Chợ Tình Mộc Châu – Việt Nam

17:40, 28/07/2018

Tìm một người bạn đời trong thế giới hiện đại đã không phải dễ dàng, nếu phải sống trên vùng núi cao, tách rời với thế giới bên ngoài, làm sao tìm được một nửa kia cho mình đây? Giải pháp là đến chợ tình.

Có tất cả ba chợ tình ở miền Bắc Việt Nam: Chợ tình Sapa (Lào Cai), Chợ tình Khau Vai (Hà Giang) và Chợ tình Mộc Châu (Sơn La). Tuy nhiên, chỉ có chợ tình Mộc Châu vẫn còn giữ nguyên được nét văn hóa trung thực của dân tộc vùng cao.

“Chợ tình” ở đây không liên quan gì đến mua bán tình cảm, mà đây là nơi hình thành một truyền thống văn hóa rất đặc trưng, được áp dụng bởi một số dân tộc miền núi, đặc biệt là dân tộc Mông để tìm bạn trăm năm.

Nếu bạn là người yêu văn hóa, con người, thiên nhiên và thích chụp ảnh thì nhất định phải đến nơi này để trải nghiệm những thứ mà bạn sẽ không bao giờ nhìn thấy ở một nền văn hóa phương tây. Mộc Châu còn có phong cảnh thiên nhiên đẹp mơ màng. Ngoài cảnh cao nguyên bao la và huyền bí, Mộc Châu còn đặc biệt nên thơ vào những mùa hoa nở.

Tham dự lễ hội ở chợ tình Mộc châu là cơ hội tốt để được nhìn thấy người dân tộc thiểu số trong những sắc phục dân tộc và cách ăn mừng lễ hội của họ.Tất cả du khách khi đến đây đều được hoan nghênh tham gia vào các sự kiện văn hóa và chương trình ca múa nhạc của họ. Đây sẽ là một trải nghiệm khó quên trong đời cho những người thích tìm đến thiên nhiên, con người cùng với phong tục văn hóa đặc trưng khắp nơi trên thế giới.

Cao nguyên Mộc Châu, nằm ở phía bắc của tỉnh Sơn La, cách Hà Nội khoảng 200 cây số, nơi cung cấp sản phẩm bơ sữa cho nhiều vùng trên khắp miền của đất nước. Đặc sản của Cao nguyên Mộc Châu là trà.Tuy nhiên chợ tình hàng năm của Mộc Châu mới chính là đặc sản thu hút khách thập phương đến nơi hẻo lánh này.

Chợ tình chính thức diễn ra vào ngày 1 tháng 9 hàng năm, đây cũng là ngày Tết của người Mông và là phiên chợ tình duy nhất trong năm. Trước đó vài tháng trai gái từ tuổi 15 đến 17 trong các làng xa xôi đã chuẩn bị những bộ quần áo đẹp nhất và tập luyện các điệu nhảy để gây ấn tượng khó quên cho đối tượng phù hợp của mình. Các chàng trai thì luyện  “khèn” (cây kèn dài làm bằng 7 hoặc 8 ống tre tạo thàhn một hộp nhạc), hoặc tìm cách nào để phô trương  tài năng của họ để thu hút người tâm đầu ý hợp.

Gọi là chợ tình, nhưng không mua không bán gì cả mà ở nơi này, khi thời gian tới, người ta tìm cách trao đổi ánh mắt, tâm ý và tình ý khi nhìn thấy được người khiến mình muốn cùng đi hết đoạn đường đời còn lại, nơi diễn ra sự trao đổi cử chỉ yêu thương theo phong tục tập quán và phơi bày sinh hoạt văn hóa của những đồng bào vùng cao.

Tại Chợ tình Mộc Châu, ta  được xem ca múa, nghe khèn và chứng kiến những cảnh tượng nhiều đôi tán tỉnh nhau rất chân thành, giản dị nhưng lại độc đáo: Khi nhìn thấy thích người nào đó, họ tiến tới gần để chọc ghẹo, đi theo nhau vòng quanh chợ để tán tỉnh nhau, nhiều chàng trổ tài thổi khèn với điệu bộ riêng của mình, còn các cô nàng thì bẽn lẽn múa theo tiếng khèn hoặc làm duyên làm dáng theo kiểu riêng của họ để đáp lại sự tán tỉnh của người kia, họ có thể đưa nhau ra một hẻm núi, một con suối để hàn huyên, tâm sự và bày tỏ những nỗi niềm về cuộc sống riêng tư của mỗi người. Sau đó, họ lại trở về với gia đình, rồi họ nắm lấy tay nhau, trao kỷ vật và hẹn năm sau gặp lại.

