải đứng mũi chịu sào, từng nếm trải bao cuộc càn quét đẫm máu của giặc, nhưng vẫn đứng vững, không hề nao núng, nay đã và đang đổi thay từng ngày. Vùng đất huyện Thạnh Phú đã trở thành vùng sản xuất nông nghiệp với các loại cây, con: nuôi tôm công nghiệp, trồng dưa hấu, xoài, nuôi bò, hoa màu…Trên đường đi, chúng tôi luôn bắt gặp những đoàn ô tô nối đuôi nhau vào chở dưa hấu, xoài, thóc đã được tập kết sẵn ở các chủ vựa ven đường để mang đi các tỉnh tiêu thụ. Con đường được láng nhựa sạch sẽ; nhiều ngôi nhà xây kiên cố mọc lên san sát với những cửa hàng, cửa hiệu; thi thoảng có những ngôi biệt thự được xây kiểu cách nằm khiêm tốn trong vườn xoài; những đầm nuôi tôm rộng lớn trải dài dọc hai bên Quốc lộ; những vườn dưa hấu quả sai lúc lỉu ẩn hiện dưới tán lá xanh mướt; xa xa những đàn bò nhởn nhơ gặm cỏ bên vạt cỏ xanh; những bao thóc chất hàng đống đợi xe đến “ăn hàng”…Tất cả đang minh chứng cho một vùng quê đầy nắng gió nhưng đang có sự bứt phá để xứng với tầm vóc lịch sử của một vùng căn cứ cách mạng năm xưa.