Nhiều người không thuộc dân tộc Mông, vẫn đến dự và mặc trang phuc của người Mông và thậm chí họ còn náo nức chờ đợi ngày này vì nó là một phong tục rất là nguyên thủy và nơi mình tìm thấy năng lượng tình yêu rất thiên nhiên không hề có những tính chất của tình yêu hiện đại hay bị ảnh hưởng bởi vật chất.

Đêm 31 tháng 8 và 1 tháng 9 là hai đêm đáng chờ đợi nhất. Các chương trình văn nghệ diễn ra, những nụ cười giòn tan vang khắp cả núi rừng hòa lẫn tiếng suối chảy. Trước đó người ta đến sớm hơn để trải nghiệm sự hồi hợp khi chờ đợi, họ sẵn sàng ngủ ở bất cứ nơi đâu: dưới gốc cây, giữa bậc tam cấp, trên một tảng đá,…để chờ cái giây phút đầy chất văn hóa này.

Đã có rất nhiều cuộc tình răng long tóc bạc bắt đầu từ chợ tình Mộc Châu. Khi trai gái gặp nhau tại chợ tình và nếu thích nhau họ sẽ trao đổi kỷ vật rồi hẹn năm sau gặp lại, nhưng khoảng cách của 12 tháng xa cách cũng là một thử thách cho hai người sống xa nhau và kết quả có thể họ sẽ không được gặp lại nhau vào năm tới. Một năm sau, nếu họ vẫn còn nhớ nhau, họ sẽ giữ kỷ vật đó và mang đến chợ tình của năm sau.

Chắc chắn nhiều người ở thế giới hiện đại sẽ nói:“Tại sao phải phức tạp cho khổ cả hai, chỉ cần hỏi địa chỉ hoặc đi theo cho biết nhà người kia ở đâu là được, trong suốt năm xa cách có nhớ cũng có thể ghé thăm, hoặc theo nếp sống hiện nay chỉ cần một cú điện thoại là xong, sao lại phải khổ sở chịu đựng nổi nhớ nhung xa cách cho đến một năm sau để rồi có thể sẽ mất nhau muôn đời. Cũng chính vì vậy mà nơi đây đã trở thành một nơi thú vị cho du khách và những người hưởng thụ cái phong cách yêu đương mộc mạc mang tính chất rừng núi thế này”.

Có những người gặp nhau không trở thành vợ chồng nhưng họ lại trở thành bạn bè lâu năm, họ vẫn hẹn gặp nhau vào những ngày Tết, động viên an ủi nhau trong đường đời.

Dĩ nhiên có rất nhiều tiếng sét ái tình xảy ra trong lần gặp đầu tiên rồi sau đó khi trở lại thì không gặp người đó nữa. Có người sau này dù đã lập gia đình có con có cái vẫn đến chợ tình mỗi năm với hy vọng sẽ gặp lại người yêu ban đầu chỉ để ôn lại kỷ niệm cũ và chỉ muốn biết người kia có may mắn được hạnh phúc như mình không.

Đặc điểm của phiên chợ tình này là người rất đông, nhưng không hề có cãi cọ, vì vậy khi đêm về, tất cả thành viên trong gia đình ai đi lối nấy chỉ hẹn nhau đến sáng sẽ gặp ở nơi nào để cùng về bản, tuyệt đối không hỏi nhau tối qua làm gì, gặp ai, ở đâu.

Những cặp đôi đã trở thành vợ chồng từ phiên chợ tình, mỗi năm vẫn dắt nhau đến chợ để ôn lại kỷ niệm và hưởng thụ không khí ở chợ. Theo tập tục vào cái đêm chính của chợ tình, các ông chồng sẽ uống thật say (vì không say là không tốt, không hết lòng) rồi sau đó vợ sẽ cõng chồng lên lưng ngựa dắt về.